Nhân Ngày Sách Việt Nam 21-4: Ân sủng của sách

Thứ bảy, 20/04/2024 09:00
Nếu ít đọc sách thì có lẽ mình không có cơ hội gặp những cảm xúc thật đẹp mà chỉ duy nhất sách mới đem lại được. Cô viết như vậy trên dòng thời gian gửi bạn ở bên kia đại dương trong Chủ nhật này.
Ân sủng của sách là vô tận.
Ân sủng của sách là vô tận.

Cô bày ra với sự tương tác trên thế giới phẳng của người bạn tâm giao dòng ký ức ùa chật. Là người thích sách, hầu như từ cấp một đến giờ lúc nào mình cũng đang trong tình trạng đọc dở một quyển gì đấy, cứ có được quyển gì mình lại đọc. Tiếng chim hót trong bụi mận gai, Ba chàng lính ngự lâm, Đồi gió hú, Cuốn theo chiều gió, Sông Đông êm đềm và các tác phẩm của nhóm Tự lực văn đoàn là những tác phẩm mình đọc hồi học cấp hai rồi cũng đọc lén cả Trăm năm cô đơn trước khi đọc toàn kiếm hiệp trong những năm học Đại học… Cô cũng nhắc về khoảng thời gian truyền đọc về văn học lãng mạn châu Âu với các tác giả Linda Howard, Judith McNaught và nhiệt thành khẳng định mình đọc không sót gì.

Không ngần ngại, cô bảo có những cuốn sách ám ảnh mình mãi, thậm chí có những quyển làm cô dừng lại rất lâu như “Mãi đừng xa tôi”, “Đông cung” và cả những tác phẩm cô phải đọc thật chậm vì độ khó quá cao như “Nghệ nhân và Magarita”, “Biên niên ký chim vặn dây cót”, “Lolita”, “Chữ A màu đỏ”, “U mê buồn bã”. Một cách tha thiết, cô trích dẫn lời nhận xét của giới phê bình văn học đối với cuốn “U mê buồn bã”, -"Hình bóng u sầu trên cánh đồng mộng tưởng, phiêu du bất tận trong cõi mộng dài" cũng như sự cảm thụ của riêng mình về các tác phẩm của Murakami Haruki, Ichikawa Takuji, -“Những cảm xúc của mình khi đọc Ichikawa còn tươi mới với Em sẽ đến cùng cơn mưa, Nơi em về có tôi đứng đợi, Nếu gặp người ấy cho tôi gửi lời chào... Ông ấy viết nhẹ nhàng nên khi đọc người mình cứ nhẹ bẫng nhưng tác phẩm nào cũng làm mình suy nghĩ rất nhiều và thực sự thấy cuộc sống này vô cùng quý giá”.

***

Ly cà phê quen thuộc trước giờ làm việc bừng sáng khi cuốn sách mang trả cô đã được người bạn bọc bìa trong suốt. Cô ngừng mấy đầu ngón tay mảnh khảnh trên chiếc smart phone tân thời. Rất yêu quý sách nhưng cô không yêu quý ở ngưỡng gần như tuyệt đối đến vậy. Là tiểu thuyết có nhân vật chính làm nghề thầy thuốc vào thời Ai Cập cổ đại, cuốn sách được cô giới thiệu với người bạn khi biết cô ấy chuẩn bị viết bút ký chân dung về một bác sĩ ngoại khoa. Gần đây, công việc và ảnh hưởng của high tech làm tốc độ đọc sách của cô chậm đi nhiều, tham gia các hoạt động của Ngày Sách cũng chóng vánh hơn dẫu hôm nay cô vẫn nhắn tin nhắc người bạn này gửi tặng mình tập sách “Khe Sanh nửa thế kỷ hòa bình”, giục người bạn kia tới Hội Sách hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam ở Trung tâm Văn hóa- điện ảnh giữa lòng thành phố…

***

“Cảm ơn Uyên Ly đã giúp mình có thêm cảm hứng khi viết bút ký chân dung về bác sĩ ngoại khoa đã và đang cứu giúp nhiều người khổ bệnh. Một vài gợi ý từ tiểu thuyết này làm mình hiểu: Ân sủng của sách là vô tận”, dòng chữ khoáng đạt và giản dị của người bạn trên vuông giấy nhỏ được gắn trên trang lụa của cuốn sách làm cô mỉm cười.

Đón ngọn gió mát lành của buổi sáng qua khung cửa màu trắng vừa mở, cô gõ vào dòng thời gian của mình vẹn nguyên một suy nghiệm lọc ra từ việc đọc sách, ân sủng từ sách: “Ai cũng khuyên mọi người nên đọc sách. Mình thì không khuyên gì, chỉ cố gắng mỗi ngày đọc vài trang sách để làm tươi mới bản thân, để những người thân quanh mình có thể thấy, như mình đã luôn thấy mẹ mình ngồi đó bao giờ cũng với quyển sách trên tay. Và, đôi khi vì vậy mà mọi người yêu sách hơn chăng”.

Nguyễn Thị Bội Nhiên