Nguy cơ thảm hoạ tại nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu

Thứ bảy, 13/08/2022 13:30
Ngày 11-8, Nga và Ukraine tố nhau về đợt pháo kích mới tại khu vực nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia phía đông nam Ukraine, làm dấy lên lo ngại về thảm họa hạt nhân có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia. Ảnh: AFP
Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia. Ảnh: AFP

Theo quan chức Vladimir Rogov do Moscow bổ nhiệm tại vùng Zaporizhzhia, lực lượng Ukraine "một lần nữa nhằm vào nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia". Interfax cuối ngày 11-8 dẫn lời người đứng đầu Trung tâm kiểm soát quốc phòng thuộc quân đội Nga, Mikhail Mizintsev, xác nhận, một bộ phận thuộc hệ thống làm mát lò phản ứng bên trong nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia bị hư hỏng do đòn pháo kích của Kiev. Theo quan chức Nga, đợt pháo kích nói trên do Lữ đoàn pháo binh 44 của quân đội Ukraine tiến hành. Họ đã khai hoả pháo 152mm từ hướng thành phố Nikopol về phía nhà máy điện hạt nhân đặt tại khu vực Nga kiểm soát tại tỉnh Zaporizhzhia.

Trong khi đó, cơ quan hạt nhân Ukraine Energoatom cáo buộc Nga tiếp tục pháo kích nhà máy trên với ít nhất 10 quả đạn pháo rơi tại khu vực khuôn viên nhà máy, 5 quả rơi gần văn phòng chỉ huy trạm và 5 quả rơi gần bộ phận cứu hỏa.

Liên hợp quốc họp khẩn

Rạng sáng 12-8 (theo giờ Việt Nam), Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã tổ chức phiên họp khẩn cấp nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng nhà máy hạt nhân Zaporizhzhia ở Ukraine.
Tại cuộc họp, Giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) Rafael Grossi cảnh báo tình hình ở khu vực nhà máy Zaporizhzhia rất đáng quan ngại và các chuyên gia của IAEA cần phải được tiếp cận khu vực này để xem xét tình hình. Đại diện Mỹ bày tỏ sự ủng hộ đối với lời kêu gọi của Liên hợp quốc và nhiều nước đề nghị thiết lập một khu vực phi quân sự quanh nhà máy Zaporizhzhia và thúc giục IAEA tới xem xét tình hình khu vực này càng sớm càng tốt.

Tại cuộc họp, Đại sứ Vassily Nebenzia, trưởng phái đoàn Nga tại Liên hợp quốc cáo buộc các hành động liều lĩnh của Ukraine đang đẩy thế giới đến gần hơn với một thảm họa hạt nhân lớn. "Chúng tôi đã nhiều lần cảnh báo các nước phương Tây rằng nếu họ không thảo luận với Ukraine, Kiev sẽ thực hiện những hành động liều lĩnh dẫn đến hậu quả vượt ra ngoài Ukraine. Đó chính là những gì đang diễn ra", ông Nebenzia nói. "Các cuộc tấn công của Ukraine vào các cơ sở hạ tầng hạt nhân đang đẩy thế giới đến bờ vực của một thảm họa hạt nhân có thể giống với thảm họa Chernobyl", nhà ngoại giao Nga nói thêm.

Theo ông Nebenzia, xảy ra sự cố tại nhà máy Zaporizhzhia có thể dẫn đến ô nhiễm phóng xạ trên nhiều vùng lãnh thổ rộng lớn, ảnh hưởng đến ít nhất 8 khu vực của Ukraine, bao gồm cả thủ đô Kiev, các thành phố lớn như Kharkov hoặc Odessa, và một số vùng lãnh thổ của Nga và Belarus giáp Ukraine. Ông Nebenzia nói hai nước cộng hòa nhân dân tự xưng Lugansk và Donetsk, cũng như Moldova, Romania và Bulgaria cũng có thể bị ảnh hưởng. Ông Nebenzia cũng nhất trí IAEA có thể đến thăm nhà máy Zaporizhzhia ngay trong tháng 8.

Về phần mình, phát biểu qua video, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky yêu cầu Nga trả lại Ukraine quyền kiểm soát nhà máy hạt nhân Zaporizhzhia để đảm bảo an toàn an ninh hạt nhân cho toàn châu Âu.

Trong thông cáo đưa ra trước cuộc họp khẩn, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã lên tiếng kêu gọi các bên liên quan chấm dứt ngay các hành động quân sự gây nguy hiểm cho nhà máy Zaporizhzhia và không được nhắm vào các mục tiêu gần khu vực này. Theo ông Guterres, các đợt giao tranh gần nhà máy Zaporizhzhia có thể dẫn đến thảm hoạ hạt nhân. "Thật đáng tiếc khi tình hình diễn biến phức tạp hơn thay vì hạ nhiệt", ông nói thêm.

Nguy cơ Chernobyl thứ 2?

Zaporizhzhia là nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu. Nhà máy này nằm dưới sự kiểm soát của Nga từ tháng 3 vừa qua. Trong những ngày gần đây tại khu vực này xảy ra nhiều vụ tấn công quân sự. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia vẫn tin tưởng rằng nguy cơ xảy ra một đại thảm kịch giống Chernobyl là thấp.

Ông Rafael Grossi, người đứng đầu Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), nói rằng tình hình tại nhà máy đang được kiểm soát và "chưa có mối nguy hiểm tức thời" nào.

Ông Leon Cizelj, Chủ tịch Hiệp hội Hạt nhân Châu Âu, cho rằng, tình hình hiện nay tại Zaporizhzhia không phát đi cảnh báo về một thảm họa trên toàn châu Âu. Theo ông Cizelj, rủi ro do pháo kích được hạn chế do các lò phản ứng được bảo vệ bởi lớp bê tông dày tới 10m. Ông ước tính rằng chỉ một loạt các cuộc ném bom mục tiêu từ trên không mới có khả năng làm thủng các bức tường của lò phản ứng.

Ông James Acton, đồng giám đốc chương trình chính sách hạt nhân tại tổ chức Carnegie Endowment for International Peace, đồng ý rằng pháo kích không phải là rủi ro thực sự, mà có thể chỉ là nguy cơ đối với tính dễ bị tổn thương của hệ thống làm mát tại nhà máy. "So sánh đúng ở đây phải là Fukushima chứ không phải Chernobyl", ông Acton nói.

Cả hai chuyên gia đều nhấn mạnh rằng ngay cả trong trường hợp xấu nhất - nếu hệ thống làm mát bị lỗi, dẫn đến sự cố lò phản ứng - nó sẽ chỉ gây ra thiệt hại nghiêm trọng ở cấp độ cục bộ. Ông Cizelj ước tính ảnh hưởng ở bán kính 30 km. "Đó sẽ là một thảm kịch đối với người dân địa phương," ông nói, ngay cả khi nó sẽ không gây ra thương vong ngay lập tức. Nhưng "đối với chúng ta ở châu Âu, đó sẽ là một sự kiện không quá nghiêm trọng, về hậu quả đối với sức khỏe hoặc bất kỳ điều gì khác trong môi trường".

AN BÌNH