Nhiều doanh nghiệp "cù nhầy" nợ bảo hiểm

Thứ bảy, 12/06/2021 16:14

Nhiều doanh nghiệp tại Đà Nẵng nợ bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) kéo dài đã ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của người lao động. Một số chây ì qua nhiều năm đã được lập hồ sơ chuyển cơ quan Công an đề nghị khởi tố về hành vi trốn đóng BHXH.

BHXH Đà Nẵng làm việc với Công an TP Đà Nẵng về quy chế phối hợp xử lý các đơn vị nợ BHXH, BHYT, BHTN. 

Đang có hơn 7.000 doanh nghiệp nợ tổng số tiền 326,4 tỷ đồng

Theo thống kê của BHXH TP Đà Nẵng, tính đến hết tháng 5-2021, toàn thành phố có 7.059 đơn vị để nợ BHXH, BHYT, BHTN với tổng số tiền 326,408 tỷ đồng. Trong số này có 2.737 đơn vị nợ từ 3 tháng trở lên với tổng số tiền gần 232 tỷ đồng. Các đơn vị có tình trạng nợ kéo dài qua nhiều năm được công khai như Cty CP Cơ khí - Lắp máy Sông Đà Chi nhánh 5 nợ 11 tỷ đồng, Cty Cơ khí ô-tô và thiết bị điện Đà Nẵng là 11,4 tỷ đồng, Cty Cổ phần Lilama 7 nợ 5,3 tỷ đồng, Cty TNHH Empire Hospitality 7 tỷ đồng, Chi nhánh II - Cty CP Công nghiệp Quảng An I tại Đà Nẵng nợ 6 tỷ đồng. BHXH Đà Nẵng chỉ ra nguyên nhân chủ yếu của tình trạng "ngâm nợ" này là do doanh nghiệp làm ăn thua lỗ trong thời gian dài, do tác động của dịch bệnh khiến sản xuất kinh doanh ngưng trệ hoặc không có lãi. Tuy nhiên, vẫn có một số đơn vị cố tình chây ì trong việc thực hiện nghĩa vụ của mình đối với người lao động. 

Một số đơn vị, sau khi có kết luận của cơ quan Thanh tra BHXH đã buộc phải chấp hành đóng tiền nợ cộng thêm lãi suất ngân hàng. Đơn cử, Chi nhánh Sông Đà 11.5 Thăng Long thuộc Cty TNHH MTV Sông Đà 11 Thăng Long để nợ BHXH, BHYT, BHTN và tiền lãi với tổng số tiền hơn 500 triệu đồng. Cuối quý I-2021, sau khi có kết luận thanh tra và liên tục được đôn đốc, Cty này đã chuyển trả dứt điểm số tiền nợ hơn 513 triệu đồng. Hai Cty TNHH MTV The Blues và Cty CP Thương mại Vinatex Đà Nẵng cũng vừa thực hiện xong kết luận thanh tra của BHXH thành phố, chuyển trả hơn 2,4 tỷ đồng tiền nợ thực hiện nghĩa vụ của mình. Tuy nhiên, bên cạnh đó có nhiều doanh nghiệp "cù nhầy", trốn tránh trách nhiệm, tìm mọi lý do để không thực hiện đóng nợ hoặc đóng nhỏ giọt sau khi có kết luận của cơ quan thanh tra. Điển hình như Cty CP Cơ khí - Lắp máy Sông Đà - Chi nhánh 5 nợ BHXH, BHYT, BHTN và lãi chậm đóng tổng cộng hơn 11,169 tỷ đồng trong thời gian hơn 50 tháng. Sau khi bị thanh tra, doanh nghiệp này chỉ chuyển hơn 5 tỷ đồng tiền nợ, số còn lại hơn một nửa thì dây dưa đến nay chưa nộp. 

Chuyển cơ quan Công an làm rõ nhiều doanh nghiệp trốn đóng BHXH

Theo quy định, đối với đơn vị nợ dưới 3 tháng, ngành BHXH theo dõi, làm việc trực tiếp, lập biên bản và gửi văn bản đôn đốc thường xuyên. Với đơn vị nợ từ 3 tháng trở lên, sau 2 lần gửi văn bản nhắc nhở mà không thực hiện, BHXH thành phố sẽ lập biên bản và tiến hành thanh tra đột xuất, đồng thời phối hợp các đơn vị chức năng lập đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành để xử lý. Sau khi thực hiện các bước trực tiếp làm việc, đôn đốc, gửi văn bản thông báo nhưng phía doanh nghiệp vẫn không chấp hành, Thanh tra BHXH hoàn tất hồ sơ chuyển Cơ quan Cảnh sát điều tra đề nghị khởi tố về tội trốn đóng BHXH. 

Mới đây, BHXH TP Đà Nẵng phối hợp Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an TP Đà Nẵng đã tiến hành làm việc với 14 đơn vị sử dụng lao động nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN, bảo hiểm tai nạn lao động- bệnh nghề nghiệp trong thời gian dài. 

Bà Phạm Thị Hiền- Phó trưởng phòng Phụ trách phòng Quản lý thu, BHXH Đà Nẵng cho biết, với việc thực hiện đồng bộ các quy định, giải pháp, số tiền nợ trong tháng 3-2021 giảm 55,348 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước, giảm 87,230 tỷ đồng so với tháng 2-2021. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, trong tháng 5 số tiền nợ đã tăng hơn 12 tỷ đồng (tăng 4%) so với tháng trước đó. UBND thành phố Đà Nẵng chỉ đạo trong năm 2021 và những năm tiếp theo là hạn chế tối đa tình trạng nợ, nợ đọng, trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cũng như nâng cao hiệu quả công tác phối hợp xử lý nợ giữa các sở, ban, ngành, địa phương. TP cũng yêu cầu cơ quan chức năng xử lý nghiêm các hành vi để nợ, chậm đóng, trốn đóng các khoản bảo hiểm, bảo đảm quyền lợi cho người lao động, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, giữ vững ANTT trên địa bàn. 

Theo bà Hiền, từ đầu năm đến nay, BHXH TP tiến hành đôn đốc 47 đơn vị chưa thực hiện kết luận thanh tra đột xuất với tổng số nợ 18,128 tỷ đồng. Đơn vị cũng gửi văn bản đến các ngân hàng đề nghị cung cấp thông tin tài khoản các đơn vị nợ, thực hiện trích chuyển tài khoản đối với đơn vị không thực hiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Bên cạnh đó, BHXH TP cũng phối hợp Công an TP, Sở LĐ-TB&XH, Liên đoàn Lao động TP mời các đơn vị nợ lên làm việc để đôn đốc thực hiện nghĩa vụ với người lao động. Trong quá trình xử lý, ngành BHXH cũng phát hiện các đơn vị nợ lớn, kéo dài, trốn đóng nhưng tiếp tục đăng ký tham gia BHXH, BHYT tại một nơi khác.

Liên quan đến câu chuyện pháp lý người lao động có thể khởi kiện doanh nghiệp ra tòa nếu bị nợ lương, nợ BHXH kéo dài, bà Hiền cho biết, trước đây ngành BHXH cũng từng có thời gian dài đồng hành với người lao động trong chuyện này. Đơn cử như vào năm 2019 đã phối hợp tổ chức Công đoàn bảo vệ quyền lợi cho gần 200 hồ sơ của người lao động ủy quyền khởi kiện, thắng kiện một doanh nghiệp với tổng số tiền hơn 6 tỷ đồng. Tuy nhiên đây cũng là một câu chuyện tế nhị, chẳng đặng đừng, buộc phải thực hiện khi không còn lựa chọn nào khác.

Theo các quy định cũ thì BHXH ký kết qua quy chế phối hợp liên ngành với tòa án đứng ra bảo vệ cho người lao động. Nhưng quy định mới thì việc này đã giao cho tổ chức Công đoàn. Về vai trò của mình, BHXH TP Đà Nẵng đã hoàn chỉnh và chuyển hồ sơ 6 doanh nghiệp trốn đóng BHXH cho cơ quan Công an, 10 bộ hồ sơ khác cũng đang trong quá trình hoàn tất thủ tục. Được biết, hiện Cơ quan Cảnh sát Điều tra đang xem xét 1 hồ sơ đủ các yếu tố để khởi tố về hành vi trốn đóng BHXH.

CÔNG KHANH