Nhiều phụ nữ sập bẫy lừa qua mạng

Thứ năm, 27/04/2017 10:18

(Cadn.com.vn) - Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam xuất hiện nhiều thủ đoạn mới để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Lợi dụng mạng xã hội, Internet, các đối tượng lừa đảo (tự xưng là người nước ngoài) kết bạn, làm quen, trò chuyện với người bị hại (chủ yếu là phụ nữ), sau đó tỏ tình, hứa gửi quà, tiền, hàng hóa có giá trị lớn và yêu cầu bị hại gửi tiền vào tài khoản do đối tượng cung cấp để chiếm đoạt.

Được con gái lập cho một nick facebook để liên hệ, gặp gỡ với bạn bè cũ, chị H.T.T (trú H. Duy Xuyên, Quảng Nam) bị lừa vì cả tin. Theo đó, một nick facebook tên là Alex thường xuyên comment, like ảnh làm quen với chị T. Khi biết được chị T. làm nghề bán thuốc Tây và có ý định mở thêm một quầy thuốc nữa Alex đã hào hứng nói sẽ cho chị vay vốn. Alex cho biết tháng 6-2017 này sẽ sang Việt Nam du lịch với bạn bè và sẽ gặp mặt chị T. nên nhờ chị đặt cọc tiền khách sạn ở TPHCM. Đổi lại Alex sẽ chuyển khoản cho chị số tiền 1.000USD để chị T. mở thêm quầy thuốc Tây. Alex yêu cầu chị T. chuyển 10 triệu đồng tiền cọc tiền khách sạn vào một tài khoản tên Uyên mà theo Alex là chủ của khách sạn đã được Alex liên hệ. Thế nhưng khi tiền vừa được chuyển đi thì tài khoản của Alex bị khóa không liên hệ được, lúc này chị T. biết mình bị lừa thì đã quá muộn.

Trường hợp chị T. vẫn còn… may mắn, thực tế đã có nhiều người bị lừa số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng. Đầu tháng 8-2016, chị N.T.H (trú TP Tam Kỳ) quen với một người nước ngoài tự xưng là Renzo Roland trên mạng xã hội facebook và thường xuyên trao đổi thông tin với nhau qua phần mềm Whatapp. Sau đó, Renzo Roland hứa chuyển tặng chị H. món quà qua đường bưu phẩm. Đến đầu tháng 1-2017, có một phụ nữ xưng tên L., giới thiệu là nhân viên Cty chuyển quà tại Việt Nam điện thoại cho chị H. và yêu cầu chị chuyển tiền đóng phí nhận hàng là 42 triệu đồng vào tài khoản do đối tượng cung cấp. Do cả tin, chị H. đã chuyển 42 triệu đồng vào tài khoản theo yêu cầu. Sau đó L. nhiều lần gọi điện cho chị H. yêu cầu đóng tiền với những lý do như phí bảo hiểm cho gói hàng, phí tham gia tài khoản trực tuyến trên mạng để nhận hàng, tổng số tiền mà chị H. đã chuyển cho đối tượng gần 600 triệu đồng mà vẫn không nhận được hàng. Đến lúc bức xúc, nghi ngờ có dấu hiệu bị lừa đảo, chị H. không gửi tiền nữa và trình báo đến cơ quan điều tra.

Cũng với thủ đoạn yêu cầu chuyển tiền để nhận hàng, chị L.T.T và P.T.T.G (trú TP Hội An) đã bị 2 đối tượng tự xưng là người nước ngoài, lừa đảo để chiếm đoạt số tiền gần 300 triệu đồng. Tất cả những trường hợp bị lừa đảo như trên đều có điểm chung là người bị hại trao đổi thông tin qua mạng, Internet, các phần mềm chat… với đối tượng, rồi nảy sinh lòng tham bị các đối tượng lừa đảo hứa gửi tiền, quà, hàng từ nước ngoài về, mặc dù người nhận đã đóng đầy đủ các loại phí theo yêu cầu của người gửi nhưng thực tế không có món tiền, quà hoặc hàng nào được gửi về địa chỉ của người nhận. Từ thực trạng trên, đề nghị người dân phải hết sức lưu ý, cảnh giác với các yêu cầu chuyển tiền qua tài khoản để được nhận hàng, quà, tiền… của các đối tượng để tránh bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản; kịp thời trình báo với cơ quan CA để ngăn chặn và xử lý nghiêm minh các đối tượng phạm pháp.

H.D