Người tiên phong trong phong trào canh tân, dân sinh, dân chủ
Người suốt đời đi tìm lý tưởng cho độc lập dân tộc
Phát biểu tại hội thảo, ông Lê Trí Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, nhà yêu nước Phan Châu Trinh hiệu Tây Hồ, sinh ngày 9-9-1872 tại làng Tây Lộc, huyện Hà Đông, nay thuộc thôn Tây Lộc, xã Tam Lộc (huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam), một vùng quê giàu truyền thống yêu nước và hiếu học. Sinh ra trong hoàn cảnh đất nước đầy biến động, tuổi thơ của Nhà yêu nước Phan Châu Trinh đã trải qua nhiều gian nan cơ cực cùng với sự thăng trầm của lịch sử dân tộc. Tại tỉnh Quảng Nam, Nghĩa hội Quảng Nam là một trong những tổ chức hoạt động chống Pháp rất kiên cường và anh dũng. Hòa mình với khí thế hừng hực đánh giặc, Phan Châu Trinh theo học võ với nghĩa quân Nghĩa hội Quảng Nam đến năm 1887. Sau khi cha mất, phong trào Nghĩa hội bị đàn áp, Phan Châu Trinh về quê tiếp tục đi học.
Năm 1892, ông kết bạn với Huỳnh Thúc Kháng và Trần Quý Cáp khi theo học với thầy Mã Sơn- Trần Đình Phong, một nhà giáo có đức độ, chí khí, tận tâm đào tạo nhân tài cho Quảng Nam. Năm 1900, Phan Châu Trinh thi đỗ cử nhân, một năm sau đỗ phó bảng nhưng phải trở về quê lo đám tang anh ruột và ở lại quê nhà dạy học. Năm 1903, Phan Châu Trinh được bổ nhiệm làm Thừa biện Bộ lễ. Trong thời gian ở Huế, ông có điều kiện đọc các sách về công cuộc duy tân ở Nhật Bản, tiếp cận chủ thuyết Tam dân "Dân tộc độc lập - Dân quyền tự do - Dân sinh hạnh phúc" của Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu, cùng với xu hướng dân chủ tư sản của các nhà dân chủ Pháp và những kế sách cải cách của Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Lộ Trạch, Phạm Phú Thứ... đã tác động mạnh mẽ, chuyển biến trong tư tưởng của Phan Châu Trinh. Vì vậy, tuy sống và làm quan ở kinh đô nhưng tấm lòng luôn mang nặng nỗi đau của người dân mất nước. Do đó, ông đã từ quan trở về quê và năm 1904, tại làng Thạnh Bình (huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam), Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp, Phan Bội Châu gặp nhau để bàn việc cứu nước.
Trên hành trình bôn ba trong nước, Phan Châu Trinh không ngừng truyền bá tư tưởng dân chủ, dân quyền với mục đích cuối cùng là giải phóng dân tộc, cứu dân thoát khỏi ách nô lệ. Với ảnh hưởng ấy, Phong trào Duy Tân đã thu hút đông đảo các nhân sĩ yêu nước… Trước sức mạnh như triều dâng thác đổ của phong trào chống sưu thuế; thực dân Pháp và tay sai đàn áp dã man, hàng nghìn nông dân bị giết, bị tra tấn, bị tù đày; các chí sĩ như Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng bị bắt đày đi Côn Đảo. Không thể làm lung lay ý chí của nhà yêu nước Phan Châu Trinh, ba năm sau, thực dân Pháp buộc phải trả tự do, nhưng lại giam lỏng ông ở Mỹ Tho. Trước sức ép phản đối quyết liệt của các chí sỹ và sự can thiệp của Hội Nhân quyền Pháp, thực dân Pháp phải cho ông ra nước ngoài cùng con trai là Phan Châu Dật vào cuối năm 1911.
Đến nước Pháp, Nhà yêu nước Phan Châu Trinh tiếp tục đấu tranh, ông viết các tác phẩm nêu rõ thực trạng bần cùng của xã hội và tố cáo chính sách bóc lột của thực dân Pháp ở Đông Dương. Năm 1914, Phan Châu Trinh bị bắt giam vào ngục Santé vì bị vu cáo thân nước Đức, chống Pháp. Một lần nữa, khí phách của Nhà yêu nước Phan Châu Trinh được thử thách trong gông cùm lao tù… Trong khoảng thời gian này, chiêm nghiệm lại sự thành bại của mình và nhận thấy con đường cứu nước đối với nhân dân Việt Nam không thể theo khuynh hướng dân chủ tư sản, với tri thức nhạy bén của nhà yêu nước tiền bối và qua kết thân với nhà yêu nước Nguyễn Ái Quốc, Phan Châu Trinh đã tiếp cận với chủ nghĩa Mác - Lênin và đã có tầm nhìn xa về tương lai của Nguyễn Ái Quốc, kỳ vọng vào Nguyễn Ái Quốc mà sau này Nhà yêu nước Phan Châu Trinh nói: "Độc lập của nước Nam ta sẽ trông cậy vào Nguyễn Ái Quốc".
Năm 1925, chính sách thuộc địa có thay đổi, đặc biệt tình hình cách mạng Việt Nam có nhiều chuyển biến mạnh mẽ, nhà yêu nước Phan Châu Trinh về quê hương sau 14 năm ở Pháp. Nhưng do lao tâm, lao lực quá nhiều, bệnh cũ tái phát, ngày 24-3-1926, Phan Châu Trinh vĩnh viễn ra đi tại Sài Gòn trong vô vàn tiếc thương của nhân dân cả nước.
Là nhà văn, nhà báo, nhà văn hóa lỗi lạc
Có thể nói, nhà yêu nước Phan Châu Trinh không những là nhà hoạt động chính trị mà còn là một nhà văn, nhà báo, nhà văn hóa lỗi lạc với những tác phẩm nổi tiếng. Với trí tuệ thông minh và học vấn uyên thâm, Phan Châu Trinh dùng ngòi bút của mình để chuyển tải tư tưởng yêu nước, thương dân, đấu tranh lên án chính sách bóc lột, đàn áp tàn bạo của thực dân, phong kiến; các tác phẩm của Phan Châu Trinh đều thể hiện sự thiết tha của một tấm lòng, một nhân cách yêu nước vĩ đại. "Hơn 20 năm hoạt động cứu nước, Nhà yêu nước Phan Châu Trinh đã cống hiến trọn cuộc đời mình cho nhân dân, cho dân tộc, từ bị giam cầm trong lao tù, vất vả lao động kiếm sống nơi đất khách quê người và lúc trở về cõi vĩnh hằng nhưng trong lòng vẫn mong cho dân tộc được độc lập, nhân dân được ấm no, hạnh phúc. Với tấm lòng yêu nước, thương dân ấy, nhân dân Việt Nam đã ghi tạc hình ảnh nhà yêu nước đi tiên phong trong phong trào canh tân, dân sinh, dân chủ…", ông Lê Trí Thanh nhìn nhận.
Nói về Hội thảo nhân kỷ niệm 150 năm Ngày sinh Nhà yêu nước Phan Châu Trinh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh thông tin thêm, sau thời gian dài chuẩn bị hết sức công phu và chu đáo, Ban Tổ chức Hội thảo "Tư tưởng canh tân của Nhà yêu nước Phan Châu Trinh" nhận được hơn 60 tham luận của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu đến từ các cơ quan trên khắp mọi miền đất nước. Sau quá trình nghiên cứu, phản biện, Ban Tổ chức đã biên tập, lựa chọn được 50 bài tham luận mời tham dự hội thảo. Các bài tham luận hội thảo lần này tập trung vào những nội dung chính như: Con đường hình thành và bối cảnh lịch sử tác động đến việc hình thành tư tưởng của Nhà yêu nước Phan Châu Trinh; Tư tưởng canh tân của Nhà yêu nước Phan Châu Trinh; Phát huy giá trị tư tưởng canh tân của Nhà yêu nước Phan Châu Trinh trong giai đoạn hiện nay.
Thông qua hội thảo, ban tổ chức mong muốn các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu và đại biểu tiếp tục có những ý kiến đóng góp, đưa ra những nhận định, nguồn tài liệu, tư liệu mới và các góc nhìn, cách tiếp cận mới để nhận diện và tiếp tục làm sáng tỏ thêm về Tư tưởng canh tân của Nhà yêu nước Phan Châu Trinh, nhất là việc vận dụng tư tưởng canh tân của bộ ba "Tam kiệt Quảng Nam" (Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng), mà trong đó Nhà yêu nước Phan Châu Trinh đóng vai trò khởi xướng vào công cuộc đổi mới, xây dựng ý chí tự lực tự cường, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, tỉnh Quảng Nam giàu mạnh.
Cùng ngày, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Nam cùng chính quyền địa phương huyện Phú Ninh đã tổ chức Lễ dâng hương, hoa và thực hiện nghi thức khởi công Dự án tu bổ, nâng cấp, mở rộng di tích địa điểm Nhà lưu niệm cụ Phan Châu Trinh tại xã Tam Lộc (Phú Ninh) với kinh phí 30 tỷ đồng.
LÊ HẢI