Nguồn cảm hứng vô tận
Độc giả thời nay mong cập nhật những thông tin mới, lạ hay những chi tiết liên quan đến các vụ việc đang nổi cộm. Đó là đòi hỏi chính đáng, cho dù phải trả tiền (báo in) hay miền phí (mạng). Song điều chung nhất là độc giả luôn phải trả “phí thời gian”. Thứ “vàng bạc” đó được chi ra có phí phạm hay không chính là điều mà mỗi người phải tự quyết, khi lựa chọn thông tin.
Nhiều người cho rằng độc giả xưa nay, đặc biệt là hiện tại phần lớn thích ra cứu những thông tin giật gân, và trong đó đa số là chuyện xấu, tiêu cực. Không hẳn vậy. Cái đẹp, cái tốt vẫn luôn thu hút, cuốn hút mọi người và đấy cũng là nguồn cảm hứng vô tận của các nhà báo yêu nghề, trọng nghề.
Vinh quang của Tổ quốc, lòng yêu nước, tình yêu quê hương, sự hy sinh cống hiến của bao lớp người Việt Nam chính là nguồn cảm hứng mạnh mẽ nhất, là mạch nguồn vô tận cho nhà báo khai thác và tôn vinh, là thuốc bổ, món ăn tinh thần không bao giờ nhàm chán trong lòng người dân Việt. Khi Việt Nam có người đi vào vũ trụ, có người chinh phục đỉnh Everest, khi đội tuyển bóng đá quốc gia vô địch SEA Games… là cả rừng người reo hò, hạnh phúc, thậm chí còn bật khóc. Đó là lúc những người cha, người mẹ bác sĩ, điều dưỡng, chị Công an, anh Bộ đội Biên phòng rời xa tổ ấm và những đứa con bé bỏng nườm nượp tăng cường, lao vào các tâm dịch; là những hộ người Ba Na, Ê- Đê, Cơ Tu từ miền ngược gom góp rau, củ, quả gửi về đồng bào miền xuôi bị phong tỏa bởi COVID- 19; là hình ảnh những chiếc lều bạt dã chiến dựng vội dọc Quốc lộ 1 tiếp tế chai nước, suất cháo, bịch sữa hay những chiếc xe tươm tất hơn, an toàn hơn cho dòng người về quê tránh dịch… Nguồn cảm hứng ấy ngoài mang lại cho cộng đồng người Việt trong nước, kiều bào rất, rất nhiều năng lượng tích cực, còn kết dính, lan tỏa nghĩa đồng bào, người với người xích lại gần nhau hơn, đoàn kết và yêu thương nhau hơn. Và báo chí, những trang viết nhờ thế sinh động, cảm xúc và lan tỏa hơn.
Lịch sử Việt Nam đã cho dân tộc Việt Nam bao nguồn cảm hứng lớn lao. Từ những chiến thắng Bạch Đằng Giang, Chi Lăng, Đống Đa đến Cách mạng tháng Tám, Điện Biên Phủ, Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng; từ cuộc đời, hoạt động và tấm gương rạng rỡ Hồ Chí Minh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp đến lấp lánh Nguyễn Văn Trỗi, Trần Thị Lý, Võ Thị Sáu; từ sự hy sinh thầm lặng mà cao cả của Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ đến những nữ thanh niên xung phong Ngã ba Đồng Lộc, Đại đội du kích Ngư Thủy, 11 cô gái sông Hương… Nguồn cảm hứng tiếp nối trong công cuộc dựng xây đất nước từ những Anh hùng nông dân Hồ Giáo, Lưu Ban đến các trí thức tầm cỡ thế giới như giáo sư Ngô Bảo Châu, Nguyễn Tiến Dũng, Lê Tự Quốc Thắng…
Trên dải đất miền Trung dằng dặc, Tây Nguyên hùng vĩ… những gian khó phải trải qua, những mùa ngọt thu về, những con người, làng quê yêu dấu đã đang và sẽ cũng là nguồn cảm hứng vô tận cho văn nghệ sĩ và báo giới khai thác. Đó là Chu Lai (Quảng Nam) khu kinh tế mở đầu tiên của đất nước, là Dung Quất (Quảng Ngãi) khu lọc dầu đầu tiên, là cầu Sông Hàn (Đà Nẵng) cầu quay đầu tiên, Festival Huế (Thừa Thiên- Huế) festival đầu tiên… Gắn với những thương hiệu ấy là những con người có sức hút huyền thoại, giai thoại như cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, cố Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh hay là sự cộng hưởng của lòng dân, ý Đảng.
Tổ quốc, Mẹ, dòng sông, bầu trời, ánh trăng và tia nắng… là những nguồn cảm hứng tự nhiên, sẽ đến nếu con người mở lòng và sẵn sàng đón nhận nó. Nhưng cũng có những nguồn cảm hứng không tự nhiên đến với mọi người, mà qua nhà báo, bằng những thước phim, trang viết. Nhà báo phải không ngừng tìm kiếm và khai phá, truyền nguồn cảm hứng từ “bản gốc” đến với độc giả, kích hoạt năng lượng tích cực trong mỗi người và ngược lại, loại bỏ những năng lượng tiêu cực và trì trệ…
Mỗi chúng ta đều có những nguồn cảm hứng riêng, rất khác hoặc có thể giống nhau. Nhưng nguồn cảm hứng để tất cả cùng hòa ca là nguồn cảm hứng đẹp nhất, vĩ đại nhất và lâu dài nhất: nguồn cảm hứng vô tận từ quê hương, đất nước, đồng bào… Và cũng chính nguồn cảm hứng đã chắp cánh, nuôi dưỡng, quyết định sự thành công cho mỗi trang viết.
Thế Sinh