Nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam: Có những Hiệu trưởng như thế!
Thường khi nói về thầy cô giáo, học trò thường hay nhắc đến giáo viên chủ nhiệm hoặc giáo viên bộ môn mà mình yêu mến, ấn tượng nhất. Ít học sinh nhắc đến Hiệu trưởng- người đứng đầu nhà trường. Vì thế, tình cờ nghe được lời chia sẻ của học sinh, phụ huynh dành cho người Hiệu trưởng, tôi thật sự xúc động. Nhân ngày Hiến chương Nhà giáo, xin được giới thiệu hai trong số nhiều Hiệu trưởng luôn đau đáu, hết lòng vì học sinh thân yêu.
Hiệu trưởng Trần Thị Lệ. |
1. Cách đây 5 tháng, tôi liên hệ cô Trần Thị Lệ - Hiệu trưởng Trường TH Nguyễn Du (Q.Hải Châu, Đà Nẵng) với mục đích thu thập tư liệu về những học sinh (HS) có hoàn cảnh gia đình đặc biệt để viết bài nhân Tháng hàng động vì trẻ em và Ngày gia đình Việt Nam. Hiệu trưởng Trần Thị Lệ xúc động cho hay: “Trường mình có nhiều HS có hoàn cảnh đặc biệt lắm, không ai giống ai. Tội lắm!”. Kể xong, cô giới thiệu cho tôi 2 trường hợp đặc biệt nhất.
Khi tôi tìm đến nhà trọ nơi hai mẹ con em HS này đang tá túc, người mẹ đã rơm rớm kể hoàn cảnh của mình, bày tỏ lòng biết ơn trước tấm lòng các cô giáo trường TH Nguyễn Du dành cho con trai mình trong suốt 4 năm qua. Trong đó, bà đặc biệt gửi lời cảm ơn Hiệu trưởng nhà trường. Phụ huynh K.L thổ lộ: “Vì không chịu nổi cảnh chồng suốt ngày nhậu nhẹt, không chịu chí thú làm ăn; khi say xỉn lại “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” vợ con, nên sinh thằng út chưa được bao lâu, tôi quyết định ly dị và dắt hai con đi thuê nhà để ở. Khi thằng út được 4 tuổi thì chồng tôi qua đời. Thiếu thốn tình cảm, sự quan tâm dạy dỗ của cha mẹ nên cháu rất nghịch ngợm, không chịu học hành. Tôi thì đầu tắt mặt tối nên không thời gian quan tâm dạy dỗ con. Tất cả đều trăm sự nhờ thầy cô, nhà trường. Nhờ cô giáo chủ nhiệm và cô Hiệu trưởng quan tâm, cháu dần trở nên ngoan ngoãn, biết vâng lời và biết thương mẹ. Hằng năm, hễ có chương trình hỗ trợ cho HS có hoàn cảnh khó khăn, nhà trường, cô Hiệu trưởng luôn ưu tiên cho trường hợp con tôi…”.
Chia sẻ tình cảm của mình dành cho cô Hiệu trưởng, cậu học trò cho biết, nhờ được cô và các cô giáo chủ nhiệm quan tâm, động viên, dỗ dành nên cháu đã không còn mặc cảm, tự ti, hòa đồng với bạn bè. “Con thương cô Hiệu trưởng lắm. Mỗi lần đến trường, con luôn ghé mắt nhòm vô phòng cô Hiệu trưởng xem có cô không để chào rồi mới lên lớp”- cậu bé thủ thỉ. Qua các đồng nghiệp của cô Lệ, được biết, để có tiền hỗ trợ cho HS nghèo, có hoàn cảnh khó khăn của nhà trường, Hiệu trưởng Trần Thị Lệ gạt bỏ sự ngần ngại để “xin” các Mạnh Thường Quân hỗ trợ.
Điển hình nhất, đầu năm học mới 2021-2022, trước diễn biến phức tạp về tình hình dịch bệnh COVID-19, HS trên địa bàn TP buộc phải học online. Thực hiện chương trình “Sóng và máy tính cho em” do Thủ tướng phát động, Hiệu trưởng Trần Thị Lệ đã viết thư kêu gọi các Mạnh Thường Quân, doanh nghiệp hỗ trợ được 14 máy tính mới, 2 máy tính cũ cùng một số thiết bị để hỗ trợ HS nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của nhà trường để học online. Mới đây, cô Lệ đã liên hệ với phóng viên Chuyên đề Công an TP Đà Nẵng để xin địa chỉ về một tấm gương hiếu thảo hiếu học để đến tận nhà trao chiếc máy tính cho em HS này. Nhận xét về người hiệu trưởng có tấm lòng với học trò nghèo này, bà Trần Thị Thúy Hà- Trưởng Phòng GD-ĐT Q.Hải Châu ngợi khen: “Đó là một Hiệu trưởng rất có tâm với nghề, luôn đặt quyền và lợi ích của học sinh trong các hoạt động, luôn đặt quyền và lợi ích của hs trong các hoạt động, luôn công bằng trong đánh giá giáo viên, khéo léo trong xử lý tình huống sư phạm… Đặc biệt, làm được nhiều việc nhưng không phô trương”.
2. Tình cờ, tôi đọc được bài dự thi viết về người tốt, việc tốt trong học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh của cô giáo Lưu Thị Hảo - GV trường THCS Lê Thánh Tôn.
Học trò trường THCS Lê Thánh Tôn bày tỏ tình cảm khi hay tin thầy Hiệu trưởng Đặng Ngọc Lam được điều động đến làm Hiệu trưởng THCS Lê Hồng Phong. |
Nhân vật mà cô giáo Hảo viết là Hiệu trưởng nơi cô đang công tác- thầy Đặng Ngọc Lam (nay là Hiệu trưởng trường THCS Lê Hồng Phong). Theo lời cô Hảo, thì kể từ khi thầy Đặng Ngọc Lam về trường THCS Lê Thánh Tôn (năm 2015), “ngôi trường làng” này như bừng sáng, đổi thay từng ngày. “…Cái tên “trường làng tôi” là cách gọi thân quen, gần gũi của chúng tôi nhưng bên cạnh đó nó cũng nói lên một thực tế: trường tôi là một ngôi trường rất nhỏ, chẳng có tiếng tăm gì ở cái thành phố rộng lớn này. Từ ngày thầy về, ngôi trường như bừng tỉnh sau một giấc ngủ đông...Thầy Lam sống giản dị, chân thành và cởi mở với mọi người dù là giáo viên hay HS... Người hiệu trưởng ấy dành thời gian cho trường, lớp, HS còn nhiều hơn cả thời gian cho gia đình của mình... Còn đối với HS, thầy không chỉ là thầy giáo mà còn là chuyên gia tư vấn tâm lý, tình cảm. Thấy em nào có hoàn cảnh khó khăn, thầy không ngại giúp đỡ và đứng ra kêu gọi sự giúp đỡ...”- cô giáo Hảo viết.
Tò mò, tôi đến trường tìm gặp, mới hay đó là thầy Hiệu phó trường THCS Kim Đồng, nơi 2 người cháu tôi từng theo học và từng khen rằng: “Trường con có thầy Hiệu phó lạ lắm. Thầy vui tính, rất gần gũi với học trò…”. Minh chứng cho lời khen về người hiệu trưởng này là những cảm xúc, đầy tiếc nuối của học trò, phụ huynh trường THCS Lê Thánh Tôn trên Facebook khi hay tin thầy được điều động đến giữ chức Hiệu trưởng trường THCS Lê Hồng Phong ngay sau tuần đầu tiên của năm học mới 2021-2022 và cả những lời tự sự của một phụ huynh chia sẻ trên Facebook mang tên Hoang Che Nguyen Khoa về thầy.
Hỏi “bí quyết” nào để học trò “mê”, đồng nghiệp quý, Hiệu trưởng Đặng Ngọc Lam chân thành chia sẻ: “Có bí quyết chi đâu; chỉ làm hết trách nhiệm và cái tâm của một người thầy thôi. Với học trò, người thầy không chỉ là người truyền dạy kiến thức mà phải là người bạn, người chỉ đường, tư vấn, định hướng... Phải biết lắng nghe, thấu hiểu được quan điểm, cảm xúc của học trò. Mình phải chơi cùng các em, hòa cùng với các em trong mọi hoạt động, nhặt rác cùng các em…”. Chia sẻ về cảm xúc khi đọc được những dòng thư nhắn gửi của học trò đăng trên FB dành cho mình trước ngày rời trường THCS Lê Thánh Tôn, Hiệu trưởng Đặng Ngọc Lam xúc động: “Tôi cũng không ngờ mình lại được học trò yêu mến như thế. Đó là món quà dành cho nghề giáo. Và tôi cảm nhận mình thật sự “giàu có” vì điều đó. Tự hứa sẽ sống sao để không chỉ “giàu có” mà trở thành “đại gia” về điều này”.
Không riêng gì Hiệu trưởng Lệ, Hiệu trưởng Lam, hơn 20 năm được phân công phụ trách lĩnh vực giáo dục, tôi chứng kiến biết bao tấm lòng luôn đau đáu, hết lòng vì học trò thân yêu, đặc biệt là HS nghèo của nhiều Hiệu trưởng. Vì khuôn khổ có hạn, đành để dành đó cho những trang viết sau…
PHAN THỦY