Nhiều ý kiến trái chiều về cồn cát trên biển Cửa Đại

Thứ tư, 25/12/2019 20:30

Ngày 23-12, tại TP Hội An (Quảng Nam), Cục ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai (Tổng cục Phòng chống thiên tai) tổ chức Hội thảo Báo cáo tổng hợp nhiệm vụ quan trắc, diễn biến nhận định xu thế và đánh giá ảnh hưởng của cồn ngoài khơi biển Cửa Đại (TP Hội An). Hội thảo với sự tham dự của nhiều cơ quan chức năng và các nhà khoa học.

Cồn cát trên biển Cửa Đại diễn biến phức tạp.

* Cồn cát trên biển Cửa Đại nằm ngoài cửa sông Thu Bồn, xuất hiện từ năm 2017. Tháng 3-2019, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo Bộ NN&PTNT nghiên cứu, kiểm tra vì sao xuất hiện đảo cát ở biển Hội An và có giải pháp phù hợp. Sau chỉ đạo này, Bộ NN&PTNT phê duyệt đề cương nhiệm vụ với tên dự án quan trắc, giám sát, đánh giá diễn biến quá trình bồi xói khu vực cồn cát và các tác động của cồn cát tới tình hình sạt lở bờ biển Cửa Đại. Mục đích thu thập các thông tin, dữ liệu bổ sung cơ sở khoa học trong rà soát các đề xuất, điều chỉnh các giải pháp chỉnh trị Cửa Đại, bảo vệ chống sạt lở bờ biển Cửa Đại.

Báo cáo tại hội thảo cho thấy, sau một năm khảo sát và quan trắc, Viện đào tạo và khoa học ứng dụng miền Trung và các nhóm tư vấn thu thập được cồn cát trên biển Cửa Đại diễn biến bồi và xói thay đổi liên tục. Chúng dao động trong diện tích từ 11,2ha đến 14,1ha. Cụ thể, trong 18 lần quan trắc, cơ quan chức năng ghi nhận trước tháng 5 cồn cát rộng 14,1ha, nhưng đến tháng 11 còn 12,6ha; diện tích giảm 1,5ha. Điều đáng chú ý, trong năm 2019 cồn cát dịch chuyển 120 mét lên phía Bắc.

Về nguyên nhân hình thành cồn cát, Viện Đào tạo và khoa học ứng dụng miền Trung cùng nhóm tư vấn cho rằng, do bùn cát từ bờ phía Bắc và phía Nam được sóng và dòng chảy ven bờ đẩy về khu vực cửa sông Thu Bồn. Sau đó bồi tụ một khu vực bãi triều, vào mùa khô sóng biển đẩy bùn cát vào phía trong sông, khi gặp trận lũ năm 2017 đẩy ra và vun cao thành đảo cát với diện tích hơn 14ha, cách bờ biển Cửa Đại hơn 1 km.

Tiến sĩ Mai Cao Trí, thành viên nhóm chuyên gia cho rằng, diễn biến cồn cát này khá tương đồng với với xu thế dịch chuyển của một doi cát trong quá khứ. Cụ thể năm 1988, trên vùng biển Cửa Đại xuất hiện một doi cát hình thành cách bờ 2 km, mỗi năm dịch chuyển một ít và đến 1995 hợp nhất với bờ biển Cửa Đại, sau đó bị xói lở dần. "Cồn cát hiện nay trong năm 2019 dịch chuyển 120m. Như vậy, với khoảng cách 1.600m thì cần khoảng 10 năm sẽ tiến sát bờ biển Cửa Đại", ông Trí nói và cho hay, cồn cát đóng vai trò quan trọng như một nguồn cung cấp bùn cát cho bãi biển Cửa Đại đang sạt lở. Bờ biển này sẽ được phục hồi một phần do được bù cát ở cồn cát. Ngoài ra, hút cát ở các vị trí phù hợp của cồn cát bù tức thời sẽ giúp gia tăng tốc độ khôi phục bãi biển Cửa Đại.

Không đồng tình với kết quả nghiên cứu trên, ông Tạ Ngọc Tân - Vụ khoa học công nghệ hợp tác quốc tế (Tổng cục Phòng chống thiên tai) cho rằng, việc so sánh đảo cát này với đảo cát hình thành năm 1988 là "khập khiễng". Ông Tân phân tích, trước đây trên thượng nguồn sông Thu Bồn chưa có thủy điện, xây cầu cống, khai thác cát... nhiều như bây giờ. "Nhóm tư vấn đánh giá 10 năm cồn cát đi về phía Bắc, nhưng qua số liệu cho thấy như năm nay bị giảm 1,5ha thì liệu 10 năm sau còn đảo cát này không và số cát đi đâu", ông Tân thắc mắc và cho rằng, không thể lấy xu thế trước đó áp dụng vào giai đoạn này. Do vậy ông Tân mong muốn đơn vị tư vấn phải hoàn chỉnh, làm rõ các vấn đề này.

Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch UBND TP Hội An nói thêm, qua nhiều lần khảo sát cồn cát cho thấy, xu thế bồi tụ lên cồn cát là ở phía ngoài vào, chứ không phải cát bồi từ trong sông ra. "Bằng kinh nghiệm công tác nhiều năm ở Hội An, tôi thấy nguồn cát hình thành ở cồn cát có mối quan hệ mật thiết với bờ biển Cửa Đại bị sạt lở. Qua theo dõi thì thấy cát bồi vào cồn từ ngoài biển vào chủ yếu, cát từ trong sông ra rất ít. Hiện chưa có biện pháp đồng bộ thì không nên đụng đến cồn cát. Trên bờ biển Cửa Đại đang bị xói lở cũng không được can thiệp vào, nếu can thiệp thì sẽ gây sẽ xói lở khu vực lân cận", ông Hùng cảnh báo.

Như vậy có thể thấy, việc hình thành cồn cát này là vấn đề phức tạp, những kết quả nghiên cứu đến thời điểm này vẫn còn những quan điểm khác nhau. Do vậy kết thúc hội thảo, cơ quan chức năng và chính quyền địa phương đề nghị các chuyên gia cần tiếp tục nghiên cứu chuyên sâu để đưa ra các giải pháp phù hợp trong tương lai.

BÃO BÌNH