Nhà trưng bày Hoàng Sa: Biểu tượng khẳng định chủ quyền thiêng liêng Tổ quốc!

Thứ bảy, 23/01/2016 09:21

(Cadn.com.vn) - UBND H. Hoàng Sa và Hội Khoa học lịch sử TP Đà Nẵng vừa tổ chức hội thảo góp ý về không gian trưng bày các hiện vật trong Nhà trưng bày (NTB) Hoàng Sa. Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng, ông Huỳnh Đình Quốc Thiện cho biết, về tổng thể sẽ có 5 chủ đề được trưng bày tại NTB, trong đó ngoài chủ đề về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên Hoàng Sa được giới thiệu khái quát thì các chủ đề còn lại là những bằng chứng sống động, có giá trị khẳng định chủ quyền của Việt Nam với quần đảo Hoàng Sa qua các thời kỳ.

Cụ thể ở thời các chúa Nguyễn sẽ giới thiệu toàn bộ những tư liệu thư tịch cổ của nhà nước Việt Nam đã tiến hành nhiều hoạt động xác lập chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa trong suốt các triều đại Lê- Tây Sơn và các thời chúa Nguyễn. Ở chủ đề Hoàng Sa trong thư tịch cổ của Việt Nam thời nhà Nguyễn (1802-1945) sẽ có phục chế Thuyền Bầu của Hải đội Hoàng Sa; tái dựng ngôi đền Âm Linh Tự, nơi thời cúng các bậc tiền hiền đã có công khai phá đất đảo và những anh hùng hào kiệt đã ngã xuống bảo vệ Hoàng Sa; 10 châu bản triều Nguyễn về Hoàng Sa; mô hình cột hải đăng trên đảo Hoàng Sa (1938); các tài liệu của Trung Quốc và phương Tây minh chứng chủ quyền Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa (1 tư liệu, 175 bản đồ trong đó 29 bản đồ của Trung Quốc minh chứng Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, 41 bản đồ Trung Quốc do phương Tây vẽ không có Hoàng Sa).

Phối cảnh bên trong Nhà trưng bày Hoàng Sa.

Theo ông Nguyễn Hoàng Long, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, NTB phải thể hiện được dấu mốc rất quan trọng là lúc Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm Hoàng Sa vào năm 1974. Những hình ảnh, hiện vật sống động về sự kiện này sẽ minh chứng sự cưỡng chiếm của Trung Quốc là phi lý, không có giá trị pháp lý. Đồng quan điểm, PGS Ngô Văn Minh-Học viện Chính trị KV III nói: NTB phải làm nổi bật được 3 vấn đề cơ bản để khẳng định chủ quyền Hoàng Sa thuộc về Việt Nam đó là: phát hiện sớm nhất, hành sử chủ quyền liên tục và đúng pháp lý quốc tế.

Ông Bùi Văn Tiếng cho rằng việc trưng bày hiện vật trong NTB Hoàng Sa phải kết hợp yếu tố tĩnh và động, tức là sẽ có những phần mở để luôn luôn cập nhật mới các tài liệu, hiện vật về Hoàng Sa. Nói cách khác sẽ có phần thời sự Hoàng Sa để luôn tạo sức cuốn hút cho người xem. Sắp tới UBND H. Hoàng Sa sẽ mua máy ảnh tặng các ngư dân để trong mỗi chuyến ra khơi sẽ ghi lại những hình ảnh yêu thích, kể cả việc làm việc, sinh hoạt của ngư dân ngoài Hoàng Sa. Những bức ảnh này khi đưa về sẽ được biên tập, chọn lọc để trưng bày cập nhật liên tục tại NTB. Kể những sản vật từ vùng biển Hoàng Sa hoặc mọi vật có gắn với Hoàng Sa được mang về, cập nhật cũng luôn tạo sức cuốn hút, hấp dẫn cho NTB. Ông Nguyễn Nho Khiêm- Phó Chủ tịch Hội liên hiệp VHNT TP Đà Nẵng cho rằng, phải đưa các áng văn thơ, các tác phẩm báo chí, nghệ thuật viết về Hoàng Sa vào trưng bày để tạo thêm sức hút, minh chứng rõ hơn chủ đề, ý nghĩa của NTB.

Ông Võ Văn Thắng, Giám đốc Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng đề xuất cần có mô hình tự nhiên về Hoàng Sa lớn ở khuôn viên để thu hút lớp trẻ tới vui chơi; tổ chức các chuyên đề như Lễ hội khao lề tế lính Hoàng Sa, lễ cầu ngư…để hút du khách.

Hải Hậu