Nhiếp ảnh gia Pháp trăn trở với văn hóa Việt

Thứ năm, 24/08/2017 11:44

Càng  khám phá và tìm hiểu những dự án tâm huyết của nhiếp ảnh gia Réhahn Croquevielle mới hiểu ông trân trọng, yêu mến nền văn hóa các dân tộc Việt Nam đến nhường nào.

Nhiếp ảnh gia Réhahn giới thiệu tác phẩm tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam.

Đầu tháng 8 vừa qua, bộ sưu tập "Di sản vô giá" của Réhahn đã được giới thiệu tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. Ngay sau lễ khai mạc trưng bày này, người ta thấy nhiếp ảnh gia nổi tiếng người Pháp ân cần dẫn mọi người đi tham quan những tác phẩm nhiếp ảnh của mình. Ở mỗi bức ảnh, ông đều dừng lại khá lâu kể lại chi tiết những câu chuyện về nhân vật, về trang phục truyền thống và nền văn hóa mà họ đang mang. Có lẽ, nhiều người Việt Nam sẽ chạnh lòng trước những kiến thức tỉ mỉ, sự hiểu biết tinh tế của Réhahn về các nhóm dân tộc của Việt Nam. Đến nay, ông đã gặp gỡ được 48/54 dân tộc trên cả nước.

"Di sản vô giá"

Sinh ra tại Normandy (Pháp), khi đến Việt Nam du lịch lần đầu tiên với một tổ chức phi chính phủ vào năm 2007, Réhahn Croquevielle đã khám phá văn hóa Việt Nam qua ống kính với hơn 50.000 bức ảnh. Năm 2011, ông quyết định chọn thành phố Hội An (Quảng Nam) làm nơi định cư lâu dài. Hành trình 10 năm tại Việt Nam đã giúp Réhahn thực hiện rất nhiều dự án gây tiếng vang như cuốn sách ảnh "Việt Nam, những mảnh ghép tương phản" trở thành ấn phẩm bán chạy nhất ở Việt Nam và có mặt tại 29 quốc gia, bức ảnh "Những người bạn tốt" được giới thiệu tại hơn 25 quốc gia và xuất hiện trên trang bìa của nhiều tạp chí nổi tiếng như Conde Nast Traveler, The Times và National Geographic. Hai bức ảnh "Những người bạn tốt" và "Nụ cười ẩn giấu" của ông đã được lựa chọn vào Bộ sưu tập của Bảo tàng Asian House tại Havana (Cuba)...

"Di sản vô giá" là dự án mới nhất được Réhahn ấp ủ thực hiện trong suốt 6 năm qua. Ông kể, bộ sưu tập này bắt đầu từ chuyến đi đầu tiên của ông đến miền Bắc Việt Nam năm 2011. Khi ấy, ông đã có cơ hội được gặp gỡ các nhóm dân tộc mặc trang phục truyền thống, sống trong những ngôi nhà có kiến trúc cổ kính, dùng thổ ngữ và thực hiện những phong tục cổ xưa. Tuy nhiên, trong cuộc hành trình thứ hai vào năm sau đó, Réhahn đã nhận ra những nền văn hóa độc đáo này đang dần bị mai một. Một số nhóm dân tộc chỉ còn vài trăm người, những người trẻ rời làng đi đến những thành phố lớn. Vào đúng lúc ấy, ý nghĩ về vai trò mới nhằm giới thiệu và bảo tồn sự đa dạng của những nền văn hóa này với tư cách là một nhiếp ảnh gia ngày càng rõ rệt trong ông.

Réhahn cho biết, mục tiêu của ông khi thực hiện dự án là quảng bá các nhóm dân tộc Việt Nam đến bạn bè thế giới ngày càng rộng rãi hơn. Ông tin rằng khi nói nhiều về vấn đề này thì sẽ càng có nhiều người Việt Nam và nước ngoài nhận thức về nó và càng có nhiều dân tộc nhận ra tầm quan trọng của việc gìn giữ giá trị truyền thống. Đây cũng là lý do khiến Réhahn mở cửa Phòng Triển lãm Nghệ thuật Di sản vô giá ở Hội An đầu năm nay như một cống hiến nhỏ cho văn hóa Việt. Không gian văn hóa này đang lớn lên từng ngày mỗi khi ông phát hiện thêm nhóm dân tộc mới. Thế nhưng, ông luôn trăn trở: "Việt Nam đang nắm giữ những di sản vô giá. Nhưng, một ngày nào đó, trang phục của một nhóm người dân tộc bất kỳ có thể sẽ biến mất, những câu chuyện truyền miệng bị quên lãng, các kỹ thuật chế tác công cụ, nhạc cụ cũng không còn".

Tất cả vì tình yêu Việt Nam

Thực hiện dự án "Di sản vô giá", Réhahn đã đi khắp mọi nơi và trải qua không ít khó khăn. Để chụp được một bức ảnh về trang phục truyền thống của người Co, ông phải qua 20 ngôi làng mới tìm được người phụ nữ mặc trang phục nguyên gốc, ông cũng phải mất 3 năm mới tiếp cận được tộc người Rơ Măm... Sau mỗi bức ảnh, những nhân vật này đều trở thành bạn bè của ông, như cô bé Kim Luân người Mơ Nông cho ông bức ảnh để đời "Những người bạn tốt", cụ Lý Cà Sư - 91 tuổi người La Hủ - luôn chiếm vị trí đặc biệt trong trái tim ông, hay "Cô bé có đôi mắt xanh" người Chăm thừa hưởng từ đời ông cố người Pháp tên An Phước mà thi thoảng ông vẫn mời về Hội An chơi. Réhahn cũng luôn dành thời gian để xây dựng mối quan hệ thân thiết cùng các địa phương và những tổ chức có chung ước muốn bảo vệ văn hóa. Mới đây, ông đã phối hợp với tổ chức FIDR của Nhật Bản hỗ trợ tích cực cho việc tổ chức Đêm Văn hóa Cơ Tu ở Hội An. Chương trình đã diễn ra thành công và thu hút sự tham gia nhiệt tình của khách du lịch cũng như người dân địa phương.

Theo Réhahn, có rất nhiều cách để bảo tồn như tổ chức du lịch cộng đồng, mở các hợp tác xã để truyền đạt lại kiến thức, dạy cho các thế hệ trẻ và bán các sản phẩm chất lượng cao của địa phương. Ánh mắt ông ngời sáng khi kể rằng ở Quảng Ngãi, một trường cấp 3 đã dùng trang phục truyền thống của người dân tộc làm đồng phục vào một số ngày nhất định để phục hồi văn hóa của họ. Ước mơ tiếp theo mà nhiếp ảnh gia Pháp mong muốn thực hiện là hàng năm có thể tổ chức diễu hành và trình diễn những hoạt động văn hóa đặc trưng với sự tham gia của người dân từ 54 dân tộc của Việt Nam. Nhiệm vụ quan trọng mà ông cần thực hiện trong thời gian tới là phải gặp gỡ 6 nhóm dân tộc để hoàn thiện bộ sưu tập về "Di sản vô giá" của Việt Nam. "Tôi luôn tin tưởng văn hóa là con đường cải thiện xã hội mạnh mẽ nhất, giúp con người nhận thức về những di sản mà họ nên cảm thấy tự hào và sống khoan dung hơn. Những di sản này góp phần tạo nên một Việt Nam  khác biệt với thế giới và tôi mong người Việt Nam, nhất là giới trẻ nhận thức được rằng họ vừa có thể sống cuộc sống hiện đại vừa bảo vệ được các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình", Réhahn tâm sự.

AN BÌNH