Nhiều giải pháp quyết liệt trấn áp tội phạm hình sự
Kể từ khi các hoạt động kinh tế xã hội được phục hồi trong trạng thái "bình thường mới" thì tội phạm hình sự tại Đà Nẵng lại diễn biến phức tạp. Nổi lên hiện nay là hoạt động của các nhóm tội phạm trộm cắp tài sản, cướp giật, lừa đảo. Đơn cử, chỉ trong quý I vừa qua, Đà Nẵng đã xảy ra 43 vụ trộm cắp, đa số là trộm xe máy và trộm đột nhập vào nhà dân. Thượng tá Trần Nam Hải- Trưởng phòng Cảnh sát Hình sự (CSHS) Công an TP Đà Nẵng cho biết, tội phạm hình sự trên địa bàn thời gian tới dự báo vẫn diễn biến phức tạp, gia tăng xu hướng trẻ hóa và hoạt động dịch chuyển của các nhóm đối tượng tội phạm ngoại tỉnh vào Đà Nẵng.
Ngoài ra, tình trạng thanh thiếu niên sử dụng hung khí đánh nhau, gây rối trật tự công cộng trên đường phố vẫn tiềm ẩn nguy cơ diễn biến phức tạp. Đặc điểm của các nhóm đối tượng này hầu hết đều sử dụng mạng xã hội để liên lạc, kết nối, hoạt động tự phát, không có kết cấu tổ chức chặt chẽ, nhiều đối tượng đang là học sinh. Thời gian qua, Công an TP Đà Nẵng đã tập trung điều tra, xử lý và xóa 7 nhóm với 45 đối tượng.
Trước thực trạng trên, để ngăn ngừa và đấu tranh hiệu quả với các loại tội phạm hình sự cần triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp, trong đó trước hết phải làm tốt công tác nghiệp vụ cơ bản. Theo Thượng tá Trần Nam Hải, mỗi loại tội phạm sẽ có đặc thù nhất định do đó phải có giải pháp phòng ngừa, đấu tranh riêng. Cụ thể, với tội phạm trộm cắp, cần tuyên truyền, nâng cao ý thức cảnh giác của người dân, không để sơ hở (như ngủ quên đóng cửa sổ, dựng xe máy nơi vắng vẻ không khóa cổ…) tạo điều kiện để các đối tượng gây án.
Trong hoạt động nghiệp vụ, lực lượng CSHS quận, huyện cần lên sơ đồ vị trí và có phương án phòng ngừa tội phạm trộm cắp, cướp tài sản tại các cơ sở kinh doanh có cất giữ, lưu hành tiền mặt lớn, các hộ gia đình, cá nhân có điều kiện kinh tế mà đối tượng có thể nhắm vào để gây án. Các cơ sở tín dụng, ngân hàng, tiệm vàng… phải được đảm bảo tốt các biện pháp bảo vệ cũng như phương án thông tin liên lạc, xử lý tình huống tội phạm gây án cướp, cướp giật, trộm cắp.
Bên cạnh trộm cắp tài sản, tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người dân hiện cũng diễn biến phức tạp. Nhiều vụ lừa đảo với thủ đoạn tinh vi thông qua các mạng xã hội, chiếm đoạt tài sản của người dân đã diễn ra. Đấu tranh, ngăn chặn loại tội phạm này bên cạnh các giải pháp nghiệp vụ của Công an rất cần ý thức cảnh giác cao của người dân. Việc tuyên truyền, phổ biến các phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo có ý nghĩa quan trọng trong công tác phòng ngừa. "Cần thường xuyên làm tốt công tác nắm tình hình trên không gian mạng, chú ý nhận diện, phát hiện các app, website, tài khoản mạng xã hội, fanpage, các hội nhóm, diễn đàn… lợi dụng không gian mạng để quảng cáo mua bán các loại giấy tờ giả, kinh doanh tài chính- đa cấp, mua bán tiền ảo, huy động vốn…để hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Điều này sẽ giúp chủ động trong công tác phối hợp giữa các lực lượng để phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn tội phạm lừa đảo sử dụng công nghệ cao", Thượng tá Hải chia sẻ.
Một giải pháp hết sức quan trọng khác mà Công an TP Đà Nẵng đang triển khai quyết liệt để đấu tranh, ngăn chặn tội phạm hình sự đó là việc phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng, tạo địa bàn khép kín. Theo Thượng tá Trần Nam Hải, việc nắm tình hình, đánh giá sát các địa bàn, khung giờ trọng điểm để phối hợp các lực lượng như 911, lực lượng phòng chống cướp giật, lực lượng 8394, lực lượng phòng chống tội phạm của các quận huyện có ý nghĩa quan trọng. Điều này tạo thế trận khép kín, kiểm soát chặt chẽ từng con đường, tuyến phố, nhất là các khu vực trọng điểm, không để đối tượng hình sự lợi dụng hoạt động phạm tội, gây mất ANTT.
Đặc biệt, trong công tác phòng ngừa, việc thường xuyên rà soát, lên danh sách và nắm chắc diễn biến hoạt động của các đối tượng hình sự ngoại tỉnh đến cư trú trên địa bàn có ý nghĩa quan trọng. Trong đó, cần chú ý phát hiện các biểu hiện quan hệ, móc nối với đối tượng hình sự tại chỗ cũng như các biểu hiện nghi vấn phạm tội. Song song đó, cần tăng cường công tác kiểm tra, phối hợp, khai thác, thu thập, trao đổi thông tin trong quản lý, giám sát để chủ động nhận diện, phát hiện, đấu tranh triệt để với các trường hợp hướng dẫn, sản xuất, chế tạo, sử dụng hoặc mua bán, trao đổi vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, chất độc, chất cấm…ngoài xã hội và trên không gian mạng.
Về thực trạng nhức nhối các nhóm thanh niên tụ tập đánh nhau, gây rối trật tự công cộng, Thượng tá Hải cho rằng, Công an địa phương cần thường xuyên rà soát số trẻ em hư, nhất là số bỏ học, bỏ nhà, thuê trọ, sống lang thang, biểu hiện sử dụng ma túy… để có biện pháp răn đe, vận động, giáo dục phù hợp, hiệu quả. "Phải tăng cường thâm nhập các hội, nhóm kín của các đối tượng này trên mạng xã hội để nắm bắt các mâu thuẫn, biểu hiện tụ tập băng nhóm đánh nhau, có giải pháp kịp thời ngăn chặn, hóa giải", Thượng tá Hải chia sẻ.
HẢI QUỲNH