Nguyễn Ngọc Hưng: Thơ là sức mạnh

Thứ năm, 14/11/2013 09:59

(Cadn.com.vn) - Nguyễn Ngọc Hưng sinh năm 1960 tại xã Hành Thịnh, H. Nghĩa Hành,  Quảng Ngãi. Năm 1979, Hưng thi đỗ Trường Đại học Sư phạm Quy Nhơn, khoa Ngữ văn. Năm 1983, anh tốt nghiệp thủ khoa, về công tác tại Trường PTTH Nghĩa Hành, Quảng Ngãi thì bị bệnh sau đó phải bỏ việc. Sau hơn 20 năm trên giường bệnh, anh đã cho ra đời gần chục tập thơ, giành được nhiều giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam, Báo Thiếu niên Tiền phong, Tạp chí Tài hoa trẻ... và được tặng thưởng huy chương Vì sự nghiệp Văn học Nghệ thuật, giải thưởng quốc tế về thơ của người tàn tật...

Chân dung nhà thơ Nguyễn Ngọc Hưng.

Cái tên Nguyễn Ngọc Hưng từ lâu đã không còn xa lạ với những người yêu thơ bởi câu chuyện về cuộc đời anh đã làm ta cảm phục ý chí cũng như nghị lực của một con người trong tuyệt vọng vẫn không ngừng sáng tạo cái đẹp. Trong cuộc chiến với bệnh tật, Nguyễn Ngọc Hưng là một người can trường, mạnh mẽ. Sáng tác của anh là những chiêm nghiệm với mọi thứ xung quanh mình và không gian thơ của anh luôn được tưới tắp bởi niềm an lành. Mỗi bài thơ mở ra trước mắt người đọc hình ảnh con người luôn biết chấp nhận và nỗ lực. Nguồn vui của Hưng không gì khác đó chính là mỗi ngày được sống, được ngắm nhìn những chuyển động xung quanh mình.

Nguyễn Ngọc Hưng sáng tác nhiều bởi thơ với anh là máu thịt. Đọc thơ Nguyễn Ngọc Hưng có cảm giác như anh trân quí từng phút giây mình được sống. Bệnh tật làm anh không đi lại được nhưng trên giường bệnh anh vẫn cảm nhận được hết những sắc màu cuộc sống từ ngọn cỏ, lá cây. Thơ anh luôn thấp thoáng bóng dáng của một thi nhân đang ngao du, tề tựu với những niềm vui hồn nhiên mà cũng mang dáng dấp của kẻ lên đường. Chính trong những giây phút yếu lòng anh "vịn câu thơ đứng dậy".

Thơ với anh không phải chỉ là những niềm vui được tiếu ngạo mà nó là niềm vui được hân hưởng những điều bé nhỏ. Đàn gà trong sân, những chú vịt bơi lội tung tăng, những khóm hoa dại dưới ngòi bút của nhà thơ đều tuyệt mỹ. Bất động trên giường bệnh nhưng đôi mắt người thi sĩ vẫn sáng và đôi tay chưa từng biết mỏi. Trái tim yêu đời vẫn cháy trong lồng ngực. Thơ là đôi chân thứ 2 của Nguyễn Ngọc Hưng mang anh đến gần với bạn đọc, trải dài khắp mọi miền đất nước. Thơ Hưng mộc mạc, giản dị, hình ảnh gần gũi và chân thực. Anh thổi hồn mình vào những sự vật bé nhỏ để chúng cũng có tiếng nói, tâm hồn riêng.

Tôi ấn tượng nhất là tập thơ "Những khúc ca trên cỏ" xuất bản năm 2008. Đây là tập thơ thứ 10 của anh đánh dấu sự chín muồi trên hành trình thơ của mình. Tập thơ là tiếng lòng của tâm hồn luôn khát khao được sống, được phấn đấu. Những ngọn cỏ, giọt sương cũng phủ lên mình một dáng dấp khác (Bên những vàng phai diệp lục/Vẫn còn nhiều mơn mởn lá xanh/ Lóng lánh mắt sương cười trên cỏ/ Mỗi bông hoa thơm một phước lành).

Phải yêu biết bao đời sống này mới có thể thốt lên những câu thơ đầy niềm tin như vậy. Có lẽ còn thơ, còn tri âm, Hưng không cho phép mình gục ngã, bị động trước cuộc đời. Thơ Hưng là nguồn vui của anh và cũng là nguồn động viên cho những kiếp người loay hoay giữa cuộc đời. Khi nhận được tập thơ trên tay tôi còn là một học sinh lớp 11. Nghe kể về cuộc đời của anh tôi rất xúc động, đọc thơ anh tôi lại càng quý mến con người lạc quan này. Nhưng càng về sau, càng đọc thơ Ngọc Hưng tôi càng thấy rằng không phải chỉ trong hoàn cảnh đau thương thơ anh mới là sức mạnh mà nó là một thiên bẩm trong con người này.

Với Hưng, lòng biết ơn sự sống và tạo hóa là vô biên. Mỗi ngày trên đời sống, anh dong con thuyền chở nhiều xanh tươi rải khắp những miền đi qua. Hiếm có nhà thơ nào như Nguyễn Ngọc Hưng, làm thơ bằng cảm nhận và sự liên tưởng chỉ qua một góc cửa sổ phòng: "Lạc loài/ dội nỗi nhớ không tên/ dội hiu hắt tiếng thở dài vô cớ/ dội trắng/ dội đen/  dội vàng nức nở/ mèo  hoang rậm rật xé đêm gào". Trong mộng mị, trong ảo giác có lúc anh đã: "Đốt vui buồn thiêu rụi dấu thương yêu/ leo lét lửa đèn bỗng nhiên phựt cháy/ đêm giật nảy/ cứng đờ tôi bật dậy/ mềm bóng ai ma mị phóc qua người...".

Càng đọc càng như dấn thân vào một đời sống nơi khổ đau là một thuộc tính không thể tách rời, nơi con người tựu cứu mình bằng niềm hy vọng vào cái đẹp. Nguyễn Ngọc Hưng quan niệm rằng anh sống cho thơ và bản ngã của anh là nơi neo đậu của chồi xanh cuộc sống. Có như vậy, mỗi ngày anh lại âm thầm gieo những hạt mầm tươi đẹp cho cuộc đời đồng thời cũng là cho những người yêu thơ thêm niềm hy vọng.

Hà Dung