Nhiều người “sập bẫy” lừa đảo làm việc online, vay tiền qua app

Thứ tư, 10/05/2023 07:44
Dù các cơ quan chức năng thường xuyên tuyên truyền, cảnh báo về các thủ đoạn lừa đảo thông qua “hình thức tuyển dụng làm việc online, vay tiền qua app nhưng thời gian gần đây, nhiều người dân trên địa bàn tỉnh Quảng Nam vẫn “sập bẫy”. Trong tháng 3 và 4 vừa qua, Công an TP Tam Kỳ (Quảng Nam) tiếp nhận nhiều đơn trình báo của người dân về việc bị các đối tượng lừa chiếm đoạt tài sản qua mạng xã hội.
Người dân cần cảnh giác thủ đoạn lừa đảo mới thông qua mạng xã hội.
Người dân cần cảnh giác thủ đoạn lừa đảo mới thông qua mạng xã hội.

Điển hình, ngày 4-4-2023, chị N. (trú TP Tam Kỳ) dùng điện thoại vào ứng dụng Telegram thì có tài khoản “Trang Anh” nhắn tin giới thiệu làm việc online và chị N. đồng ý. Sau đó đối tượng xin thông tin cá nhân chị N. (họ tên, nơi ở, số điện thoại…) và gửi link: https://fptvnssvip.com yêu cầu truy cập để đăng ký tài khoản làm việc online.

Chị N. làm theo hướng dẫn và tạo được tài khoản. Sau đó đối tượng hướng dẫn chị N. “like” các trang Tiktok để có tiền trong tài khoản của mình và muốn nhận được tiền thì phải chuyển tiền vào số tài khoản ….6008 ngân hàng Vpbank tên “Tran Thanh Sang” để nhận lại tiền gốc và tiền hoa hồng 30%. Ban đầu chị N. chuyển số tiền dưới 1 triệu đồng thì nhận lại được tiền gốc và thêm 30% hoa hồng. Sau đó đối tượng yêu cầu chuyển số tiền cao hơn để nhận được tiền hoa hồng nhiều hơn. Tin lời, chị N. đã nhiều lần chuyển tiền nhưng không rút tiền lại được với lý do: sai tài khoản, bị lỗi… Số tiền chị N. chuyển cho đối tượng chiếm đoạt lên đến 347 triệu đồng.

Trước đó nữa, vào ngày 22-3-2023, chị P. (trú TP Tam Kỳ) vào mạng xã hội Facebook thấy ứng dụng vay tiền “Công ty Kim An”. Do có nhu cầu vay 30 triệu đồng nên chị P. được hướng dẫn, kết nối với tài khoản “Chuyên viên -Thiên An” xưng là nhân viên hướng dẫn của công ty. Chị P. đã cung cấp thông tin cá nhân, số tài khoản… Sau đó chị P. được thông báo khoản vay đã được duyệt và giải ngân nhưng do cung cấp thông tin sai nên không chuyển được tiền và yêu cầu chị P. chuyển 10 triệu đồng vào tài khoản ….9249 ngân hàng TPBank, chủ tài khoản “Công ty TNHH TMDV Kim An” để ủy quyền sửa hồ sơ vay. Tin lời, chị P. đã chuyển số tiền trên nhưng vẫn không rút được tiền. Chị P. nhắn tin hỏi lý do thì được nhân viên thông báo là do cung cấp sai số tài khoản và yêu cầu chị P. tiếp tục nộp tiền. Chị P đã 5 lần chuyển tiền vào tài khoản của đối tượng với tổng số tiền là 105 triệu đồng.

Tại huyện Thăng Bình (Quảng Nam) cũng xảy ra 1 vụ việc với thủ đoạn tương tự. Ngày 13-3, ông T. (trú Thăng Bình) nhận cuộc gọi từ số 08188452.. tự giới thiệu là Đinh Văn Trưởng, nhân viên Công ty Truyền thông MMS Việt Nam hướng dẫn làm việc online bằng hình thức nghe nhạc, chia sẻ bài hát sẽ nhận được 20.000 đồng/lần, khi nghe nhạc hoặc chia sẻ phải chụp ảnh màn hình gửi cho Trưởng qua Telegram để nhận tiền. Ông T. đã nghe, chia sẻ 5 bài nhạc và đã nhận 100.000 đồng. Sau đó ông T. được hướng dẫn nộp tiền để bình chọn cho ca sĩ để nhận được hoa hồng từ 35% đến 50%, mỗi ngày bình chọn 2 lần. Ngày đầu ông T. làm theo và nộp số tiền 320.000 đồng và 420.000 đồng và đã nhận lại được số tiền gốc và hoa hồng gần 1,3 triệu đồng. Thấy dễ kiếm tiền, ông T. nộp tiền 2 lần vào tài khoản của Trưởng là 7 triệu đồng và 20 triệu đồng thì bị báo lỗi cú pháp nên không nhận tiền được và yêu cầu ông T. nộp thêm 20 triệu đồng, ông T. tiếp tục thực hiện chuyển tiền nhưng vẫn không nhận lại được tiền. Lúc này ông T. nhận thấy mình bị lừa nên trình báo sự việc đến Cơ quan Công an.

Theo Công an tỉnh Quảng Nam, tình hình tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua mạng viễn thông, mạng internet ngày càng diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi, mới đây nổi lên hình thức lừa đảo tuyển việc làm online, vay tiền qua app. Các đối tượng lợi dụng sự nhẹ dạ và nhu cầu kiếm tiền nhanh của bị hại, các đối tượng giả mạo tuyển cộng tác viên, nhân viên làm việc online, sau đó tạo niềm tin, hướng dẫn bị hại nộp tiền vào tài khoản của đối tượng để nhận lại tiền gốc và tiền hoa hồng từ 30% đến 50%. Khi bị hại chuyển số tiền ít (vài trăm ngàn đồng) thì nhận lại được tiền nhằm mục đích tạo niềm tin, khi bị hại chuyển số tiền lớn (từ vài triệu đến hàng chục triệu) thì đối tượng chiếm đoạt.

Về thủ đoạn cho vay tiền qua app, các đối tượng lợi dụng tâm lý vay tiền thuận lợi, nhanh chóng, không làm thủ tục, các đối tượng lập ra các trang trên mạng zalo, facebook… để tiếp cận người vay. Sau khi tiếp cận bị hại, đối tượng sẽ gửi đường link kết nối với CH Play để nạn nhân cài đặt ứng dụng vào điện thoại và làm theo hướng dẫn. Sau đó, thông tin báo app bị lỗi, nên yêu cầu bị hại phải chuyển tiền đặt cọc để mở lại app, sau khi giải ngân thì sẽ trả lại tiền cọc và tiền cho vay. Tin lời, nhiều bị hại thực hiện chuyển tiền nhiều lần để được vay và bị các đối tượng chiếm đoạt số tiền này. Công an tỉnh Quảng Nam khuyến cáo người dân cần nâng cao cảnh giác trước chiêu trò lừa đảo mới của các đối tượng trên không gian mạng.

THÀNH NHÂN