Nhiều cơ sở kinh doanh lụa “vạ lây” từ vụ Khaisilk

Thứ ba, 31/10/2017 06:30

Đã hơn 1 tuần trôi qua kể từ vụ việc lụa Trung Quốc gắn mác Việt Nam của thương hiệu Khaisilk bị phát hiện, tại TP Hội An, Quảng Nam, một trong những nơi kinh doanh tơ lụa tấp nập nhất nước, nhiều cơ sở cũng đang bị “vạ lây”. Trao đổi với PV Báo Công an TP Đà Nẵng nhiều cơ sở kinh doanh lụa cho biết những ngày qua họ bị các đối tác, khách hàng  nghi ngờ nguồn gốc sản phẩm phải đi giải thích cho từng người hiểu. Thậm chí nhiều cơ sở còn phải mang giấy tờ ra chứng minh nguồn gốc xuất xứ thì khách hàng mới tin tưởng.

Chị Trần Thị Yến (Chủ cơ sở lụa Mã Châu, TP Hội An) chia sẻ: “Sau khi vụ Khaisilk bị phanh phui thì cơ sở của tôi cũng không hề hấn gì vì chúng tôi là cơ sở tự sản xuất tự kinh doanh lụa. Còn những cơ sở mua đi bán lại thì họ mới phải chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Tuy nhiên đến ngày 27-10 vừa qua có một tờ báo viết bài về tơ lụa Duy Xuyên, trong đó đề cập đến chuyện làng lụa bán hết máy dệt thì lấy đâu ra lụa tơ tằm. Điều này là do họ không hiểu rõ vấn đề nên đã làm dư luận hiểu sai. Thực tế tại làng lụa Mã Châu và dân làm lụa ở Duy Xuyên bán máy dệt là đúng nhưng đó là họ bán máy dệt Trung Quốc, máy dệt kiếm dùng để dệt vải công nghiệp không liên quan gì đến việc dệt lụa theo kiểu truyền thống cả. Máy dệt đó là máy dệt công nghiệp còn lụa tơ tằm thì sản xuất theo phương thức truyền thống. Việc nhiều tờ báo đưa tin không chính xác như vậy khiến cơ sở của chúng tôi điêu đứng”.

Chị Mai Anh (Chủ cửa hàng MaiAnh Silk, TP Hội An) cho biết, những ngày qua việc kinh doanh của chị gặp khá nhiều rắc rối vì vụ việc liên quan đến Khaisilk. Không chỉ khách hàng trong nước mà cả du khách nước ngoài cũng hạn chế mua sản phẩm từ lụa. “Chuyện Khaisilk đang rất nóng nên sản phẩm tơ lụa hiện nay cũng không bán chạy vì những sản phẩm này đa phần đều mua để làm quà tặng. Những đối tác đã đặt hàng rồi thì họ miễn cưỡng lấy nhưng mấy ngày qua thị trường chùng hẳn xuống, không biết đến bao giờ mới trở lại bình thường. Ngoài ra nhiều người không hiểu hết vấn đề đánh đồng hết tất cả những người kinh doanh lụa như chúng tôi. Chúng tôi mong rằng dư luận sẽ hiểu đây là việc cá nhân thương hiệu đó chứ không phải ai cũng như vậy”.

Theo ông Lê Thái Vũ – Chủ tịch HĐQT Làng lụa Hội An, sự việc Khaisilk là một bài học cho tất cả những người kinh doanh thủ công mỹ nghệ, nhất là lụa truyền thống bởi đây là sản phẩm gắn với văn hóa quốc gia. Ông Vũ cho biết hiện nay, Việt Nam còn 8 làng lụa tơ tằm, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh lụa tơ tằm truyền thống quy mô lớn, như Vạn Phúc (Hà Nội), Nha Xá (Hà Nam), Nam Cao (Thái Bình), Mã Châu (Quảng Nam), Mỹ Á (An Giang). Lụa tơ tằm được dệt truyền thống bằng khung cửi nên thường chỉ có một màu hoặc có hoa văn rất đơn giản. Các hoa văn chỉ thường theo khuôn sẵn đơn sơ như tùng, cúc, trúc, mai. Vì được dệt thủ công nên lụa cũng thường có một vài lỗi nhỏ, dệt không thật sự đều tăm tắp. Lụa tơ tằm truyền thống thường chỉ trắng ngà chứ không có màu trắng tinh.

ĐỒNG DAO