Nhiều khách sạn có nguy cơ phá sản vì “đói” khách Trung Quốc

Thứ tư, 19/02/2020 19:00

Hàng nghìn lao động ngành du lịch tỉnh Khánh Hòa mất việc, nhiều khách sạn cắt giảm hơn 50% nhân lực, thậm chí đóng cửa, doanh thu rơi "không phanh"; trong khi đó ngân hàng cảnh báo nợ xấu, gây áp lực lên các chủ khách sạn chuyên phục vụ khách Trung Quốc.

Nhiều cửa hàng phục vụ khách Trung Quốc ở Nha Trang đóng cửa im lìm.   Ảnh: Mộc Ca

Đóng cửa chờ đợi

Chưa bao giờ, những con đường phục vụ khách du lịch như Nguyễn Thiện Thuật, Trần Quang Khải, Nguyễn Thị Minh Khai... ở Nha Trang (Khánh Hòa) lại đìu hiu, vắng vẻ đến thế. Tại các cửa hàng buôn bán hàng lưu niệm và nhà hàng ăn uống, nếu ở trên đầu tấm bảng hiệu song ngữ Việt - Trung thì ở dưới là cánh cửa đóng kín. Hầu hết các tuyến phố chỉ còn lác đác vài vị khách Nga, Hàn Quốc... qua lại. Đường phố vốn ùn tắc giao thông do xe du lịch chở khách ồ ạt đổ về, thì nay trở nên thông thoáng. Chị Lê Thị Thái (làm việc tại một nhà hàng bán đồ ăn uống cho khách Trung Quốc) cho biết: "Sau nhiều ngày ế ẩm vì vắng khách, chủ nhà hàng quyết định tạm nghỉ, chờ dịch bệnh tạm lắng rồi sẽ gọi anh chị em (khoảng 20 người) đi làm lại. Còn thời gian nào thì cũng tùy thuộc vào diễn biến tình hình dịch bệnh".

Đáng chú ý, nhiều khách sạn ồ ạt mọc lên thời gian qua, với tham vọng đón khách Trung Quốc lưu trú giờ phải "hối hận" vì chưa kịp khai trương. Ông N.T.M (chủ một doanh nghiệp chuyên đón khách Trung Quốc) cho biết, 2 cửa hàng của ông phải đóng cửa và đành phải "đói" một thời gian, kéo theo nhiều nhân viên phải tạm thời nghỉ việc. "Các cửa hàng không thể chuyển sang đón khách Nga, Hàn Quốc... được vì dòng khách này không có nhu cầu mua sắm các mặt hàng lưu niệm hay nệm cao su... như khách Trung Quốc" - ông M. cho hay.

Kiến nghị giãn nợ, lãi vay

Ông Hoàng Văn Vinh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa cho biết, tuy chưa có con số cụ thể nhưng ước tính sơ bộ có hàng nghìn lao động trong ngành du lịch Khánh Hòa mất việc. Ông Vinh thở dài: "1 trong 2 khách sạn do tôi làm chủ đã đóng cửa. Tôi bị ngân hàng gây áp lực, đòi đưa nợ gốc và lãi vay trả chậm vào nợ xấu. Thật khủng khiếp vì doanh thu hiện tại gần như là số không. 2 khách sạn tôi đầu tư có hơn 300 nhân viên nhưng tôi buộc phải cắt giảm một nửa. Tuy nhiên, có những vị trí đặc thù phải giữ lại mà gồng gánh trả lương, vì nếu sa thải họ thì sau này sẽ không còn tìm được người thay thế".

Theo ông Vinh, hầu hết các doanh nghiệp phải vay ngân hàng số tiền lớn để xây dựng khách sạn. Việc khách Trung Quốc giảm sâu như hiện nay sẽ không có nguồn thu để trả lãi ngân hàng. "Nếu cứ tiếp tục kéo dài mà không có giải pháp căn cơ, thì có doanh nghiệp chỉ cầm cự thêm khoảng 3-4 tháng nữa rồi phá sản thôi" - ông Vinh lo lắng và cho biết sẽ đề xuất UBND tỉnh Khánh Hòa kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các ngân hàng áp dụng việc giãn nợ vốn vay, giảm lãi suất cho các doanh nghiệp du lịch, khách sạn... Bên cạnh đó, các doanh nghiệp làm du lịch phụ thuộc vào khách Trung Quốc cũng đã rút ra bài học sâu sắc. "Việc cơ cấu lại nguồn khách, trong đó tập trung vào khai thác khách nội địa và các dòng khác như Nga, Hàn Quốc... là điều phải làm nhưng cần một khoảng thời gian nhất định chứ không thể ngày một ngày hai" - ông Vinh chia sẻ.

MỘC CA – PHƯỚC TÂY