Nhiều sinh viên ngành Sư phạm ở Quảng Bình có nguy cơ không được hưởng chính sách hỗ trợ

Thứ sáu, 08/03/2024 09:47
Năm học 2023 – 2024, chỉ tiêu giao nhiệm vụ ngành Sư phạm của Trường Đại học Quảng Bình là 114 sinh viên (SV) và tổng số chỉ tiêu của Bộ GD-ĐT giao là 125 SV. Tuy nhiên, do tuyển sinh vượt chỉ tiêu nên nhiều SV ngành Sư phạm tại Trường Đại học Quảng Bình đang có nguy cơ không được hưởng chính sách theo Nghị định 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ về hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt.
Tổng số SV khóa 65 ngành Sư phạm tại Trường Đại học Quảng Bình đang cao hơn rất nhiều so với chỉ tiêu giao nhiệm vụ và chỉ tiêu của Bộ GD-ĐT.
Tổng số SV khóa 65 ngành Sư phạm tại Trường Đại học Quảng Bình đang cao hơn rất nhiều so với chỉ tiêu giao nhiệm vụ và chỉ tiêu của Bộ GD-ĐT.

Là SV năm nhất, ngành Giáo dục Tiểu học khóa 65, K.T bất ngờ khi danh sách dự kiến được hỗ trợ tiền học phí, chi phí sinh hoạt của nhà trường không có tên mình. K.T cho biết, lớp chỉ có 41 bạn có tên trong danh sách dự kiến được hưởng hỗ trợ theo Nghị định 116, có 15 SV trong tỉnh không nằm trong danh sách này (2 bạn SV ngoại tỉnh không làm đơn).

Cũng chung tâm trạng lo lắng, SV X.Đ (ngành Sư phạm Ngữ văn khóa 65) chia sẻ, Nghị định 116 nhằm khuyến khích quá trình tuyển sinh đầu vào của SV ngành Sư phạm. Tuy nhiên, tại khóa 65, Trường Đại học Quảng Bình, nhiều SV trong lớp em đang cảm thấy áp lực và hụt hẫng khi không nằm trong danh sách dự kiến được hưởng hỗ trợ. Theo X.Đ, nguyên nhân được nhà trường đưa ra là số SV tuyển sinh khóa 65 vượt quá so với chỉ tiêu giao nhiệm vụ của UBND tỉnh và của Bộ GD-ĐT. Đối với các SV vượt quá chỉ tiêu, nhà trường đang làm danh sách gửi Bộ GD-ĐT xin cấp kinh phí chi trả. Hiện vẫn chưa có thông báo số SV này có được hỗ trợ hay không.

Trước đó, ngày 24-1, Trường Đại học Quảng Bình đã gửi danh sách dự kiến SV ngành Sư phạm khóa 65 được nhận hỗ trợ học phí và sinh hoạt phí theo Nghị định 116. Điều đáng nói, có hàng chục SV trong tỉnh không có tên trong danh sách được hưởng chính sách hỗ trợ này. Đơn cử, lớp Giáo dục Tiểu học có 15 SV, lớp Sư phạm Ngữ văn có 11 SV, lớp Sư phạm Toán có 10 SV không được hưởng chính sách theo Nghị định 116. Riêng với các SV ngoại tỉnh, theo quy định không được nhận chính sách này.

Trao đổi về vấn đề này, Hiệu trưởng Trường Đại học Quảng Bình Nguyễn Đức Vượng cho biết, năm học 2023 – 2024, chỉ tiêu giao nhiệm vụ của trường Đại học Quảng Bình là 114 SV và chỉ tiêu của Bộ GD-ĐT giao là 125 SV (bao gồm cả chỉ tiêu giao nhiệm vụ). Hiện các SV khóa 65 đã gần học hết năm nhất, tuy nhiên theo ông Nguyễn Đức Vượng, nhà trường vẫn chưa có số liệu cụ thể số SV được tuyển của năm học 2023 – 2024, vì có một số SV bỏ học.

Ông Nguyễn Đức Vượng khẳng định, số lượng tuyển sinh của nhà trường năm học 2023 – 2024 vẫn trong khoảng chỉ tiêu giao nhiệm vụ và chỉ tiêu cho phép của Bộ GD-ĐT. Hiện tỉnh Quảng Bình chưa có quyết định chính thức bao nhiêu SV được hưởng hỗ trợ theo Nghị định 116, song trường đã họp và gửi danh sách đến Sở GD-ĐT. Sở sẽ tham mưu với UBND tỉnh ra quyết định.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu, hiện tổng số SV ngành Sư phạm khóa 65 tại Trường Đại học Quảng Bình đang cao hơn rất nhiều so với chỉ tiêu giao nhiệm vụ và chỉ tiêu của Bộ GD-ĐT. Cụ thể, tại Trường Đại học Quảng Bình, lớp Giáo dục Tiểu học khóa 65 có tổng số 68 SV, trong khi chỉ tiêu là 41 (CT: 41); lớp Sư phạm Toán là 38 SV (CT: 20); lớp Sư phạm Ngữ văn là 33 SV (CT: 20) và lớp Giáo dục Mầm non là 14 SV (CT: 20). Riêng lớp Sư phạm Khoa học tự nhiên chỉ tiêu giao nhiệm vụ là 24, song không tuyển được SV. Khi tuyển sinh vượt với chỉ tiêu giao nhiệm vụ và chỉ tiêu của Bộ, đồng nghĩa sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của các SV ngành Sư phạm, đáng ra sẽ được hưởng chính sách hỗ trợ theo Nghị định 116.

Trong Kết luận thanh tra nội bộ công tác tuyển sinh trình độ Đại học năm 2023 ngày 26-2-2024 của Trường Đại học Quảng Bình do Hiệu trưởng Nguyễn Đức Vượng ký cũng chỉ rõ, trường đã tuyển sinh một số ngành sư phạm (Giáo dục Tiểu học, Sư phạm Ngữ văn, Sư phạm Toán học) vượt chỉ tiêu so với số lượng theo Công văn 2466/BGDĐT ngày 24-5-2023 của Bộ GD-ĐT về việc thông báo số lượng CT dự kiến các ngành đào tạo giáo viên năm 2023.

Bên cạnh đó, việc thay đổi về cơ chế, công cụ tuyển sinh, quy trình xét lọc ảo, văn bản hướng dẫn chậm, dẫn đến khó khăn trong công tác tuyển sinh của các trường, nhất là các trường địa phương.

Đoàn thanh tra Trường Đại học Quảng Bình cũng kiến nghị Hội đồng tuyển sinh nhà trường tiếp tục làm việc với Bộ GD-ĐT để có phương án xử lý dứt điểm với số chỉ tiêu tuyển sinh vượt so với chỉ tiêu Bộ đã giao. Đồng thời, cần chủ động hơn nữa trong việc tiếp cận, cập nhật kịp thời các thay đổi về cơ chế, công cụ, quy trình, văn bản hướng dẫn của Bộ đối với công tác tuyển sinh (nhất là khối ngành Sư phạm) để có hướng dẫn cụ thể và đảm bảo quyền lợi cho số chỉ tiêu tuyển sinh vượt.

Tá Chuyên