Nhân rộng, hướng tới giảm rác thải nhựa trong trường học

Thứ hai, 31/03/2025 09:00

Tại Hội thảo tổng kết Dự án "Xây dựng và thực hiện lộ trình giảm sử dụng nhựa một lần trong trường học" do Hội Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP Đà Nẵng, Trung tâm Nghiên cứu Xây dựng Năng lực Thích ứng (CAB) phối hợp Ban Quản lý Dự án tổ chức cuối tuần qua, đại diện các trường tham gia dự án trên địa bàn quận Sơn Trà đã chia sẻ những kinh nghiệm trong việc giảm sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, đánh giá tác động của dự án và đề xuất các giải pháp duy trì, nhân rộng mô hình, hướng tới giảm rác thải nhựa trong trường học.

Các em học sinh trường tiểu học Quang Trung đang thu gom rác trong trường.
Các em học sinh Trường THCS Nguyễn Chí Thanh dọn dẹp và phân loại rác trong trường mỗi ngày.

Giáo dục, hình thành thói quen bảo vệ môi trường cho trẻ từ sớm

Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giảm thiểu nhựa trong trường học, theo cô Nguyễn Thị Liên Hiệp - giáo viên Trường Mầm non Vành Khuyên,nhựa dùng một lần gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe con người và là một trong những nguyên nhân thúc đẩy biến đổi khí hậu. Do đó, giáo dục trẻ từ sớm về vấn đề này sẽ giúp hình thành thói quen tốt, đồng thời giảm lượng rác thải tại nguồn.

Cô Liên Hiệp chia sẻ thêm, trong khuôn khổ dự án, Trường Mầm non Vành Khuyên đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực như tổ chức tập huấn cho cán bộ, giáo viên, thực hiện các chương trình truyền thông như “Rung chuông vàng”, lồng ghép nội dung giáo dục về giảm thiểu rác thải nhựa vào các tiết học, hoạt động vui chơi, lễ hội và tham quan biển. Ngoài ra, sự phối hợp của phụ huynh và đoàn thanh niên trong các phong trào như "Ngày Chủ nhật xanh" đã góp phần lan tỏa ý thức bảo vệ môi trường trong cộng đồng.

Ông Vũ Tuấn Anh - Phó Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Chí Thanh chia sẻ, lượng rác thải tại trường khá lớn, trung bình gần 30 kg mỗi ngày, trong đó phần lớn là chất thải hữu cơ, nhựa dùng một lần, nhựa tái chế và chất thải nguy hại. Điều này gây áp lực lên hệ thống xử lý rác và làm tăng nguy cơ ô nhiễm môi trường. Nhằm nâng cao ý thức học sinh, nhà trường đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực như thiết kế poster tuyên truyền, tổ chức dọn vệ sinh, tập huấn phân loại rác và khuyến khích sử dụng chén bát có thể tái sử dụng. Ngoài ra, các cuộc thi sáng tạo về bảo vệ môi trường và nội quy "không sử dụng hộp nhựa, chai nhựa" cũng được áp dụng nhằm thay đổi hành vi của học sinh.

Bà Trương Quỳnh Anh - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Sơn Trà cho biết,100% các lớp của trường đã ngừng sử dụng đồ nhựa dùng một lần trong các hoạt động buôn bán và bữa ăn trưa. Nhờ đó, lượng rác thải sau các ngày hội giảm khoảng 70%, đặc biệt rác thải nhựa gần như không còn. Khuôn viên tổ chức sự kiện luôn sạch sẽ, không có rác thải tồn đọng. Giáo viên và nhân viên nhà trường đánh giá cao hiệu quả tích cực của các quy định giảm thiểu rác thải nhựa. Dù giai đoạn đầu gặp khó khăn, nhưng với quyết tâm và sự đồng lòng, toàn trường đã thực hiện hiệu quả mô hình này. Điều này không chỉ góp phần bảo vệ môi trường mà còn tạo thói quen sống xanh, tiêu dùng bền vững trong học sinh.

Những kết quả nổi bật của dự án

Dự án "Xây dựng và thực hiện lộ trình giảm sử dụng nhựa một lần trong trường học Đà Nẵng" được triển khai từ tháng 5-2024 đến tháng 3-2025 với sự tham gia của bốn trường điểm trên địa bàn quận Sơn Trà gồm: Mầm non Vành Khuyên, Tiểu học Quang Trung, THCS Nguyễn Chí Thanh và THPT Sơn Trà, hướng đến mục tiêu nâng cao năng lực giảng dạy và thực hành giảm sử dụng nhựa một lần của học sinh và giáo viên, với tổng ngân sách 23.600 USD. Trong khuôn khổ chương trình, các trường đã tổ chức 229 tiết học giảm thiểu rác thải nhựa, thu hút 7.398 lượt học sinh tham gia. Đồng thời, 12 sự kiện tuyên truyền cũng được thực hiện, tiếp cận 9.152 lượt học sinh. Ngoài ra, để nâng cao nhận thức cho cán bộ, giáo viên, nhân viên (CBGVNV), các trường đã tổ chức 12 buổi tập huấn với 403 lượt tham gia, tập trung vào các nội dung: kiến thức về rác thải nhựa, giải pháp giảm nhựa dùng một lần (SUP), kỹ năng lồng ghép nội dung này vào chương trình giảng dạy.

Các em học sinh trường tiểu học Quang Trung đang thu gom rác trong trường.

Song song với công tác giáo dục, các trường đã triển khai 63 giải pháp giảm nhựa, trong đó có những biện pháp thiết thực như tập thói quen cho trẻ đi vệ sinh theo giờ để giảm sử dụng tã giấy, pha sữa bột thay vì sử dụng hộp sữa giấy, và thay thế vật dụng nhựa dùng một lần bằng chai, ly thủy tinh, hộp, thau tái sử dụng. Ngoài ra, các trường cũng đề nghị nhà cung cấp thực phẩm thay thế bao bì nilon bằng vật dụng có thể tái sử dụng. Đặc biệt, căn tin các trường này đã có sự thay đổi quan trọng khi loại bỏ hoàn toàn ly nhựa, hộp xốp dùng một lần, thay thế bằng ly và đĩa có thể sử dụng nhiều lần. Những giải pháp này không chỉ giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường mà còn hình thành thói quen tiêu dùng bền vững, góp phần xây dựng môi trường học đường xanh - sạch - đẹp. Ghi nhận những kết quả đạt được này, ông Trần Đăng Trung - Giám đốc CAB bày tỏ: "Những con số này phản ánh nỗ lực không ngừng của các trường trong việc nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, góp phần xây dựng một thế hệ trẻ có trách nhiệm hơn với thiên nhiên."

Theo ông Nguyễn Đình Phúc - Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Đà Nẵng, ô nhiễm rác thải nhựa đang trở thành vấn đề nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường và sức khỏe con người. Do đó, giáo dục ý thức bảo vệ môi trường, đặc biệt là giảm thiểu nhựa dùng một lần trong học đường là việc làm cấp thiết. Dự án này không chỉ góp phần giảm rác thải nhựa mà còn đặt nền móng cho một thế hệ học sinh ý thức hơn về bảo vệ môi trường, xây dựng một tương lai xanh, sạch và bền vững hơn cho thành phố Đà Nẵng. Dự kiến trong thời gian đến, chương trình sẽ tiếp tục được nhân rộng, mở rộng hơn nữa tại các trường trên địa bàn TP Đà Nẵng.

Lê Anh Tuấn