Nhiều bất cập tại các nông, lâm trường quốc doanh

Thứ tư, 11/11/2015 07:47

(Cadn.com.vn) - Trong ngày 10-11, Quốc hội đã nghe Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Ksor Phước báo cáo về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai tại các nông, lâm trường quốc doanh giai đoạn 2004 – 2014 và thảo luận về nội dung này.

Theo Báo cáo, từ 186 nông trường (năm 2005) trên địa bàn cả nước, nay đã sắp xếp lại còn 145 công ty nông nghiệp (năm 2012). Từ 256 lâm trường (năm 2005), đến năm 2012 sắp xếp, chuyển đổi còn 151 công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên thuộc sở hữu nhà nước; 3 công ty cổ phần; thành lập mới 91 ban quản lý rừng (sau đó giảm còn 87 ban quản lý); giải thể 14 đơn vị khác.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính: Tổng giá trị tài sản của các công ty nông nghiệp là 39.773 tỷ đồng (trong đó tài sản của Tập đoàn Công nghiệp Cao su 32.326 tỷ đồng); vốn chủ sở hữu 23.170 tỷ đồng. Bình quân, mỗi công ty nông nghiệp có giá trị tài sản 141 tỷ đồng; nếu tính cả đơn vị phụ thuộc, thì bình quân mỗi đơn vị có tài sản 90 tỷ đồng. Tổng giá trị tài sản các công ty lâm nghiệp là 3.905 tỷ đồng; các khoản phải thu là 529 tỷ đồng; các khoản nợ là 1.833 tỷ đồng; tổng doanh thu là 2.478 tỷ đồng; tổng lợi nhuận là 182 tỷ đồng; tổng nộp ngân sách Nhà nước trong 10 năm (2004-2014) là 276 tỷ đồng.

Về lao động, sau sắp xếp số lao động giảm mạnh từ bộ máy quản lý đến người lao động trực tiếp. Đến ngày 31-12-2000, số cán bộ, công nhân viên nông trường còn 173.932 người. Số cán bộ, công nhân viên lâm trường 26.843 người, giảm 52,6%.

Theo báo cáo của Chính phủ, sau sắp xếp, phần lớn các công ty nông, lâm nghiệp hoạt động ổn định. Một số doanh nghiệp thực hiện thí điểm cổ phần hóa, đổi mới cơ chế quản lý, quản trị kinh doanh; chủ động trong sản xuất, kinh doanh, đa dạng hóa các nguồn vốn huy động, bảo toàn và phát triển vốn của Nhà nước; tăng cường đầu tư khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, cải thiện thu nhập và điều kiện sống của người lao động.

Tuy nhiên, qua thực tế, Đoàn giám sát nhận thấy: Bản chất việc quản lý, sử dụng đất đai, các phương án, hình thức quản lý, sử dụng đất đai của các công ty nông, lâm nghiệp, ban quản lý rừng hầu như không thay đổi. Việc chuyển đổi mô hình công ty mới chỉ dừng lại trên đề án. Các công ty nông, lâm nghiệp mới chỉ chuyển đổi tên, chưa thực sự thực hiện đầy đủ trách nhiệm quản lý, sử dụng đất đai theo các quy định hiện hành của luật pháp và theo phương án quản lý, sử dụng đất tại các đề án đã được phê duyệt.

Báo cáo giám sát nhận định, chủ trương chính sách sắp xếp, đổi mới nông, lâm trường quốc doanh thời gian qua mới chủ yếu làm thay đổi hình thức tổ chức quản lý, chưa làm thay đổi căn bản cơ chế quản lý và quản trị doanh nghiệp nên chưa tạo được sự chuyển biến căn bản theo mục tiêu đề ra. Do buông lỏng quản lý, áp dụng không đúng chủ trương chính sách khoán nên một số nông, lâm trường không còn thực chất là doanh nghiệp Nhà nước, nhưng vẫn áp dụng cơ chế chính sách sắp xếp, đổi mới như nhau là không phù hợp.

T.T

ĐBQH Nguyễn Tiến Sinh:

Trước hết, phải rà soát, đánh giá lại diện tích đất, những mô hình quản lý của các nông, lâm trường, trong đó xác định chức năng doanh nghiệp làm kinh tế phải chuyển sang làm kinh tế và mục tiêu kinh doanh là cơ bản, không lẫn lộn giữa kinh doanh và công ích. Nhà nước cần có chính sách để loại tổ chức công ích hoạt động. Với các doanh nghiệp chuyển sang kinh doanh, dứt khoát phải hạch toán, kể cả tiền thuê đất. Đây là cách sử dụng đất hiệu quả nhất, bởi đã bỏ tiền ra thuê, họ sẽ phải xác định thuê làm sao có lợi và hiệu quả.

ĐBQH Lê Thị Nguyệt:

Trước hết, chúng ta cần rà soát lại các chính sách về đất đai hiện nay đang quản lý, nhất là diện tích đất trên bản đồ chưa có và đảm bảo theo đúng Luật Đất đai. Những diện tích đất đến nay không sử dụng hoặc sử dụng đạt hiệu quả thấp cần được chuyển đổi và giao lại cho địa phương quản lý cho phù hợp với thực tế. Đồng thời, xem xét lại các mô hình tổ chức, để phù hợp với từng loại nông, lâm trường hiện nay; đưa các doanh nghiệp vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp; coi nông trường viên là người lao động để đào tạo và giải quyết việc làm tại chỗ cho họ.

ĐBQH Trần Du Lịch:

Phải đổi mới tư duy về mô hình tổ chức, vì cơ chế quản lý đất nông, lâm nghiệp thời gian qua không phù hợp. Không nên đồng nhất giữa lâm trường với nông trường. Lâm trường là bảo vệ rừng, trồng rừng mới, giữ rừng; là mục tiêu giữ môi trường, độ che phủ, đặc biệt gắn với bảo vệ an ninh - quốc phòng, chứ không phải mục tiêu khai thác kinh tế. Nông trường chỉ thuần túy là khai thác kinh tế và tái cơ cấu nông nghiệp. Do đó, việc sáp nhập nông, lâm trường với nhau là không hợp lý; cần tách riêng nông trường và lâm trường.