Nhân lực - nút thắt phát triển du lịch Quảng Nam

Thứ năm, 05/04/2018 12:23

Hàng chục dự án du lịch đang triển khai và sắp đưa vào vận hành tại Quảng Nam trong năm 2019. Thế nhưng câu hỏi đặt ra lúc này là liệu Quảng Nam có đủ khả năng đáp ứng được nguồn nhân lực cho du lịch chất lượng hay không?

Khi dự án Nam Hội An, Vinpearl đưa vào vận hành sẽ cần đến hàng ngàn lao động ngành du lịch.

Theo số liệu khảo sát từ Sở VH-TT&DL, tính đến hết năm 2017 ngành du lịch Quảng Nam sử dụng khoảng 13.000 lao động, chủ yếu làm việc tại các doanh nghiệp lữ hành và các cơ sở dịch vụ du lịch (lưu trú, lữ hành, vận chuyển, dịch vụ nhà hàng, hướng dẫn viên…). Trong đó, khối lưu trú chiếm số lượng nhiều nhất (60%); lữ hành, vận chuyển, hướng dẫn viên (10%); khối các dịch vụ khác (30%). Tuy nhiên một khi các dự án như Nam Hội An, Vinpearl đưa vào vận hành thì sẽ phát sinh  hàng ngàn vị trí lao động. Điều này đặt ra thách thức rất lớn cho các ngành chức năng Quảng Nam bởi nơi đây hiện chưa có một kênh đào tạo du lịch chuyên nghiệp nào. Hiện Quảng Nam có 6 cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo từ đại học trở xuống có liên quan đến du lịch (Đại học Quảng Nam, Cao đẳng Kinh tế kỹ thuật, Cao đẳng Phương Đông, Trung cấp nghề Bắc Quảng Nam, Trung cấp nghề ASEAN, Trung cấp Văn hóa, nghệ thuật và du lịch), mỗi năm ra trường khoảng 1.500 sinh viên, tuy nhiên cũng chỉ hơn 300 sinh viên đạt trình độ cao đẳng, trung cấp, còn lại là sơ cấp, ngắn hạn.

Là trung tâm du lịch lớn của Quảng Nam và khu vực miền Trung, hiện nay toàn thành phố Hội An có hơn 440 cơ sở lưu trú với hơn 7.820 phòng, trong đó có hơn 200 cơ sở homestay và biệt thự. Sự phát triển của mạng lưới lưu trú cơ bản đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng của du khách nhưng lại phát sinh thực trạng đáng quan ngại khác là thiếu nguồn nhân lực chuyên ngành. Theo các nhà tuyển dụng cho biết để tuyển dụng được lao động cho mảng tiếp thị, nhà hàng, khách sạn… là rất khó khăn, nhất là tuyển dụng những nhân lực có chất lượng. Việc thiếu nhân lực thường xuyên dẫn đến việc các cơ sở du lịch hoạt động không hiệu quả vì  phát sinh chi phí tuyển chọn, đào tạo và sử dụng.

Phó Chủ tịch UBND TP Hội An Nguyễn Văn Sơn cho biết, trong chương trình đào tạo nghề cho lao động năm nay, thành phố phấn đấu mở khoảng 5 lớp đào tạo cho khoảng 200 lao động với các nghề: dịch vụ nhà hàng, buồng, phòng, pha chế, may, thêu, lồng đèn, tin học văn phòng, may công nghiệp, chế biến món ăn, sử dụng thuốc thú y trong chăn nuôi, trồng hoa cây cảnh… Đối tượng đào tạo là người lao động trong độ tuổi lao động (từ 15 đến 60 tuổi), có trình độ học vấn và sức khỏe phù hợp với nghề cần học, ưu tiên khoảng 20% số lượng học viên là phụ nữ, lao động nông thôn, người thuộc diện chính sách ưu đãi, người có công cách mạng, hộ nghèo, hộ cận nghèo, người khuyết tật, người thuộc hộ gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp, đất kinh doanh, lao động nữ bị mất việc làm, ngư dân. Việc đào tạo này theo ông Sơn là để tạo ra nguồn nhân lực chất lượng, cố định làm việc tại Hội An.

Theo ông Nguyễn Thùy – Phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH Quảng Nam, bên cạnh những ưu điểm như đa số lao động trẻ tuổi, năng động; môi trường làm việc ngày càng chuyên nghiệp thì nguồn nhân lực du lịch Quảng Nam cũng bộc lộ nhiều hạn chế. Trong đó hạn chế lớn nhất như chất lượng đội ngũ nhân lực không đồng đều về chuyên môn lẫn khả năng ngoại ngữ; thiếu lao động lành nghề; khan hiếm về nhân lực cấp quản lý có chuyên môn cao; chất lượng đội ngũ hướng dẫn viên, thuyết minh viên tại các khu, điểm di tích còn yếu về kỹ năng, thiếu kinh nghiệm nghề nghiệp. Ngoài ra, kiến thức văn hóa, lịch sử; khả năng giao tiếp ngoại ngữ, nhất là những ngoại ngữ “hiếm” như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Trung Quốc… chưa đảm bảo.

Còn ông Hồ Văn Quang – Hiệu trưởng Trường Trung cấp Văn hóa nghệ thuật và du lịch Quảng Nam cho biết để đón đầu làn sóng du lịch trường vừa mở thêm một chi nhánh tại xã Duy Phước (H. Duy Xuyên). “Việc mở cơ sở thứ 2 bên cạnh mục tiêu mở rộng tuyển sinh, đáp ứng nhu cầu học tập thì còn mục đích nữa là tạo môi trường đào tạo đáp ứng nhân lực cho dự án du lịch trên địa bàn tỉnh. Vừa qua dự án du lịch Nam Hội An đã chính thức ký kết hợp đồng cung cấp dịch vụ đào tạo nguồn nhân lực cho dự án này trong vòng 5 năm. Phía dự án sẽ đầu tư khoảng 4 tỷ đồng mua sắm trang thiết bị, sửa chữa phòng ốc, xây dựng nội dung chương trình đào tạo và tiếp nhận lao động. Ngược lại, trường trung cấp sẽ đảm nhận vai trò tuyển sinh, quản lý lớp học và dành một số cơ sở phòng ốc cho phía đối tác”, ông Quang cho biết. Theo đó trong năm 2019, phía Nam Hội An đã “đặt hàng” trường đào tạo 300 lao động cho các sân golf, nhà hàng, lễ tân... Việc hợp tác này đã mở ra tiền đề lạc quan về mô hình liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp nhằm giúp cải thiện chất lượng lao động ngành du lịch, dịch vụ của tỉnh hiện nay cũng như tương lai.

Thực tế việc thiếu hụt nhân lực lao động ngành du lịch đã được cảnh báo nhiều năm nay. Theo Đề án đào tạo và phát triển nguồn nhân lực du lịch Quảng Nam giai đoạn 2017-2020 do Sở VH-TT&DL soạn thảo, với tốc độ tăng trưởng du lịch như hiện nay, nhất là khi các dự án du lịch đầu tư hoàn tất, dự kiến đến năm 2020 du lịch Quảng Nam sẽ cần khoảng 20 nghìn lao động trực tiếp và 40 nghìn lao động gián tiếp. Tuy nhiên, khả năng đào tạo đến năm 2020 chỉ khoảng 10 nghìn lao động. Đề án đặt ra mục tiêu đến năm 2020 có hơn 90% số lao động tại các doanh nghiệp du lịch, khu - điểm du lịch trong tỉnh được đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng nghề cơ bản, thiết yếu như nghiệp vụ lễ tân, buồng, bếp, phục vụ bàn, thuyết minh viên. Phấn đấu đến năm 2025 và những năm tiếp theo cơ bản hình thành đội ngũ nhân lực ngành du lịch đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng và hợp lý về cơ cấu trình độ, ngành nghề để đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch của tỉnh.

ĐỒNG DAO