Nguồn lợi cao từ cây chuối lùn
(Cadn.com.vn) - Với diện tích 160ha, năng suất mỗi năm đạt 3.000 tấn, chiếm 1/3 diện tích lúa và hoa màu trong toàn xã. Có thể nói xã Đại Hiệp (Đại Lộc-Quảng Nam) là “thủ phủ” của cây chuối lùn không những ở H. Đại Lộc mà còn của cả tỉnh Quảng Nam và khu vực miền Trung-Tây Nguyên.
Cây chuối lùn với đặc tính dễ trồng, dễ chăm sóc, sống và phát triển tốt ở những vùng đất ven sông. Các xã ven sông Vu Gia của H. Đại Lộc như Đại Hòa, Đại An, Đại Hiệp rất thuận lợi trong việc hình thành, phát triển mô hình trang trại cây chuối lùn, trong đó Đại Hiệp là một trong những xã đi đầu trong việc nhân rộng, phát triển cây chuối lùn. Nhận thấy những ưu thế của cây chuối lùn nên bắt đầu năm 2005, Hội Nông dân xã Đại Hiệp cho đấu thầu theo mô hình trang trại, trong đó có những gia đình đã xóa bỏ những loại cây hoa màu có thu nhập thấp như: bông, bắp, đậu... để chuyên canh cây chuối lùn. Theo ông Huỳnh Văn Hùng-Phó Chủ nhiệm HTX Đại Hiệp: “Mỗi sào (500m2) đất trồng được 70 gốc chuối, cho thu hoạch được khoảng 50 buồng, mỗi buồng bán trung bình được 40.000đồng, như vậy mỗi hec-ta thu hoạch được 80 triệu, chi phí tiền phân bón, tiền công thu hoạch, vận chuyển xong mỗi héc-ta sẽ lãi 60 triệu đồng”.
Xã Đại Hiệp có nhiều thôn trồng chuối lùn với số lượng lớn như thôn Phú Mỹ, Phú Đông, Phú Quý... riêng thôn Phú Mỹ chiếm đến 80ha. Thường mỗi gia đình trồng vài sào nhưng có hộ trồng từ một đến vài héc-ta như đại gia đình nhà anh Bùi Quốc Ân, Bùi Quốc Hiếu-trong gia đình có tới 4 anh em trai đều trồng chuối với diện tích lên đến gần 10ha, hoặc hộ ông Bùi Bốn có gần 3ha. Những hộ này lấy cây chuối lùn làm cây chủ đạo, họ chỉ làm thêm 2-3 sào lúa để đủ ăn không phải mua gạo.
![]() |
Anh Bùi Quốc Hiếu đang thu hoạch chuối. |
Chuối lùn thường trồng 6 tháng mới ra trái, từ khi ra trái đến khi già thêm 2 tháng nữa. Trong giai đoạn chăm sóc, vun trồng, nhọc nhằn nhất là khâu thu hoạch, vận chuyển vì chuối trồng ven triền sông, nơi này không có đường cho ô-tô vào, từ nhà dân ra đến cánh đồng chuối xa đến hơn 3km nên chỉ vận chuyển thuận lợi bằng đường sông. Chuối sẽ được vác ra sông bỏ xuống ca nô rồi ngược dòng lên chợ Ái Nghĩa (Đại Lộc), tại đây các thương lái mua thu gom lại rồi đem tiêu thụ khắp nơi như chở ra Đà Nẵng, Huế hoặc vào Quảng Ngãi.
Chuối có quanh năm nhưng thường tập trung vào tháng 7-8, lúc này người dân thu hoạch hàng loạt, tư thương sẽ ép giá nên giá chuối sẽ thấp hơn so với những tháng khác, nhưng người dân đành chấp nhận nếu không bán chuối sẽ chín, không để lâu được.
Ở xã Đại Hiệp có nhiều người nhờ trồng chuối mà trở nên khấm khá xây được nhà khang trang, cuộc sống ổn định. Tiêu biểu là nhà anh Bùi Quốc Hiếu, năm 2005 Hội Nông dân xã giao cho anh 1ha để trồng chuối lùn, anh mạnh dạn đầu tư thuê thêm đất của những hộ xung quanh để mở rộng trang trại, hiện tại anh có gần 3ha chuối lùn, mỗi mùa chuối trừ chi phí xong anh lãi hơn 100 triệu đồng. Được biết trong tháng qua, Hội Nông dân ở Đà Nẵng đã vào xã Đại Hiệp liên hệ mua một số lượng lớn chuối lùn con đem về phổ biến cho bà con nông dân trồng.
Mô hình trang trại chuối lùn ở Đại Hiệp có thể xem là mô hình đầu tư trồng chuối quy mô nhất của tỉnh Quảng
Bài, ảnh: Trần Tân