Hội nghị Trung ương 7 Khóa XII:

Nhiều đại biểu đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu, giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội

Thứ sáu, 11/05/2018 08:57

Tiếp tục chương trình làm việc Hội nghị lần thứ 7, sáng 10-5, Ban Chấp hành Trung ương (BCH T.Ư) Đảng làm việc tại tổ, thảo luận về Đề án cải cách chính sách bảo hiểm xã hội. Buổi chiều, BCH T.Ư Đảng làm việc tại Hội trường, thảo luận về Đề án cải cách chính sách bảo hiểm xã hội. Đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư thay mặt Bộ Chính trị điều hành phiên họp.

Toàn cảnh phiên thảo luận về Đề án cải cách chính sách bảo hiểm xã hội. Ảnh: TTXVN

Phát biểu tại Hội nghị, các đại biểu thống nhất cao, khẳng định bảo hiểm xã hội là chính sách lớn của Đảng, Nhà nước, liên quan trực tiếp đến đời sống nhân dân, có ý nghĩa quan trọng trong thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. Việc cải cách chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) là vấn đề hệ trọng, cần tính toán kỹ lưỡng, bảo đảm tương xứng với chính sách tiền lương và các chính sách xã hội, đòi hỏi quyết tâm chính trị cao của cả hệ thống chính trị và của toàn dân. 

Cải cách theo 3 giai đoạn

Đề án cải cách chính sách BHXH lần này xác định rõ mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể của việc cải cách chính sách BHXH theo 3 giai đoạn. Theo đó, giai đoạn đến năm 2021: Phấn đấu có khoảng 35% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH; khoảng 28% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp; phấn đấu có khoảng 45% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hàng tháng và trợ cấp xã hội (lương hưu xã hội).

Giai đoạn đến năm 2025: Phấn đấu có khoảng 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH; khoảng 35% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp; khoảng 55% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hàng tháng và trợ cấp xã hội; phấn đấu chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người tham gia BHXH đạt 85%.

Giai đoạn đến năm 2030: Phấn đấu có khoảng 60% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH; khoảng 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp; khoảng 60% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hàng tháng và trợ cấp xã hội; chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người tham gia BHXH đạt 90%. Qua từng giai đoạn, tăng dần tỷ lệ nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện từ 1% lên 2,5% và 5% lực lượng lao động trong độ tuổi. 

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng: Đề án thể hiện được tính nhân văn, bản chất tốt đẹp của chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Việc thực hiện Đề án hướng tới một hệ thống BHXH đa dạng, đa tầng, trong đó chú ý tăng BHXH bắt buộc về đối tượng và quy mô, tiến tới bao phủ toàn dân. Bởi hiện nay trong tổng số 53 triệu lao động chỉ có 13,9 triệu tham gia bảo hiểm, trong đó 200 nghìn người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là con số quá nhỏ. 

Cân nhắc việc giảm số năm đóng BHXH tối thiểu 

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển bày tỏ băn khoăn, khi sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm số năm đóng BHXH tối thiểu từ 20 năm tham gia BHXH xuống còn 10 năm. Theo đại biểu, “đây là vấn đề cần hết sức thận trọng, có 10 năm đóng BHXH là đã nghỉ hưu rồi mà trước đây là 20 năm. Khi thảo luận về vấn đề này, Đảng Đoàn Quốc hội đề nghị chỉ giảm xuống 15 năm, mà 15 năm cũng là đột phá. Bây giờ xuống 10 năm thì tình hình quỹ của chúng ta như thế nào? Đóng 10 năm nhưng hưởng hưu trí 22 năm, thậm chí tuổi thọ tăng hơn nữa thì quỹ cân đối như thế nào?”. Đại biểu cho rằng, không nên giảm quá sâu như vậy, vì sẽ xảy ra mất cân đối giữa thu và chi quỹ BHXH. 

Về vấn đề trên, đại biểu Đào Ngọc Dung (Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, kinh nghiệm ở các nước xung quanh thiết kế tối đa là 20 năm, thông thường là từ 10-15 năm và có thể cho phép linh hoạt. Nhưng đương nhiên, thời gian đóng ngắn thì mức hưởng sẽ tương xứng, bảo đảm nguyên tắc công bằng, đóng - hưởng. Bên cạnh đó, cần tăng cường kết nối và chia sẻ giữa các chế độ BHXH, đặc biệt là bảo hiểm ngắn hạn. Rất nhiều quỹ ngắn hạn kết dư rất lớn như quỹ về an toàn lao động, quỹ bảo hiểm thất nghiệp, nhưng chưa kết nối được với các quỹ khác, không chia sẻ được vì chính sách chúng ta chưa thiết kế. 

Đại biểu cũng phân tích, làm rõ thêm các vấn đề: Điều chỉnh tích lũy để đạt mức lương hưu tối đa phù hợp với thông lệ quốc tế; giảm tỷ lệ và số lượng người hưởng một lần; xây dựng lộ trình điều chỉnh lương hưu độc lập với tiền lương của người đương chức. Thời gian qua, chúng ta đã điều chỉnh 15 lần về lương hưu, nếu cứ thế này sẽ tạo sức ép rất lớn cho BHXH. 

Thiết kế lại hệ thống bảo hiểm xã hội

Làm thế nào để mở rộng vững chắc, tăng diện bao phủ, tiến tới thực hiện BHXH toàn dân? Theo đại biểu Đào Ngọc Dung, phải bám sát ba nguyên tắc: Công bằng, đóng - hưởng và chia sẻ, từ đó thiết kế lại hệ thống BHXH theo hướng chuyển từ đơn tầng sang đa tầng. Đa tầng thực chất là có 3 tầng: Hưu trí xã hội; hưu trí bảo hiểm cơ bản gồm bảo hiểm bắt buộc và bảo hiểm tự nguyện; hưu trí bổ sung dành cho lao động có thu nhập cao tham gia đóng thêm bên cạnh hưu cơ bản. Về bản chất, thiết kế đa tầng thực ra là căn chỉnh lại, tăng cường kết nối giữa BHXH với bảo trợ xã hội và kết nối giữa các loại bảo hiểm ngắn hạn với nhau trên tinh thần chia sẻ bên cạnh nguyên tắc đóng - hưởng và công bằng. 

Xu thế tăng tuổi nghỉ hưu

Nhiều đại biểu đóng góp ý kiến về vấn đề điều chỉnh tuổi nghỉ hưu, bởi đây là vấn đề dư luận xã hội, đặc biệt là người lao động rất quan tâm. Làm rõ thêm vấn đề này, đại biểu Đào Ngọc Dung nhấn mạnh: Đây là xu thế chung và Việt Nam nằm trong xu thế này. Điều chỉnh tuổi hưu bình quân phụ thuộc vào nhiều yếu tố, đặt ra nhiều mục tiêu: Đối phó với già hóa dân số; sự biến đổi của thị trường lao động; bình đẳng giới; cân đối quỹ trong dài hạn. Đại biểu phân tích: Việt Nam đang ở giai đoạn dân số vàng, nhưng đến năm 2026, Việt Nam bắt đầu vào giai đoạn già hóa dân số và là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới thời gian tới. Nếu Việt Nam không có quyết tâm chính trị, có tầm nhìn xa và hành động mau lẹ thì chúng ta sẽ chuyển gánh nặng này cho thế hệ con cháu. 

Đứng ở góc độ nghỉ hưu, tuổi thọ và sự bền vững của quỹ, tuổi nghỉ hưu được xây dựng từ năm 1960, nữ 55 tuổi, nam 60 tuổi. Ở thời điểm đó, tuổi thọ bình quân của Việt Nam mới chỉ trên 40 tuổi. Song đến nay, Việt Nam là một trong những nước có tuổi thọ trung bình cao nhất trong khu vực: Nam là 78 tuổi, nữ là 79,5 tuổi. Nhưng tuổi nghỉ hưu thực tế của lao động Việt Nam hiện thấp nhất trong khu vực: Nam là 55,6 và nữ là 52,6. Nam đóng bảo hiểm bình quân là 28 năm và hưởng lương hưu là 22,5 năm, nữ đóng 23 năm nhưng hưởng tới 27 năm. Do đó, bài toán cân đối quỹ nếu tự thân nó sẽ rất khó khăn. Đại biểu cho rằng, đây là thời cơ vàng để quyết định chủ trương này, mặc dù có thể có ý kiến khác nhau. Còn xây dựng lộ trình như thế nào thì sau này giao cho các cơ quan chuyên môn. 

Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc đề nghị đối với cán bộ, công chức, viên chức: nam là 62 tuổi; nữ là 58 tuổi trừ trường hợp nữ là cán bộ khoa học hoặc cán bộ quản lý ở mức nào đó thì mới tăng lên 60 tuổi, còn đối với các điều kiện khác chỉ là 55 tuổi. Đại biểu dẫn chứng tuổi nghỉ hưu của một nước trên thế giới, đồng thời nêu quan điểm: Đối với Việt Nam, tuổi nghỉ hưu của nam giới có thể là 62 tuổi đối với cán bộ, công chức, 60 tuổi đối với các lĩnh vực khác, đặc biệt là những lĩnh vực lao động nặng nhọc. Cán bộ lãnh đạo, nghiên cứu khoa học cần có kinh nghiệm, bản lĩnh... thì tuổi càng cao có khi càng tốt. 

Về lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu, theo đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, nếu theo 2 phương án đã đưa ra thì nam cần đến 6-8 năm, nữ cần 15-25 năm để hoàn thành lộ trình Đề án nêu. Đại biểu cho rằng thời gian như vậy là quá lâu, cần nghiên cứu để điều chỉnh rút ngắn lộ trình thực hiện, có tính đến yếu tố thu hẹp khoảng cách giới. 

Tăng mức phạt để hạn chế trốn đóng BHXH 

Đề cập đến việc trốn đóng, nợ đọng BHXH cho người lao động mà Đề án ít đề cập đến, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng: Tình trạng trốn, nợ đọng bảo hiểm xã hội không phải là vấn đề mới mà diễn ra ở hầu hết các tỉnh, thành phố và nhiều doanh nghiệp thuộc các loại hình kinh tế, doanh nghiệp có vốn đầu tư  nước ngoài và kể cả doanh nghiệp nhà nước. Nhiều trường hợp doanh nghiệp xuất trình bảng lương của người lao động với cơ quan thuế cao hơn nhiều so với xuất trình sổ lương của người lao động với cơ quan BHXH. Số nợ BHXH ước tính đến giữa năm 2017 đã là 14.019 tỷ đồng. 

Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng đề nghị tăng mức phạt và có sự tham gia của cơ quan thuế: Cơ quan thuế có thể sẽ thực hiện đồng thời việc thu thuế và thu các khoản bảo hiểm bắt buộc của các đơn vị sử dụng lao động. Qua đó, sẽ hạn chế tình trạng chây ì, trốn đóng bảo hiểm xã hội và tình trạng 2 sổ lương như hiện nay. Nhiều doanh nghiệp lợi dụng lương tối thiểu để làm cơ sở đóng BHXH. Do đó, nếu tiến tới liên thông giữa cơ quan thuế và cơ quan BHXH để thu BHXH theo tiền lương. Doanh nghiệp kê khai thuế và căn cứ quyết toán chi phí lao động để khấu trừ thuế thì doanh nghiệp sẽ phải đóng BHXH đúng với mức lương của người lao động được hưởng..., từ đó chấm dứt được tình trạng 2 sổ lương như hiện nay. 

B.T – TTXVN