Nhà thơ liệt sĩ Ngô Kha: Từ "Ngụ ngôn người đãng trí" đến "Trường ca hòa bình"

Thứ tư, 25/07/2018 10:24

1.  Bây giờ tôi mang hoa đến dòng sông              

Đọc diễn văn truy tặng người đãng trí...

Nhà thơ Ngô Kha

Một ngày đầu  tháng 2-1973 (27 Tết), ngay sau khi hiệp định Paris về hòa bình ở Việt Nam được ký kết,  khi Ngô Kha đang ở nhà với mẹ già thì một toán mật vụ nhảy xuống xe, bắt ông tống lên xe chạy như bay về nhà lao Thừa Phủ... 20 tháng sau, ngày 25-13-1974, mẹ anh (80 tuổi) viết lá thư thống thiết gửi đến Tổng thống, Chủ tịch Thượng viện, Chủ tịch Tối cao Pháp viện Việt Nam Cộng hòa đòi lại con mình nhưng không được trả lời. Bức thư có đoạn: "Tôi nay đã 80 tuổi, không còn sống được bao nhiêu năm, chỉ còn nương tựa vào đứa con trai duy nhất là Ngô Kha, nay cũng bị chính quyền bắt giữ không cho biết tin tức, tôi làm sao sống nổi...". Trong tù ngục, Ngô Kha bị hành hạ dã man rồi chúng bí mật thủ tiêu ông.  Bây giờ, thân xác ông đã thấm vào đất trời Huế, hòa tan vào cõi hư vô xanh thẳm. Cơn bão cuốn tôi đi mờ mịt/chúng tôi ra khỏi vùng phán xét của loài người (Ngụ ngôn người đãng trí) nhưng ông vẫn như hiện hữu từng ngày với những con đường, con đò, dòng sông và hàng cây long não Huế. Gia đình và học trò của ông xin lấy ngày cuối năm âm lịch làm ngày giỗ Ngô Kha. Ngày Hiến chương Nhà giáo hàng năm, nhiều học trò ông ngày xưa gọi nhau tụ tập về bên sông Hương, nâng chén rượu, đọc thơ nhớ thầy và đọc Ngụ ngôn của người đãng trí: 

và than đá đã thức dậy/nghe gỗ hương nói thì thầm/những hạt cơm đen của mùa Đông

2.Thơ Ngô Kha là nỗi cô đơn trên cuộc hành trình dằng dặc đi tìm chính mình. "Hoa cô độc", tên tập thơ đầu tay, cũng chính là hình tượng triết học lay động, là phát hiện của Ngô Kha, được một thế hệ trí thức trẻ Huế những năm 60 của thế kỷ trước dùng để gọi tên một miền cảm thức siêu hình như làn gió mới thổi về: Đại lộ dòng sông đêm/mặt trời vô hình tan vỡ (Đêm ba mươi- Hoa cô độc). Nói về thơ Ngô Kha, Hoàng Phủ Ngọc Tường cho rằng, những linh cảm phận người đã được Ngô Kha cảm nhận làm lạnh xương sống người đọc, khi nhà thơ vào tuổi hai mươi tràn trề yêu thương và khát vọng:

nó trốn chạy khúc nhạc buồn gợi nhớ tên em

nên trở về đây/ôm tượng đá lạnh lùng tưởng linh hồn con gái (Người con trai- Hoa cô độc). 

Đọc thơ ông, tôi luôn hình dung một Ngô Kha trầm tư, già cả, trong những năm 60 của thế kỷ XX ấy, đã rong ruổi khắp nhân gian, đánh bạn với những "người ca bài sám hối/trên bàn tay lạnh lùng", với "tim khô gầy thoi thóp thanh tân... Cuối cùng của cuộc tìm kiếm đó là hình hài cuộc sống thực, rất u uẩn: còn đắng cay ở lại với mình/chiều dĩ vãng chở đầy khoang thổ mộ... (Bài thơ hôm nay- Hoa cô độc). Cuộc lang thang của thi sĩ với nỗi cô đơn phận người cộng thêm một trời máu lửa chiến tranh trên quê hương yêu dấu đã đẩy tâm hồn chàng đến cõi tuyệt vọng. Đó là hoàn cảnh ra đời của trường ca "Ngụ ngôn của người đãng trí" vào năm 1968, năm chiến tranh vào hồi ác liệt nhất. Ngụ ngôn... là tiếng thét đòi giải thoát khỏi không gian tù ngục. "Khoảng hư vô như cánh tay gối đầu. Giấy trắng là cánh đồng của bầy ngựa già đi lang thang". Trường ca Ngụ ngôn... bắt đầu với lời đề từ siêu thực như thế. Tiếp theo là vô vàn những thi ảnh lạ lùng, phi lý, những cuộc vật lộn, giằng xé, những tiếng thở dài, những tiếng thét, những ánh hỏa châu... Rất nhiều câu thơ tài hoa, lạ lùng đọc lên như tiếng nấc, như tiếng sét, sắc sảo. Ngụ ngôn... miên man những hình ảnh, câu chữ tưởng như rời rạc, xô bồ, ngang dọc không cấu trúc, bỗng đua nhau sống dậy, mọc lên từ trái tim và trí tưởng tượng đắm đuối của nhà thơ. Tất cả được huy động để khắc đậm hình tượng những cơn ác mộng, đẩy tới tận cùng của cơn đau dằng xé, đến nỗi, nhà thơ phải thốt lên: những dòng chữ chảy từng hàng não sống.

Những mảnh hiện thực tâm linh hiếm hoi trong Ngụ ngôn... cũng đậm chất  ẩn dụ nhưng rất đời, rất xác tín về tương lai cuộc sống:

vì trái tim là một quả đồng hồ treo

em nhớ mỗi ngày lên dây

sự sống bắt đầu từ đó

Đó là niềm tin, là sự thức tỉnh, cũng là điểm tựa cho Ngô Kha trở về với thực tại trong những tháng ngày nóng bỏng cuộc đấu tranh xuống đường của bạn bè sinh viên Huế với nhiều bài thơ về chiến tranh, trong đó có Trường ca hòa bình. Trong chiến tranh ác liệt  thế mà Ngô Kha đã nghĩ đến một đô thị vàng trên đồi Lao Bảo/một thị trấn yêu kiều qua ngõ làng Vây... (Cho những người nằm xuống). Sự tiên đoán đó bây giờ đã thành hiện thực! Trường ca hòa bình  không hư vô sâu thẳm hay bát ngát mù sương như Ngụ ngôn người đãng trí, nhưng đó là chứng chỉ cho giai đoạn dấn thân quyết liệt của Ngô Kha trong cuộc  chiến đấu giành tự do cho dân tộc, cũng là chứng chỉ cho chất thi sĩ dấn thân của Ngô Kha, quyết liệt như nhà thơ cộng sản Petopy của Hungari. Trường ca hòa bình là tiếng hát phấn khích về tương lai đất nước khi  cuộc kháng chiến đang dần vào hồi kết: ta bỗng nghe xao xuyến trên thân người/ muôn vó ngựa dập dồn trong thớ thịt. 

Bằng sức tưởng tượng phong phú, Ngô Kha đã hình dung khung cảnh đất nước sau hòa bình với nhiều hình ảnh đầy phấn khích: Nghe lụa mát trong hồn khi chiến tranh vừa tẩm liệm... ta vá lại cánh đồng từ các hố bom... hạt mầm sâu mừng rỡ thoát thai... nhìn hàng cây tượng đá hồi xuân / như con ngựa say tình bên lá cỏ... Đó là sự đồng cảm, đồng hành cùng cuộc chiến đấu sống còn của toàn dân tộc.

Có thể nói, với Ngô Kha, Hoa cô độc và Ngụ ngôn người đãng trí là sự phát tiết tài hoa của thi sĩ trên hành trình của người lữ khách cô đơn, mang đậm chất hiện sinh siêu thực, là hiện thân của cái đẹp tâm linh, tâm cảm. Còn với Trường ca hòa bình là sự nhận chân lịch sử đất nước, là sự dấn thân trong cuộc đấu tranh. Và anh đã vĩnh biệt bạn bè, người thân, đã tan trong hư vô vì sự dấn thân quyết liệt đó.

3. Thân sinh Ngô Kha là ông Ngô Tuyên, một quan triều Nguyễn, từng giữ chức tri huyện Lệ Thủy, thẩm phán Tòa án Huế, mẹ là Cao Thị Uẩn.  Bà Uyển sinh được  7 người con, Ngô Kha là con út. Ngô Kha có hai bằng đại học: sư phạm và luật khoa. Năm 1962, Ngô Kha bị bắt quân dịch. Bà chị  Ngô Thị Huân  đã "chạy" cho Ngô Kha được chuyển ra Huế làm trợ lý báo chí cho Phòng Tham mưu vùng I chiến thuật. Ngô Kha là sĩ quan Việt Nam Cộng hòa, lại hăng hái tham gia xuống đường cùng bà con phật tử Huế chống Mỹ-Diệm đàn áp Phật giáo năm 1963. Năm 1964, Ngô Kha giải ngũ về dạy học. Ông cùng Trần Quang Long lập ra nhóm đấu tranh, gọi là "Nhóm thanh niên chống xa hoa phóng đãng" và "Quán bạn", tham gia xuất bản tờ tin "lực lượng" kêu gọi tuổi trẻ đấu tranh, đòi hòa bình dân chủ. Năm 1966,  Ngô Kha đã vận động hàng trăm sĩ quan, binh lính ở Huế  ly khai thành lập chiến đoàn mang tên Nguyễn Đại Thức chống Mỹ- Thiệu.  Chiến đoàn này còn lên chốt chặn tại đỉnh đèo Hải Vân với quyết tâm chặn quân chính phủ từ Đà Nẵng ra Huế. Nhưng sự không thành, Ngô Kha bị bắt đi tù ở Phú Quốc một thời gian. Năm 1970, Ngô Kha đã cùng các bạn đấu tranh xuất bản tập san "Tự quyết", thành lập Mặt trận văn hóa dân tộc miền Trung do ông làm chủ tịch, tổ chức triển lãm tội ác của Mỹ tại Huế. Tháng 3-1972, Ngô Kha bị cảnh sát Sài Gòn ở Huế bắt bỏ tù. Sau cuộc đấu tranh dữ dội của học sinh các trường, cảnh sát đã phải trả tự do cho Ngô Kha. Một năm sau, ông  lại bị bắt bất ngờ ở nhà như đã kể. Lần này thì Ngô Kha đã vĩnh viễn xa học trò, xa những đồng chí đã cùng nhau "xuống đường" bao nhiêu năm trời.

NGÔ MINH