Nhìn lại 20 năm thực hiện Nghị quyết về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc

Thứ ba, 21/02/2023 09:57
Ngày 20-2, tại TP Hồ Chí Minh, Ban Chấp hành Trung ương Đảng tổ chức Hội thảo tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 12/3/2003 về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Các đại biểu chủ trì Hội thảo.
Các đại biểu chủ trì Hội thảo.

Tham dự Hội thảo có: Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương tổng kết Nghị quyết số 23; nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết; Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên; Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương tổng kết Nghị quyết số 23; Trưởng Ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương tổng kết Nghị quyết số 23.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh, sau 20 năm thực hiện Nghị quyết số 23 và các chủ trương của Đảng về đại đoàn kết toàn dân tộc, chúng ta đã đạt được nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc có lúc, có nơi chưa được quan tâm phát huy đầy đủ. Các nguồn lực, tiềm năng sáng tạo của nhân dân trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc chưa được phát huy tốt. Việc đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội có mặt chưa theo kịp yêu cầu của tình hình mới, chưa thật sâu sát các tầng lớp nhân dân và cơ sở; chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát, phản biện xã hội chưa đều.

Một số tổ chức cơ sở đảng, một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức chưa gương mẫu, chưa thực sự tôn trọng ý kiến, kiến nghị của nhân dân và giải quyết kịp thời các quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân. Quyền làm chủ của nhân dân có lúc, có nơi còn bị vi phạm; vẫn còn biểu hiện dân chủ hình thức, tách rời dân chủ với kỷ cương, pháp luật. Những điều này tác động đến việc tạo sự đồng thuận xã hội, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân.

Ông Chiến cho rằng, để tiếp tục thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, trong giai đoạn tới đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phải quán triệt trong nhận thức và hoạt động thực tiễn các quan điểm cơ bản, trong đó có quan điểm "khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc".

Sau hơn 4 tiếng đồng hồ lắng nghe các ý kiến đóng góp, tham luận của các tỉnh, thành phố, của các chuyên gia, nhà khoa học trong thực hiện Nghị quyết số 23, ông Võ Văn Thưởng khẳng định chúng ta đã nhận thức rõ, sâu sắc hơn về xây dựng và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc là một nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng, quyết định sự thành bại của cách mạng, của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

"Đây là điều đã được chứng minh trong thực tế. Phải có sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc thì chúng ta mới đánh đuổi được 2 đế quốc hùng mạnh, thống nhất được đất nước; chúng ta mới đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong công cuộc Đổi mới và gần đây nhất, cũng nhờ sự đoàn kết toàn dân tộc mà chúng ta mới vượt qua dịch bệnh. Đất nước ta trong mỗi thời điểm, đặc biệt là thời điểm khó khăn nhất thì tinh thần đoàn kết lại được khơi dậy, phát huy và có đóng góp to lớn", Thường trực Ban Bí thư nêu rõ.

Bày tỏ đồng tình với nhận định của các đại biểu cho rằng Nghị quyết số 23 được ban hành là đúng đắn, cần thiết và có giá trị thực tiễn, ông Võ Văn Thưởng nhấn mạnh việc thực hiện Nghị quyết có đóng góp to lớn vào đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước, góp phần làm cho cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế của đất nước ngày càng được nâng cao mà trong Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII có đánh giá là "cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín đất nước chưa bao giờ có được như ngày hôm nay".

Thường trực Ban Bí thư nêu rõ, đại đoàn kết toàn dân tộc là một nhiệm vụ lâu dài, thường xuyên, có ý nghĩa chiến lược. Trong thời đại hiện nay, theo ông, độc lập, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, bảo đảm lợi ích cao nhất của quốc gia dân tộc, phát huy tinh thần hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước cường thịnh, phồn vinh, hạnh phúc, phấn đấu trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045 chính là mục tiêu để dựa vào đó đoàn kết, tập hợp các tầng lớp nhân dân, người Việt Nam ở trong nước cũng như ngoài nước.Bên cạnh đó, không thể không nhắc đến vấn đề lợi ích hợp pháp của nhân dân - điểm xuất phát quan trọng của mọi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

B.T – VGP