Nhà văn Mạc Ngôn: “Sống đọa thác đày” là “nhánh mới trên cái cây già nua”

Thứ tư, 31/10/2012 00:00

(Cadn.com.vn) - Trước khi được Ủy ban Nobel Văn học xướng tên vào ngày 11-10-2012, Mạc Ngôn đã là tác giả khá gần gũi với độc giả nước ta. Phần lớn các tác phẩm nổi tiếng của ông đều đã được dịch ra tiếng Việt.  Trong đó, tiểu thuyết “Sống đọa thác đày”–tác phẩm đầu tiên của nhà văn Mạc Ngôn được chính thức mua bản quyền và phát hành tại Việt Nam kể từ sau công ước Berne.

Cũng như phần lớn những tác phẩm đã phổ biến, Mạc Ngôn cho biết: “Mọi thứ tôi đều moi từ trong cái bao tải rách của vùng Đông Bắc Cao Mật”. Đọc “Sống đọa thác đày”, chúng ta lại có dịp trở lại vùng đất quê hương Cao Mật thân thương của ông. Nơi đây, giữa rừng hoa hạnh trắng xóa và những người đàn ông mang dòng máu Tây Môn, là dòng đời dâu bể qua những số phận, những con người, những mảnh đời rất nhỏ bé... với 6 kiếp sinh tử luân hồi, qua gần 50 năm chóng vánh! Ấy là câu chuyện kể về những vòng đời luẩn quẩn của Tây Môn Náo, một địa chủ của làng Tây Môn. Người này sau khi bị bắn chết đã luân hồi đầu thai thành Tây Môn Lừa, Tây Môn Trâu, Tây Môn Lợn, Tây Môn Chó, Tây Môn Khỉ...  Trong thân xác của loài vật, linh hồn của Tây Môn Náo vẫn không ngớt thổn thức đối thoại với trần gian đầy rẫy bao nhiêu số phận con người buồn bã trong bối cảnh chính trị xã hội trải dài từ thuở cải cách ruộng đất, cách mạng văn hóa đến những năm đầu thế kỷ XX diễn ra trên vùng đất Cao Mật...

 Nhà văn Mạc Ngôn.

PGS.TS Lê Huy Tiêu nhận định: “Nghệ thuật xử lý không gian và thời gian trong tiểu thuyết của Mạc Ngôn giống như trong phim trường của trường phái hiện đại chủ nghĩa, vừa tồn tại một kết cấu nội tại, vừa có một kết cấu ngoại tại. Bản thân cốt truyện có thời gian tuyến tính, nhưng xuất phát từ điểm nhìn của “tôi”, “tôi” cắt cốt truyện ra thành nhiều đoạn, sau đó dùng ký ức ảo mộng của “tôi” để tái tạo nên một thế giới hoàn toàn mới”. Điều này càng được thể hiện rõ hơn trong “Sống đọa thác đày”. Nhà văn Mạc Ngôn hoàn thành tác phẩm “Sống đọa thác đày” với 43 vạn từ trong 43 ngày. Viết nhanh như vậy vì đây là lần đầu tiên sau rất nhiều năm ông không dùng tới máy tính. Ông nói: “Khi được cầm bút viết tôi có cảm giác rất hưng phấn, như cá gặp nước, cảm xúc cứ tuôn ào ạt, khác hẳn với khi dùng máy tính.

Mạc Ngôn tên thật là Quản Mạc Nghiệp, sinh năm 1955 tại huyện Cao Mật, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Bỏ dở tiểu học giữa chừng do Cách mạng văn hóa, ông phải tham gia lao động nhiều năm ở nông thôn, luôn bị đói khát và cô đơn. Ông nhập ngũ năm 1976, tốt nghiệp khoa Văn Học viện nghệ thuật Giải phóng quân (1984-1986).
Mạc Ngôn được thế giới biết đến từ bộ phim Cao lương đỏ được chuyển thể từ truyện vừa cùng tên do Trương Nghệ Mưu đạo diễn, đã đoạt giải Gấu vàng ở Liên hoan phim Berlin lần thứ 38 năm 1988 và giải Cành cọ vàng tại Liên hoan phim Cannes năm 1994. Ông đã xuất bản 11 tiểu thuyết, 20 truyện dài, hơn 60 truyện ngắn và 5 tuyển tập những bài ký, phóng sự, tùy bút..., tổng cộng trên 200 tác phẩm. Hầu hết các tác phẩm của ông đều được dịch ra nhiều ngôn ngữ và có sức ảnh hưởng lớn khắp thế giới.

Từ sau khi dùng máy tính viết văn, tốc độ sáng tác của tôi bị sụt giảm đáng kể. Vì mỗi khi đối diện trước máy tính và vừa đánh phiên âm lên, tôi lại bị phân tán bởi việc nên dùng từ nào cho đúng. Nhưng khi ngồi trước trang giấy, chẳng phải nghĩ gì nhiều, chỉ tập trung vào tư duy. Ngoài ra việc dùng máy tính viết văn cũng có một thói quen không hay là sau khi bật máy tính lên, tôi lại lượn một vòng trên mạng xem tin tức. Chẳng mấy chốc đã mấy tiếng trôi qua, đến khi quay lại phần bản thảo viết dở thì đã đến giờ ăn cơm hoặc nghỉ ngơi.

Tóm lại là dùng máy tính sáng tác rất khó khống chế bản thân, mất rất nhiều thời gian”. Một chi tiết khác cần lưu ý: trước đây, theo Mạc Ngôn, nếu chưa đọc “Báu vật của đời” sẽ không thể hiểu được Mạc Ngôn, còn  “Tứ thập nhất pháo” là “nhành cây xanh trên cái cây già nua màu đen”. Vậy thông điệp của “Sống đọa thác đày” là gì? Ông nói: “Sống đọa thác đày” chính là “nhánh mới trên cái cây già nua” đó. Hình thức của cuốn tiểu thuyết này khác biệt rất lớn với các cuốn tiểu thuyết trước của Mạc Ngôn. Điều kiện tiên quyết của mỗi nhà văn khi sáng tác mỗi tác phẩm mới là chỉ cần khi anh ta nhận thấy cuốn sách mình đang viết là mới, có phát triển trên cơ sở cũ, và không hề lặp lại, anh ta mới có đủ dũng cảm để cầm bút. “Sống đọa thác đày” đã nêu ra một so sánh hình tượng hóa. Nếu như nói tác phẩm của Mạc Ngôn đều là kiến trúc trên bản đồ quê hương Đông Bắc Cao Mật thì cuốn sách này phải là kiến trúc mang tính tiêu biểu nhất.

Trần Trung Sáng