Người tốt của làng Trà Văn

Thứ sáu, 03/07/2009 00:00

Già Phương trao đổi công tác với
Trưởng CAX Tam Lãnh Nguyễn Văn Thanh. 

(Cadn.com.vn) - Tam Lãnh là một xã miền núi của H. Phú Ninh, Quảng Nam, có 5 thôn, trong đó có Trà Văn, thôn duy nhất 100% là đồng bào dân tộc Co. Ấy vậy nhưng, Trà Văn hàng chục năm nay lại là thôn điển hình của xã về nhiều mặt: tình hình ANTTXH tốt nhất, đời sống kinh tế khá nhất. Con em người Co ở đây luôn cố gắng học hành để có nhiều cái chữ, biết trồng nhiều rừng, làm nhiều ruộng lúa nước, nuôi nhiều con trâu, con bò làm giàu cho thôn bản. Bà con ai cũng bảo: “Có được như vậy là nhờ công đầu tiên của già làng Nguyễn Văn Phương...”.

Theo chân anh Nguyễn Văn Thanh, Trưởng CAX Tam Lãnh, chúng tôi về Trà Văn vào một ngày cuối tháng 6-2009. Làng vắng hoe, chỉ có người già ở nhà phơi lúa, phơi bắp, lũ trẻ con đang kỳ nghỉ hè hò hét tắm dưới vòi nước nguồn tự chảy giữa thôn. Nghe tin có khách, già làng Nguyễn Văn Phương đang làm rẫy vội trở về nhà. Đón chúng tôi, già phân trần: “Đang mùa phát cỏ rừng trồng, làm cỏ lúa nước, nhiều việc lắm...”. Thấy tôi ngạc nhiên khi thấy già Phương cụt cả hai tay, anh Thanh giải thích: già Phương là thương binh hạng 2/4 từ thời đánh Mỹ, nhưng làm việc còn khỏe và hăng hái không kém gì lũ thanh niên.

Thôn Trà Văn nằm dưới chân núi Dương Ngang, phía bên kia núi là xã Trà Cót, Bắc Trà My, những năm đánh Mỹ khốc liệt, là con đường giao liên nối từ căn cứ An ninh Khu 5 về Tam Kỳ và các vùng đồng bằng. Năm 1967, vừa tròn 17 tuổi, Phương đã cùng một số thanh niên làng Trà Văn tham gia làm giao liên cho các cán bộ An ninh Khu 5. Vùng Trà My suốt từ đỉnh Ngọc Linh tới vùng giáp ranh Tam Kỳ, Núi Thành..., nơi nào cũng in dấu chân chàng trai trẻ với hàng trăm chuyến đưa cán bộ đi công tác, đưa thư, tài liệu hỏa tốc nối chiến khu với đồng bằng. Năm 1970, Mỹ-ngụy ráo riết càn quét, nhằm chặn đứt con đường giao liên của khu căn cứ An ninh Khu 5, đội du kích Trà Văn, Trà Cót được thành lập, Phương được cử làm tiểu đội trưởng đội du kích. Hàng chục trận đánh đã diễn ra trên đường giao liên, trên núi Dương Ngang, hàng chục đợt càn quét của Mỹ-ngụy bị đập tan, con đường giao liên vẫn giữ an toàn.

Giữa năm 1974, trong một chuyến đi công tác, Phương bị trúng mìn cụt cả hai tay. Nhớ lời dạy của Bác Hồ “Thương binh tàn nhưng không phế”, sau ngày thống nhất, mặc dù là thương binh nặng, nhưng già Phương vẫn xung phong nhận trách nhiệm Phó thôn, CA viên thôn Trà Văn, xã Tam Lãnh. Thôn Trà Văn lúc đó chỉ có gần 20 hộ gia đình với hơn 60 nhân khẩu dân tộc Co, đời sống bà con vô cùng nghèo nàn lạc hậu, giữ nhiều hủ tục mê tín dị đoan nặng nề làm ảnh hưởng không nhỏ tới ANTTXH và đời sống. Là người lính trải qua chiến tranh, già Phương trăn trở: muốn cho đời sống người dân khá lên, trước hết phải xóa bỏ hết tập tục mê tín dị đoan.

Nghĩ vậy, già Phương đề xuất với Đảng ủy, UBND xã và đi đầu gương mẫu trong mọi công việc. Người Co có tục lệ, khi trong làng có người chết, thường phải giết trâu, bò, heo cúng bái linh đình trong nhiều ngày, rồi lại phải chia của cho người chết. Nhiều gia đình có người chết, không có trâu, bò cúng, không có của chia không dám đem người chết đi chôn, vì sợ Giàng phạt, sợ làng phạt... Già Phương đến vận động, tự mình đứng ra chịu trách nhiệm tổ chức đưa người chết đi chôn, giải thích cho bà con hiểu, đó là những hủ tục xấu cần phải loại bỏ để bớt tốn kém, tránh ô nhiễm, bệnh tật trong làng, dần dà bà con hiểu ra nên làm theo... Hơn 10 năm nay, ở Trà Văn không còn hủ tục lạc hậu như trước đây.

Từ năm 2000 đến nay, già Phương luôn đi đầu trong việc thực hiện chủ trương không chặt phá rừng làm nương rẫy, phát triển diện tích rừng, đem lại lợi ích kinh tế. Đến nay cả thôn Trà Văn đã có 35 hộ với hơn 80 nhân khẩu, nhà nào cũng có ít nhất 5ha rừng trồng các loại cây, 5 sào lúa nước đảm bảo lương thực quanh năm. Bằng nguồn vốn đầu tư của Nhà nước từ Chương trình 135, 134 và vốn xóa đói giảm nghèo, nhà nào cũng nuôi được ít nhất 5 con bò, trâu, ao thả cá. Trà Văn không còn hộ đói, nhà nào cũng có tivi, xe máy. Đời sống kinh tế ổn định, lũ thanh niên, thiếu niên ở Trà Văn thi đua học hành, không có trẻ mù chữ, 5 em học hết cấp 3 thi đỗ các trường cao đẳng, dạy nghề ở tỉnh. Tình hình ANTTXH ở thôn được đánh giá là an toàn nhất xã. Có được kết quả này là nhờ công tác quản lý địa bàn, công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương đường lối chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước rất tốt của chính quyền thôn, CA thôn, trong đó công đầu thuộc về già làng Nguyễn Văn Phương. Bà con người Co ở Trà Văn mỗi khi nhắc đến già Phương đều trân trọng nói: “Đó là người tốt ở làng mình...”.

Trung Thành