Phiên hop thứ 20, Ủy ban thường vu Quốc hội Khóa XIII:

Nhiều ý kiến đề nghị giữ tên Dự án “Pháp lệnh Cảnh sát cơ động”

Thứ ba, 13/08/2013 11:00

(Cadn.com.vn) - Phiên họp thứ 20 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) khóa XIII khai mạc sáng 12-8 tại Hà Nội. Ngay sau khai mạc, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn chủ trì nội dung thảo luận về dự án Pháp lệnh cảnh sát cơ động.

Pháp lệnh Cảnh sát cơ động:

Nên hay không nên đổi tên?

Theo Nghị quyết số 07/2011/QH13 ngày 6-8-2011 của Quốc hội khóa XIII về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012 thì tên gọi của dự án Pháp lệnh này là “Pháp lệnh Cảnh sát Cơ động”. Tuy nhiên, trong quá trình nghiên cứu, xây dựng dự án Pháp lệnh, Chính phủ nhận thấy, tên gọi “Pháp lệnh Cảnh sát cơ động” chỉ phản ánh được một phương thức hoạt động và một bộ phận trong cơ cấu tổ chức của lực lượng này. Bởi vì, trong cơ cấu tổ chức hiện nay của lực lượng Cảnh sát cơ động bao gồm Cảnh sát cơ động, Cảnh sát đặc nhiệm và các lực lượng tham mưu, nghiệp vụ khác. Do đó, để bảo đảm tính khái quát và phù hợp với tính chất hoạt động cũng như tổ chức bộ máy của lực lượng Cảnh sát vũ trang, đồng thời thể hiện chức năng, nhiệm vụ chủ yếu của lực lượng này là trực tiếp tiến hành biện pháp vũ trang bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội; tham khảo tên gọi và mô hình tổ chức Cảnh sát vũ trang của nhiều nước, Chính phủ đề nghị thay tên gọi dự án “Pháp lệnh Cảnh sát cơ động” bằng “Pháp lệnh Cảnh sát vũ trang” cho phù hợp.

Qua thảo luận, một số ý kiến không tán thành với lập luận này của Chính phủ. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu tán thành với quan điểm của đa số ý kiến trong Ủy ban Quốc phòng và An ninh là cơ quan tiến hành thẩm tra dự án Pháp lệnh. Theo đó vũ trang là tính chất hoạt động được xác định cho 3 lực lượng: quân đội nhân dân, công an nhân dân, dân quân tự vệ; trong đó công an nhân dân gồm lực lượng an ninh nhân dân và cảnh sát nhân dân. Nếu sử dụng tên gọi cảnh sát vũ trang sẽ dẫn đến cách hiểu không thống nhất về lực lượng vũ trang và cho rằng các lực lượng cảnh sát khác trong công an nhân dân là phi vũ trang.

Bên cạnh đó, dùng tên gọi “cảnh sát vũ trang” chưa thể hiện đầy đủ tính chất, phương thức hoạt động, biện pháp công tác của lực lượng, chưa phải là tiêu chí để phân biệt lực lượng này với lực lượng trong công an nhân dân. Thực tế hoạt động, không chỉ lực lượng này mà nhiều lực lượng khác cùng sử dụng biện pháp vũ trang trong thi hành công vụ. Mặt khác tên gọi “cảnh sát cơ động” đã được sử dụng phổ biến và được quy định trong nhiều văn bản của Đảng và Nhà nước... Nên vậy, nhiều ý kiến cho rằng nên giữ tên Dự án “Pháp lệnh Cảnh sát cơ động”.

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng phát biểu tại phiên họp.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa:

Đề cao cơ chế trách nhiệm

Cần làm rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ

Ngày 12-8, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chính phủ họp phiên chuyên đề về công tác xây dựng pháp luật. Chính phủ đã nghe, thảo luận về Báo cáo Tổng kết thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường; Báo cáo dự thảo ý kiến tham gia của Chính phủ về chương VII Chính phủ; Báo cáo đề xuất của Chính phủ về nội dung Chương IX Chính quyền địa phương trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992... Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lưu ý cần làm rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, nhất là sự phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp.

Ngày 13-8, Chính phủ tiếp tục thảo luận về các dự án Luật.

Chiều 12-8, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, UBTVQH thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa. Dự án luật sẽ được trình Quốc hội khóa XIII thảo luận, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6.

Đa số các thành viên UBTVQH tán thành với sự cần thiết ban hành Luật, tuy nhiên đề nghị ban soạn thảo cần xác định rõ mục tiêu, quan điểm, nguyên tắc của dự án luật cho phù hợp với tình hình phát triển của đất nước; nghiên cứu để quy định rõ ràng, hợp lý, tránh chồng chéo, bảo đảm thống nhất, phù hợp với các luật có liên quan.

Liên quan đến điều kiện hoạt động của phương tiện tham gia giao thông, vận tải trên đường thủy nội địa, các thành viên UBTVQH đề nghị ban soạn thảo phân tích thêm về kết quả công tác đăng ký, đăng kiểm để trên cơ sở đó có điều chỉnh các quy định liên quan để quản lý phương tiện cho phù hợp với thực tế, bảo đảm an toàn cho việc giao thông trên mặt nước nói chung.

Các thành viên UBTVQH đề nghị dự thảo Luật rà soát, bổ sung các quy định liên quan đến thuyền viên và người điều khiển phương tiện; bổ sung quy định về quyền, nghĩa vụ của hành khách như: trách nhiệm bảo vệ an toàn bản thân, quyền yêu cầu chủ phương tiện bảo đảm các thiết bị an toàn khi tham gia giao thông đường thủy...

Các thành viên UBTVQH đề nghị ban soạn thảo quy định chi tiết hơn về sự phối hợp, trách nhiệm của các Bộ, ngành, chính quyền địa phương, của các cơ quan tìm kiếm và cứu nạn trong hoạt động cứu nạn. Nhiều đại biểu cũng đề nghị dự án luật cần bổ sung các quy định xử lý nghiêm trách nhiệm của người chứng kiến tai nạn mà không cứu, không báo với cơ quan chức năng...

Thu Thủy – TTXVN