Nhiều bất cập trên đường vành đai phía Tây Đà Nẵng
Dự án tuyến đường vành đai phía Tây Đà Nẵng có chiều dài 19km từ xã Hòa Liên đến xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang (TP Đà Nẵng) với kinh phí gần 1.500 tỷ đồng. Do tiến độ thi công chậm, kéo dài, đến tháng 5-2024, dự án mới thông tuyến. Đường chưa làm lễ khánh thành nhưng đã bộc lộ nhiều bất cập trong thiết kế, thi công ảnh hưởng đến đời sống dân sinh khu vực tuyến đường đi qua…
Trung tá Vũ Hồng Phúc và Thiếu tá Lê Hùng Cường- Ban chỉ huy Công an xã Hòa Ninh trực tiếp dẫn chúng tôi đi thị sát thực tế những điểm bấp cập tại khu vực có dự án đường đi qua địa bàn xã. Đầu tiên có thể kể đến, để thi công dự án đường vành đai khu vực Km17-18, tuyến đường liên thôn qua thôn 5 đã bị chia cắt, khiến thôn 5 chia làm 2 khu vực. Ông Nguyễn Hữu Nhân- Bí thư chi bộ, Trưởng thôn 5 cho biết, thôn có 152 hộ dân, nay chia thành 3 khu riêng biệt, từ cụm dân cư của thôn phía Nam ngược lên cụm dân cư của thôn phía Tây Bắc, nối với các thôn Hòa Trung, Trung Nghĩa, thôn 1, xã Hòa Ninh nay bị ngăn cách bởi tuyến đường. Điều đáng nói là con đường liên thôn bị ngăn cách, người dân muốn đi lại trên tuyến đường phải đi ngược chiều sai luật giao thông trên luồng đường vành đai gần 500 mét, để vòng qua điểm mở của tuyến phân luồng giao thông đường vành đai để sang phía bên kia hoặc ngược lại. Ông Nhân cho biết, trên tuyến đường vành đai mới thông tuyến, hàng ngày rất nhiều phương tiện vận tải chở vật liệu, ô-tô tập lái qua lại, đã xảy ra nhiều vụ tai nạn, rất mau là chưa dẫn đến chết người tại điểm “vượt tuyến” tréo ngoe, nguy hiểm này…!.
Ông Nhân còn phản ánh thêm, lẽ ra khi thi công tuyến đường vành đai, Ban Quản lý dự án, đơn vị thi công phải mở một đoạn đường liên thôn khác nối tuyến đường liên thôn liền mạch tại điểm mở của tuyến phân luồng đường vành đai, nhưng không làm. Vấn đề ở chỗ, nếu mở tuyến đường mới nối liền mạch tuyến đường liên thôn, thì lại vướng mắc tại khu vực đất của gia đình bà Đặng Thị Muộn, người dân thôn 5. Diện tích đất này nằm trong quy hoạch đường vành đai nhưng chưa thu hồi, đền bù, giải tỏa, vì vậy điểm nối tuyến đường liên thôn nếu mở mới cũng “bó tay”. Chưa hết, tuyến đường liên thôn trước đây qua cụm dân cư có 17 hộ dân thôn 5, nhưng nay bị cắt đứt làm dự án đường vành đai, khiến cụm dân cư không còn lối đi lại. Mới đây xe cứu thương cũng không thể vào khu dân cư để chở người đau ốm đi cấp cứu.
Tương tự thôn 5, tại thôn Trung Nghĩa với hơn 175 hộ dân, đường liên thôn cũng bị Dự án đường vành đai phía Tây thuộc khu vực Km 14+800 cắt làm đôi. Đây là đoạn bằng phẳng, nếu mở điểm giao nhau ở tuyến phân luồng đường vành đai là có thể qua lại nếu được lắp biển cảnh báo, đèn tín hiệu giao thông. Nhưng điều này không xảy ra, buộc người dân trong cùng thôn muốn qua lại từ 2 khu vực bị ngăn chia cũng phải ngược đường luồng vành đai hơn 500 mét để sang bên kia thôn và ngược lại. Đây là khu vực chưa có hệ thống đèn đường vào ban đêm, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.
Tại Km 16+300 Dự án đường vành đai phía Tây, người dân thôn Hòa Trung, Hòa Ninh cũng khốn khổ vì mỗi khi mưa xuống thôn lại biến thành vùng ngập lụt nghiêm trọng, do nước đổ từ đường vành đai xuống khu dân cư. Nguyên nhân tại khu vực dự án chưa có hệ thống cống rãnh thoát, thu gom nước, mỗi khi mưa xuống lối thoát nước duy nhất chỉ có là đường liên thôn…!.
Tất cả những bất cập nêu trên, người dân đã nhiều lần phản ánh tới các cấp chính quyền, ngành chức năng, UBND xã Hòa Ninh cũng nhiều lần gửi kiến nghị bằng văn bản đến Ban Quản lý dự án đường vành đai phía Tây Đà Nẵng và các ngành chức năng, nhưng đến nay vẫn chưa được xem xét xử lý. Cán bộ, nhân dân Hòa Ninh cho rằng, Dự án đường vành đai phía Tây Đà Nẵng sắp kết thúc, mùa mưa bão sắp đến, nếu những bất cập như đã nêu trên không được khắc phục, người dân phải gánh chịu nhiều hệ lụy khó lường.
Hồng Thanh