Nhiều người bị phơi nhiễm chất độc hóa học chưa được hưởng chế độ chính sách

Thứ hai, 15/12/2014 10:34

(Cadn.com.vn) - Theo Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Quảng Nam, trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 34.870 người bị phơi nhiễm chất độc hóa học trong vùng bị quân đội Mỹ rải chất độc hóa học trong chiến tranh ở Việt Nam; trong đó có khoảng 15.000 người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị ảnh hưởng. Nhưng hiện chỉ có hơn 5.000 người qua giám định được công nhận là nạn nhân chất độc da cam và được hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng của Nhà nước.

Như vậy, số còn lại là rất nhiều, điều này xuất phát từ phương pháp giám định đối với bệnh thần kinh ngoại biên cấp tính hoặc bán cấp tính nằm trong danh mục 17 bệnh tật liên quan đến phơi nhiễm với chất độc hóa học theo quy định hiện nay.

Phần lớn những người bị phơi nhiễm chất độc hóa học trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đều có biểu hiện của bệnh thần kinh ngoại biên cấp tính hoặc bán cấp tính, tức là có sự teo lệch giữa các chi trên cơ thể. Trước năm 2013, việc giám định được thực hiện theo phương pháp: Các bác sĩ sẽ trực tiếp khám và dựa vào kết quả này Hội đồng giám định y khoa của tỉnh sẽ công nhận nạn nhân da cam.

Từ đầu năm 2014, Thông tư liên tịch số 41/2013 của liên Bộ Y tế và Bộ LĐ-TB&XH đưa ra 17 danh mục bệnh, tật, dị dạng, dị tật cơ liên quan đến phơi nhiễm chất độc hóa học; trong đó đối với bệnh thần kinh ngoại biên cấp tính hoặc bán cấp tính sẽ được giám định qua máy MRI (chụp cộng hưởng từ). Năm 2014, tỉnh Quảng Nam có 205 người bị phơi nhiễm chất độc hóa học tham gia giám định; trong đó chỉ có 20 người được công nhận là nạn nhân da cam; còn 185 người có biểu hiện của bệnh thần kinh ngoại biên cấp tính và bán cấp tính khi phân tích phim chụp qua máy MRI đều cho kết quả không đạt.

Siêu thị Big C tặng quà cho các nạn nhân chất độc da cam Đà Nẵng.

Ông Nguyễn Anh Cả, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Quảng Nam cho biết: Đa phần những người bị phơi nhiễm chất độc hóa học hiện nay đi giám định đều có biểu hiện của bệnh thần kinh ngoại biên cấp tính hoặc bán cấp tính và tuổi đã cao (gần 80 tuổi). Nhưng kết quả từ việc giám định qua máy MRI không xác định được nguyên nhân sâu xa của bệnh, mà cho rằng những người có biểu hiện bị bệnh thần kinh ngoại biên cấp tính hoặc bán cấp tính là do tuổi già gây nên. Ngay các thành viên trong Hội đồng giám định y khoa của tỉnh cũng còn nhiều ý kiến khác nhau với biện pháp giám định này. Mặt khác, việc không thống nhất phương pháp giám định ngay từ đầu dẫn tới nhiều người tham gia cách mạng cùng thời điểm, cùng sống trong vùng bị phun rải chất độc hóa học, nếu được giám định trước năm 2014 thì công nhận là nạn nhân chất độc da cam; số người còn lại tuổi càng cao, bệnh tật nặng hơn, nhưng nay mới đi giám định thì không được công nhận, gây bất bình trong dư luận.

Quảng Nam là địa phương chịu nhiều hậu quả nặng nề do chiến tranh để lại. Việc giám định những người bị phơi nhiễm chất độc hóa học cần ưu tiên trước cho những người từng tham gia kháng chiến, có công với nước, đã già yếu bệnh tật, vì vậy rất cần các bộ, ngành Trung ương có những giải pháp tháo gỡ bất cập ở trên, để đảm bảo quyền lợi chính đáng cho các nạn nhân bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam.

Đỗ Trưởng