Nhiều mỏ khoáng sản trúng đấu giá cao hơn 50 lần nhưng vẫn khả thi

Thứ năm, 21/11/2024 10:05

Ngày 20-11, Phòng TN&MT huyện Đại Lộc (Quảng Nam) cho biết, vừa phối hợp với Công ty đấu giá Hợp danh Hòa Thuận tổ chức đấu giá thành công quyền khai thác khoáng sản đất san lấp tại điểm mỏ ĐLBS-02 (thôn An Lợi Tây, xã Đại Nghĩa, huyện Đại Lộc). Điểm mỏ ĐLBS-02 có diện tích 11,99ha, trữ lượng theo kế hoạch phê duyệt 600.000 m3, giá khởi điểm R=3%, tiền đặt trước: 250.776.000 đồng, bước giá: 379%R =11,37%.

Điểm mỏ ĐLBS-02 trúng đấu giá cao hơn 54 lần so với giá khởi điểm.
Điểm mỏ ĐLBS-02 trúng đấu giá cao hơn 54 lần so với giá khởi điểm.

Trước đó sáng 15-11, Công ty CP đấu giá hợp danh Hòa Thuận (đơn vị được thuê thực hiện đấu giá) đã tổ chức cuộc đấu giá quyền khai thác khoáng sản đất san lấp tại điểm mỏ ĐLBS-02. Phiên đấu giá với sự tham gia của 11 doanh nghiệp, kéo dài gần 3 giờ đồng hồ và trải qua 10 vòng đấu giá. Kết quả, mỏ đất được chốt giá gần 67,8 tỷ đồng, cao hơn 54 lần so với giá khởi điểm (1,25 tỷ đồng). Doanh nghiệp trúng đấu giá là Công ty TNHH Một thành viên Tiến Anh Đạt (huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum).

Nói về kết quả trúng đấu giá trên, ông Lê Văn Quang - Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc cho biết, quá trình đấu giá diễn ra bình thường, theo đúng quy định của pháp luật. “Mức giá này so với thị trường hiện nay thì có cao hơn một chút (quy ra khoảng 113.000 đồng/m3), nhưng với mức giá đã đưa ra cho khối lượng đã phê duyệt là khả thi, không có gì bất thường đến mức để doanh nghiệp phải bỏ cọc. Có thể doanh nghiệp cũng đã tính toán đến việc đón đầu thị trường vật liệu xây dựng đang khan hiếm như hiện nay nên sẽ nộp tiền trúng đấu giá để khai thác”, ông Quang nói.

Được biết đầu năm 2023, Hội đồng đấu giá quyền khai thác khoáng sản huyện Phước Sơn (Quảng Nam) cũng đã tổ chức phiên đấu giá quyền khai thác khoáng sản mỏ cát tại thôn 2 (xã Phước Kim) với giá khởi điểm được đưa ra là 341 triệu đồng. Thế nhưng qua 50 vòng đấu giá, mỏ cát này được Cty TNHH Xây dựng - Thương mại - Dịch vụ Phước Sơn đấu và trúng đấu giá lên đến 17,3 tỷ đồng, cao hơn 50 lần.

Ông Hồ Công Điểm -Phó Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn cho biết, khi được công nhận kết quả trúng đấu giá thì doanh nghiệp đã liên hệ với ngành chức năng để hoàn thiện hồ sơ. “Thời điểm đó doanh nghiệp trúng đấu giá của nhà nước là 340.000 đồng/m3. Trong khi giá cát thị trường rơi vào ngưỡng 350.000 - 450.000 đồng m3. Bên cạnh đó, trên địa bàn các xã vùng cao của Phước Sơn chưa có mỏ cát nào, nên nguồn cát rất khan hiếm. Sau khi thăm dò đánh giá lại trữ lượng, xét thấy hiệu quả nên doanh nghiệp đã chấp nhận đầu tư. Đến thời điểm này các thủ tục pháp lý đang thực hiện gần xong, doanh nghiệp sẽ bắt tay vào khai thác sau khi có giấy phép chứ không bỏ cọc”- ông Điểm nói.

LÊ HẢI