Nhân Ngày giỗ Tổ Hùng Vương năm 2022: Văn hóa Việt thời đại Hùng Vương
Văn hóa rừng
Ngay từ đầu, rừng được xác định là một địa bàn sinh sống quan trọng của dân tộc Việt Nam. Người con trai trưởng của Lạc Long Quân và Âu Cơ đã lên ngôi ở Phong Châu (Phú Thọ), là một vùng rừng núi, trở thành Hùng Vương và lập ra quốc gia Văn Lang.
Các biểu hiện văn hóa của người Việt cổ như trầu cau (thời Hùng Vương thứ tư- Sự tích trầu cau); tay gấu, nem công chả phượng (thời Hùng Vương thứ sáu- Sự tích bánh chưng bánh dầy); voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao (thời Hùng Vương thứ mười tám- Chuyện Sơn Tinh - Thủy Tinh) được người dân phát hiện ra ở rừng. Sách "Hoài Nam tử" của hoàng thân nhà Hán là Hoài Nam vương Lưu An cho hay, nguyên nhân nhà Tần xâm lược nước ta là do "ham sừng tê, ngà voi, lông trả, ngọc châu và ngọc cơ của người Việt, bèn sai Đồ Thư mang 50 vạn binh chia làm 5 đạo…".
Trên trống đồng Đông Sơn, một linh khí của thời Văn Lang cũng có khắc những con vật ở rừng như chim, thú như hươu nai, cáo, chim lạc... Vào mùa lễ hội, người dân Văn Lang cũng đội những chiếc mũ bằng lông chim rừng.
Văn hóa biển
Qua các bằng chứng khảo cổ học, nhân dân Văn Lang thời các Hùng Vương đã ngang dọc Biển Đông. Đầu tiên, điều này thể hiện bởi các nền văn hóa biển nổi tiếng thời tiền sử - sơ sử tại Việt Nam là: Văn hóa Soi Nhụ, Văn hóa Hạ Long… với những di chỉ "đống vỏ sò" hay "cồn sò điệp". Chuyện chế ngự các loài thủy quái trên biển để phát triển ngành kinh tế biển cũng được nhắc đến từ xa xưa. Theo "Lĩnh nam chích quái", Lạc Long Quân, Thủy Tổ dân tộc Việt là người có công diệt Ngư tinh vùng Biển Đông để nhân dân Lĩnh Nam được an cư lạc nghiệp. Sau đó, cũng chính Lạc Long Quân đã dẫn các con về miền biển để làm chủ Biển Đông.
PGS.TS Lâm Thị Mỹ Dung (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) nhận định: "Thời Đông Sơn thể hiện rất rõ, cư dân Đông Sơn phải chiếm lĩnh được biển họ mới giao thương, trao đổi được các trống đồng". Trên thực tế, trống đồng không chỉ hiện diện trên lãnh thổ Việt Nam, mà còn được phát hiện ở phía nam Trung Hoa, ở Nhật Bản và một số quốc gia trong khu vực Đông Nam Á như Lào, Myanmar, Thái Lan, Malaysia, Philippines, Indonesia…
Văn hóa Tết
Do nhu cầu canh tác nông nghiệp, người Việt cổ đã "phân chia" thời gian trong một năm thành 24 tiết khác nhau (và ứng với mỗi tiết này có một thời khắc "giao thời"). Trong đó tiết quan trọng nhất là tiết khởi đầu của một chu kỳ canh tác, gieo trồng, tức là Tiết Nguyên đán. Sau này nó được biết đến là Tết Nguyên đán, tức là Tết của người Việt.
Sách "Giao Chỉ Chí" của Trung Quốc cũng có đoạn viết về Tết. Sách viết: "Bọn người Giao Quận thường tập trung lại từng phường hội nhảy múa hát ca, ăn uống chơi bời trong nhiều ngày để vui mừng một mùa cấy trồng mới, không những chỉ có dân làm nông mà tất cả người nhà của Quan lang, Chúa động cũng đều tham gia lễ hội này".
Những nét văn hóa khác
Theo các tài liệu thì "Văn" là người, nhóm người, tộc người, cộng đồng người,… Còn "Lang" là sông. Ghép lại, Văn Lang có nghĩa là cộng đồng người lập nghiệp bên lưu vực những con sông. Người Văn Lang cũng được gọi là người Việt. Chữ Việt có hai nghĩa. Chữ Việt bộ Mễ là nghĩa là thời bình người Việt làm nghề nông sinh sống, lúa gạo trữ trong kho. Chữ Việt bộ Tẩu nghĩa là thời chiến ngừời Việt cầm vũ khí đi chống xâm lăng để giữ nước.
Sách "Việt giám thông khảo tổng luận" chép về việc quản lý đất nước thời Văn Lang chủ yếu theo tục lệ cổ truyền: "Dân không có thói gian dối", "buộc nút dây mà làm chính sự".
Dân chúng thời Hùng Vương thạo nghề bắt cá, chài lưới (điển hình bằng tục vẽ mình), nghề nông (truyện bánh chưng, bánh dầy; chuyện dưa hấu - Mai An Tiêm), nghề luyện kim (truyện Phù Đổng Thiên Vương), và nghề buôn bán (truyện Chử Đồng Tử, Mai An Tiêm).
Chữ Khoa Đẩu là thứ chữ đầu tiên của người Việt cổ đang được nghiên cứu. Đó là một thứ có hình dáng như những con nòng nọc nên còn gọi là chữ nòng nọc. Trống đồng ngoài chức năng là một nhạc khí, còn tượng trưng cho quyền lực của các vị thủ lĩnh người Việt ngày xưa. Bên cạnh đó, nhuộm răng đen, một hình thức chống sâu răng của người Việt cổ, đã trở thành tục lệ chung.
Về văn hóa tín ngưỡng, một số ý kiến cho rằng chuyện Chử Đồng Tử - Tiên Dung thời Hùng Vương thứ mười tám phản ánh Phật giáo truyền bá vào nước ta.
Hiện nay, Việt Nam cũng có các di sản về thời đại Hùng Vương được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Đó là hát Xoan, những điệu hát có từ thời Hùng Vương, được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại cần được bảo tồn khẩn cấp năm 2011. Tiếp đó, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, đỉnh cao của việc thờ cúng tổ tiên của người Việt, được công nhận là Di sản văn hóa tâm linh tiêu biểu của nhân loại vào năm 2012.
Nguyễn Văn Toàn