Nhật Bản đối mặt cơn địa chấn chính trị

Thứ ba, 22/11/2022 09:17
Chỉ trong một tháng, Nội các Nhật Bản chứng kiến 3 vị bộ trưởng từ chức do liên quan đến các bê bối. Đây được cho là những diễn biến bất lợi đối với chính quyền của Thủ tướng Fumio Kishida.
Bộ trưởng Nội vụ Nhật Bản Minoru Terada xin từ chức hôm 20-11. Ảnh: Reuters
Bộ trưởng Nội vụ Nhật Bản Minoru Terada xin từ chức hôm 20-11. Ảnh: Reuters

3 bộ trưởng từ chức trong 1 tháng

Bộ trưởng Nội vụ Nhật Bản Minoru Terada ngày 20-11 đã xin từ chức sau bê bối về tiền tài trợ. Bộ trưởng Terada thừa nhận rằng một trong những nhóm ủng hộ mình đã nộp tài liệu tài trợ có chữ ký của một người đã chết. Trước đó, Bộ trưởng Terada đã xuất hiện tại văn phòng thủ tướng và nói rằng ông đã nộp đơn từ chức. Tuy nhiên, ông không nói có bị buộc làm như vậy hay không. "Tôi quyết định vì tôi không muốn các cuộc thảo luận của quốc hội về những quy định then chốt sắp tới bị gián đoạn vì những vấn đề của mình", ông Terada cho hay.

Sau khi ông Terada từ chức, ngày 21-11, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida quyết định bổ nhiệm hạ nghị sỹ Takeaki Matsumoto làm Bộ trưởng Nội vụ và Truyền thông thay cho ông Minoru Terada. Ông Matsumoto, năm nay 63 tuổi, từng giữ chức Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản vào năm 2011 dưới thời chính quyền của cựu Thủ tướng Naoto Kan thuộc Đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) - chính đảng nắm quyền ở Nhật Bản từ năm 2009-2012 nhưng nay đã giải thể.

Ông Minoru là bộ trưởng thứ 3 trong chính phủ của Thủ tướng Kishida từ chức chỉ trong chưa đầy một tháng. Hôm 24-10, Bộ trưởng Tái thiết Kinh tế Daishiro Yamagiwa phải từ chức vì có quan hệ với Liên đoàn Gia đình vì Hòa bình và Thống nhất Thế giới (thường được gọi là Giáo hội Thống nhất) - một tổ chức đang thu hút sự chú ý của dư luận nước này sau vụ ám sát cựu Thủ tướng Shinzo Abe hôm 8-7. Đến giữa tháng 11, Bộ trưởng Tư pháp Yasuhiro Hanashi cũng từ chức vì những bình luận được coi là coi thường trách nhiệm công việc của ông. Ông Hanashi nói rằng bộ trưởng tư pháp là vị trí không có gì nổi bật và là công việc "tẻ nhạt", vì công việc này chỉ xuất hiện trong các bản tin sau khi ông đóng dấu vào lệnh thi hành án. Sau khi nhận được sự phản đối dữ dội từ công chúng, ông Hanashi đã phải lên tiếng xin lỗi về những phát ngôn của mình, đồng thời tuyên bố ông sẽ rút lại những câu nói đó. "Tôi xin lỗi vì đã khiến công chúng tức giận", ông nói.

Đòn giáng đối với Thủ tướng Kishida

Các vụ việc trên chắc chắn sẽ khiến Thủ tướng Kishida gặp nhiều khó khăn hơn trong bối cảnh tỷ lệ ủng hộ đối với nội các giảm xuống chỉ còn trên 30%, mức thấp nhất kể từ khi ông nhậm chức vào tháng 10-2021. "Tôi xin lỗi trước loạt đơn từ chức. Tôi nhận rõ trách nhiệm nặng nề trong việc đã bổ nhiệm họ", Thủ tướng Kishida phát biểu trước các phóng viên, hôm 20-11.

Việc Bộ trưởng Terada từ chức là một đòn giáng mạnh hơn nữa vào Nội các vốn đã bị lung lay bởi mối quan hệ chặt chẽ của Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền với tổ chức Nhà thờ Thống nhất, vốn bị cáo buộc chiêu mộ thành viên và thao túng những người ủng hộ để quyên góp số tiền lớn, dẫn đến các cuộc đổ vỡ trong gia đình. Do Terada là một thành viên ủng hộ ông Kishida trong đảng, nên việc ông bị sa thải được coi là đòn giáng vào quyền lực của thủ tướng.

Theo báo Asahi, Thủ tướng Kishida từng được coi là một sự lựa chọn an toàn và được kỳ vọng sẽ lãnh đạo đất nước trong ba năm tới mà không cần tổ chức bầu cử theo lịch trình. Tuy nhiên, mức độ tín nhiệm của ông kể từ đó đã giảm sút sau khi ông bị chỉ trích khi xử lý các mối liên quan trong đảng đối với tổ chức Nhà thờ Thống nhất. Các mối quan hệ của đảng cầm quyền với tổ chức Nhà thờ Thống nhất nằm trong tầm ngắm điều tra sau vụ ám sát cố Thủ tướng Abe Shinzo. Kẻ bị tình nghi ám sát ông Abe cho biết mẹ của y đã phá sản bởi Giáo hội Thống nhất và đổ lỗi cho ông Abe vì ủng hộ tổ chức này. LDP đã thừa nhận nhiều nghị sĩ của họ có quan hệ với Giáo hội Thống nhất, nhưng khẳng định đảng không có mối liên hệ nào với tổ chức này.

AN BÌNH