Người Việt lười đọc sách

Thứ tư, 09/04/2014 10:05

(Cadn.com.vn) - Bình quân mỗi năm, một người Việt Nam chỉ đọc 0,8 quyển sách, đó là con số mà Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa ra nhân Ngày hội Sách và Văn hóa đọc 2013. Con số làm nhiều người quan ngại: Văn hóa đọc liệu có đang ở mức báo động? Qua kênh báo chí, tôi được biết, ở Malaysia, cách đây 10 năm, mỗi người dân đọc trung bình 2 cuốn sách/năm; vào năm 2012, con số này đã tăng lên từ 10 đến 20 đầu sách/năm.

Tại các nước Châu Âu, con số này còn lớn hơn nhiều. Dù chưa thống kê xếp loại chính xác, đầy đủ nhưng rõ ràng với 0,8 cuốn sách mỗi năm, tỷ lệ đọc sách của người Việt Nam là quá thấp so với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Có nhiều người cho rằng, giá sách hiện nay còn cao so với mức thu nhập của số đông người dân, chất lượng sách chưa tốt,  sách được phân bổ tại các thư viện  bình quân chỉ đạt 0,35 bản/người... là những nguyên nhân chính  gây ảnh hưởng lớn tới việc tiếp cận sách của người Việt. Lý giải như vậy chỉ đúng một phần.

Theo chúng tôi thì nguyên nhân chính thuộc về ý thức đọc sách để tích lũy tri thức vẫn còn rất hạn chế. Thực tế cho thấy, ngay cả nhiều học sinh, sinh viên ngày nay, lứa tuổi thích khám phá, tìm tòi kiến thức từ sách, cũng rất lười đọc sách.  Trường tôi có hẳn một phòng thư viện  tương đối rộng rãi, với hàng ngàn đầu sách các loại để phục vụ nhu cầu đọc của gần 2 ngàn học sinh của nhà trường.

Thời gian đầu, hằng ngày còn có khoảng vài ba chục lượt học sinh tới lui phòng thư viện đọc sách, mượn sách về nhà. Nhưng mấy năm gần đây, số học sinh đến thư viện ngày càng thưa vắng, ít dần. Nhiều sách, tư liệu có giá trị, mới cứng mà chẳng thấy ai mượn đọc cả. Thật phí hoài. Được biết hầu hết thư viện nhà trường phổ thông, thư viện tỉnh ở nhiều nơi khác, địa phương khác cũng chung tình cảnh tương tự, hết sức thưa vắng  học sinh, giáo viên đến đọc, mượn sách.

Nhiều trường ĐH, CĐ đã đầu tư hàng chục, hàng trăm tỉ đồng cho việc xây dựng hệ thống thư viện hiện đại, khang trang. Đầu tư thì lớn nhưng tính hiệu quả của nó còn thấp, khi ý thức sử dụng thư viện, đọc sách, tìm kiếm tư liệu phục vụ cho công việc học tập của nhiều sinh viên còn  hạn chế. Sinh viên chỉ chăm chỉ tới thư viện tập trung vào các mùa thi cuối kỳ.

Đến thư viện lớn của Đại học khoa học xã hội và nhân văn, Thư viện Tạ Quang Bửu của Đại học Bách Khoa (Hà Nội), nhiều người nhận thấy ngay tình trạng ghế trống ở đây khá nhiều, chỉ một số ít sinh viên đến tìm kiếm tài liệu làm tiểu luận, đề án hoặc nghiên cứu khoa học. Chỉ có các phòng Internet ở thư viện các trường đại học luôn là điểm thu hút đông đảo sinh viên tới lui nhất. Song cũng thật đáng buồn, nhiều cô cậu sinh viên đến đây, với mục đích học tập thì ít, chủ yếu là  "say" với wifi, Internet miễn phí.

Thống kê gần đây cho biết, ở ta hiện có đến 25.300 tiến sĩ, hàng trăm ngàn thạc sĩ... được xếp vào loại nhiều nhất khu vực Đông Nam Á  (hơn cả Nhật Bản) nhưng những công trình khoa học, bài báo khoa học được đăng trên những tạp chí uy tín trên thế giới lại thấp nhất.

Trong 10 năm, trung bình mỗi giảng viên đại học, cao đẳng ở ta chỉ có được 0,58 sáng kiến khoa học. Lấy đủ bằng cấp, yên vị rồi, không hoặc ít đọc sách, ít tìm tòi, sáng tạo thì lấy đâu ra sáng kiến, công trình khoa học cho bản thân, đơn vị, đất nước?

Các nước trở thành cường quốc hàng đầu trên thế giới này đều có tỉ lệ người yêu sách, đọc sách rất cao. Dẫu cho đã có nhiều hình thức khác để chúng ta thư giãn, giải trí, tìm tòi, học tập nhưng việc thường xuyên đọc sách, đặc biệt sách có giá trị sẽ giúp chúng ta tích lũy được nhiều tri thức sâu sắc và lâu bền nhất.

Thiết nghĩ, về lâu, về dài, Nhà nước ta, nhất là ngành văn hóa và giáo dục cần có sự quan tâm, hỗ trợ, đầu tư tốt hơn nữa về hệ thống thư viện, giảm giá thành sách các loại; tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá, tôn vinh giá trị của sách, việc đọc sách... sâu rộng đến mọi đối tượng, tầng lớp. Ngày Hội đọc sách, tuần lễ  hội sách được tổ chức đều đặn, quy mô, bài bản hằng năm ở tất cả tỉnh, thành trong cả nước để thu hút, nâng cao ý thức thường xuyên ham thích đọc sách của người Việt ta, nhất là giới tri thức trẻ.

Đỗ Tấn Ngọc