Nhà trưng bày Hoàng Sa với khát vọng vươn tầm

Thứ tư, 29/03/2023 07:30
Công tác tuyên truyền, đấu tranh bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa là nhiệm vụ chính trị hết sức quan trọng, vừa cấp bách, vừa lâu dài. Với ý nghĩa đó, 5 năm trước (28- 3 - 2018), Nhà trưng bày Hoàng Sa (Đà Nẵng) chính thức đi vào hoạt động sau hơn 2 năm thi công. Với khát vọng nơi đây trong tương lai sẽ được nâng cấp thành Bảo tàng, những người đang công tác tại Nhà Trưng bày Hoàng Sa đã, đang không ngừng nỗ lực đổi mới, đa dạng hóa các hoạt động, đưa Nhà trưng bày Hoàng Sa trở thành điểm đến hấp dẫn đối với công chúng…
Các cuộc triển lãm do Nhà trưng bày Hoàng Sa tổ chức có sức lan tỏa sâu sắc trong nhận thức của thế hệ trẻ về tình yêu quê hương, biển đảo của tổ quốc thân yêu.
Khắc nhớ công lao của các bậc tiền nhân trong mỗi dịp tham quan Nhà trưng bày Hoàng Sa.

5 năm qua, mặc dù có gần 2 năm bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, nhưng Nhà trưng bày Hoàng Sa đã tiếp đón hơn 89.000 lượt khách với hơn 1.400 đoàn khách trong và ngoài nước đến tham quan, nghiên cứu, tìm hiểu về chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa. Trong đó, năm 2019, Nhà trưng bày Hoàng Sa đón lượng khách cao nhất với 31.391 lượt. Nhiều đoàn khách là cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, các cơ quan đoàn thể trung ương và các địa phương khi đến Đà Nẵng đều dành thời gian đến với Nhà trưng bày Hoàng Sa. Nơi đây đã trở thành điểm hành hương của lòng yêu nước.

Kể từ khi thành lập đến nay, không chỉ nhận đươc sự quan tâm đặc biệt của đồng bào trong và ngoài nước, Nhà trưng bày Hoàng Sa còn thu hút sự quan tâm của bạn bè quốc tế. Tiêu biểu như 2 đoàn khách đến từ Nhật Bản: Đô đốc Yamamura Hiroshi, Tư lệnh Hải quân Nhật Bản (2019), hay đoàn Thư ký của Thượng Nghị sĩ Mỹ (17- 4-2019); đoàn Gia đình Bà Samina Mehtab, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Pakistan tại Việt Nam; đoàn Ngân hàng chính sách tỉnh Savannakhet - Lào (10-9-2019);… Nhiều cơ quan truyền thông quốc tế cũng đến nghiên cứu, tìm hiểu và đưa tin như: Hãng truyền hình France 24, Pháp, Đài truyền hình Mỹ CNN, Đoàn làm phim tư liệu của ông Jean Mussy và Giáo sư Pierre Michel Viriot của Thụy Sĩ…

Bên cạnh hoạt động tại chỗ, trong 5 năm đi vào hoạt động, Nhà trưng bày Hoàng Sa chú trọng đẩy mạnh tổ chức các hoạt động lưu động, trước tiên là tại Đà Nẵng. Theo đó, đến nay đã tổ chức hơn 30 cuộc triển lãm lưu động tại các trường THCS, THPT và triển lãm chuyên đề tại Nhà trưng bày Hoàng Sa. Tổ chức hơn 10 cuộc thi về biển đảo quê hương cho công chúng, đặc biệt là học sinh, sinh viên. Những hoạt động này có sức lan tỏa sâu sắc trong nhận thức của công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ trong công cuộc gìn giữ và bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc. Cùng với đó, Hoạt động truyền thông về chủ quyền biển đảo đến công chúng được Nhà Trưng bày Hoàng Sa đẩy mạnh thông qua việc sử dụng các trang mạng xã hội như Facebook, Youtube…Tính đến nay, Fanpage của Nhà trưng bày Hoàng Sa đã thu hút hơn 2.600 lượt theo dõi và kênh Youtube đạt tới gần 1.000 lượt xem ở mỗi video.

Bên cạnh những kết quả đạt được đó, ông Lê Tiến Công - Giám đốc Nhà trưng bày Hoàng Sa trăn trở cho biết, hiện Nhà Trưng bày Hoàng Sa vẫn còn tồn tại một số mặt hạn chế, bất cập. Cụ thể, hệ thống trưng bày cố định tại Nhà trưng bày Hoàng Sa còn hạn chế do tính chất, đặc điểm nên tư liệu giấy là chủ yếu; không gian trưng bày chưa có điểm nhấn làm nổi bật giá trị tư liệu, hiện vật. Vì thế nên chưa thực sự hấp dẫn khách tham quan. Bên cạnh đó, không gian trưng bày khá hẹp khó có thể tổ chức các hoạt động giáo dục, trải nghiệm cho học sinh; nội dung thuyết minh tại Nhà trưng bày chưa phong phú và đa dạng phù hợp với mọi đối tượng. Mặt khác, Nhà trưng bày chưa có viên chức chuyên trách về công nghệ thông tin, chưa thật sự am hiểu về truyền thông mạng, về công nghệ số. Chính vì vậy, công tác xúc tiến quảng bá đến với các đơn vị du lịch lữ hành còn hạn chế, tiến độ đưa website Nhà Trưng bày Hoàng Sa vào hoạt động còn chậm. Công tác bảo quản cũng là khâu gặp khó khăn nhất. Việc không có phòng bảo quản riêng, phòng kho lưu trữ bị ẩm ướt, thấm dột vào mùa mưa đã tác động lớn đến an toàn tư liệu, hiện vật và ảnh hưởng không nhỏ đến công tác bảo quản v.v.

Các cuộc triển lãm do Nhà trưng bày Hoàng Sa tổ chức có sức lan tỏa sâu sắc trong nhận thức của thế hệ trẻ về tình yêu quê hương, biển đảo của tổ quốc thân yêu.

Giám đốc nhà trưng bày Hoàng Sa Lê Tiến Công cho biết, thời gian đến, Nhà trưng bày Hoàng Sa sẽ tiếp tục đổi mới, đa dạng hóa các hoạt động, đưa Nhà trưng bày Hoàng Sa trở thành điểm đến hấp dẫn đối với công chúng. Cùng với đó, từng bước xây dựng và nâng cao chất lượng đón khách tham quan tại đây. Song song đó là đổi mới chương trình, phương thức hoạt động và nội dung chương trình giáo dục phù hợp với từng đối tượng khách đến tham quan. Mặt khác, tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức trưng bày và giới thiệu tư liệu, hiện vật; tiếp tục chỉnh lý không gian trưng bày nhằm khắc phục tình trạng trùng lặp nội dung, khô cứng, thiếu hấp dẫn, sự dàn trải tư liệu, hiện vật để tạo điểm nhấn, thu hút khách tham quan. Đặc biệt, lãnh đạo Nhà trưng bày sẽ tập trung các biện pháp bảo quản, phòng ngừa hữu hiệu nhằm kéo dài tuổi thọ cho hiện vật, đồng thời đa dạng hóa các phương thức sưu tầm để ngày càng bổ sung thêm nhiều hiện vật có giá trị, tập trung đào tạo nguồn nhân lực chuyên môn nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của Nhà trưng bày Hoàng Sa. "Chúng tôi kỳ vọng trong tương lai gần sẽ nâng cấp Nhà Trưng bày Hoàng Sa trở thành Bảo tàng Hoàng Sa, một thiết chế văn hóa, lịch sử mang ý nghĩa chính trị đặc biệt, trưng bày, giới thiệu, tuyên truyền cho đông đảo nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế về những thông tin, tư liệu, hình ảnh sinh động, giá trị về quá trình khai phá, xác lập và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa"- ông Lê Tiến Công bày tỏ hy vọng.

Lê Anh Tuấn