Người vợ cả của "Ông tướng tình báo..."
(Cadn.com.vn) - Tôi có may mắn được quen thân nhiều cán bộ tình báo, biệt động, binh vận đã hoạt động trong lòng địch. Tôi dò hỏi, tôi sục tìm, cố moi bằng được những cặp vợ chồng đã xa nhau 21 năm để “Bảo vệ Tổ quốc”, để “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”. Với thời gian lâu hơn tới 6 năm, “trăm bó đuốc cũng vớ được con ếch” tôi gặp được gia đình chị Nguyễn Thị Thanh, vợ thiếu tướng tình báo, an ninh Đặng Trần Đức. Anh Đức, với vỏ bọc là chuyên viên cao cấp của tình báo ngụy, hoạt động đến ngày đại thắng. Tôi gặp anh ở TP Hồ Chí Minh năm 1978. Anh không hé lộ chút nào về hoạt động của anh và gia đình anh. Tôi cố ý nói khích: “Tớ và cậu đều ở cấp trung tá. Tớ là phóng viên báo Quân đội nhân dân có giấy giới thiệu do Tổng biên tập ký mà cậu không tiếp. Sao cậu nỡ coi thường?”.
Đặng Trần Đức thổ lộ: “Lòng vả cũng như lòng sung thôi. Tôi đã đọc nhiều bài ông viết về tình báo. Tôi rất muốn ông viết về mình. Nếu ông gợi ý để thủ trưởng Cục Tình báo chỉ thị cho tôi tiếp ông, nói với ông một, tôi sẽ kể cho nhà báo nghe mười lần nhiều hơn”. Tôi hoàn thành chuyện “Tôi đi tìm cái chết của tôi” dày gần 400 trang xuất bản năm 1984. Anh Đức là người Hà Nội. Năm 1946, anh và chị Thanh cùng là cán bộ tình báo đã sơ tán về Thanh Hóa. Năm 1948, anh chị được lệnh trở về Hà Nội, tìm cách trèo cao, leo sâu, cố chui vào hàng ngũ địch, hợp tác với địch. Chị Thanh rất khó xử vì chị mới sinh con. Đành chấp nhận phương án anh vào thành trước, chị vào sau. Nhờ có trình độ văn hóa cao, các bạn học của anh bố trí anh dạy học tư. Ngay lần gặp đầu tiên, Quận chúa Cẩm Nhung đã có mối tình sét đánh với thầy Đức vì thầy to, cao, đẹp trai, hay cười, nói chuyện rất có duyên. Ngày xửa ngày xưa, má của Cẩm Nhung là Cẩm Loan đã theo chú là vua Bảo Đại đi kinh lý Bắc Kỳ. Má đã chết mê, chết mệt trùm tình báo Pháp là Giô Jép và đã sinh ra Cẩm Nhung. Nhung giới thiệu anh Đức với ba ruột. Đại tá Giô Jép quá mừng, rút chàng rể tương lai về giúp việc cho mình. Chính đại tá Giô Jép đã tạo ra bản lý lịch mới, bố trí cho Đức ở cương vị cao.
![]() |
Đại tướng Lê Văn Dũng tặng hoa tướng tình báo Đặng Trần Đức (Ba Quốc). |
Chị Thanh về Hà Nội năm 1952, đã gặp lại anh Đức, đã có với anh cậu con trai. Vì e ngại địch tìm ra đầu mối là chị sẽ phát hiện ra anh nên chị Thanh (đã có nghiệp vụ tình báo) đồng ý cho chồng lấy vợ hai là quận chúa Cẩm Nhung và mẹ con chị lên Nông trường Vân Lĩnh ở miền núi xa xôi. Chị tin là 2 năm nữa sẽ có Tổng tuyển cử theo Hiệp định Genève. Chậm nhất là cuối năm 1956 anh sẽ về với chị. Chị không ngờ chị lao đao cả cuộc đời.
Anh Đặng Trần Đức nhờ tôi đưa tặng chị Nguyễn Thị Thanh, vợ cả của anh tác phẩm “Tôi đi tìm cái chết của tôi” viết về anh. Sau nửa giờ trò chuyện, tôi mừng hơn bắt được vàng. Chị Thanh đúng mẫu người mà tôi đang cần tìm. Chị điềm đạm, thông minh, có trí nhớ tuyệt vời. Trời ơi! Sao ở nước ta có trường hợp oan ức, cay đắng mà chị Thanh phải chịu không phải một ngày, một tháng mà kéo dài tới 21 năm tính ra là 7.665 ngày. Sau 10 ngày nghe chị Thanh kể, tôi lao vào viết. Đề tài lớn mà tôi ấp ủ đã có. Chị Nguyễn Thị Thanh khổ trăm đường về tinh thần và vật chất. Suốt 17 năm chị luôn nhận làm cái việc múc mỗi ngày dăm trăm gầu nước từ giếng lên để giặt quần áo, chăn màn cho tất cả công nhân ốm phải nằm trạm xá. Không ai cho chị tăng một bậc lương. Chị buộc phải về mất sức mặc dù chị không ốm ngày nào và chỉ nhận 60% lương tối thiểu cho người mất sức chứ không được hưởng 70% như người về hưu...
![]() |
Người vợ cả (trong bộ phim “Vị tướng tình báo và 2 bà vợ”). |
Tôi hoàn thành tác phẩm “Ông tướng tình báo và 2 bà vợ” rất nhanh, tác phẩm ra mắt độc giả được hưởng ứng rất nhiệt tình. Tôi sung sướng vô cùng vì theo chủ quan nhờ có nhân vật tuyệt vời vô giá nên tôi đã rất thành công. Tác phẩm được Công ty Phát hành sách đánh giá là bán chạy nhất nước. Đạo diễn Bùi Cường đã đưa 29 tập phim lên truyền hình rất được hoan nghênh, được thưởng huy chương vàng.
Chị Thanh đọc tác phẩm nhiều lần. Chị thổ lộ tâm sự với tôi: Từ ngày anh tặng gia đình tôi cuốn: “Ông tướng tình báo và 2 bà vợ” đã có hơn 400 đoàn đến thăm tôi. Nhiều thủ trưởng, khách nước ngoài, các vị tướng, các đoàn thể phụ nữ, các cháu thiếu nhi... đề nghị gặp gia đình tôi. Tôi nhận quá nhiều quà và hoa. Trung tướng Lê Hai-Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị và Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Trung ương là Trương Mỹ Hoa đã gõ mọi cửa để gia đình tôi được chuyển hộ khẩu về Hà Nội và trao cho tôi căn hộ này. Nhiều người không bằng lòng vì ở chung cư tầng 3 nhưng với chúng tôi thì đây là thiên đường rồi”.
Bạn đọc thân mến! Là nhà văn tôi có quyền hư cấu nhưng tôi không bịa chút nào về chị Thanh. Chị đã giúp tôi múa bút. Tôi rất hãnh diện, không chút hổ thẹn với người xưa đã cho xuất bản “Tống Trân - Cúc Hoa” và “Kiều”.
Nguyễn Trần Thiết