Nhìn lại chặng đường World Cup 2022 đã trải qua: Cáo, cừu, tre và măng…

Thứ năm, 08/12/2022 10:35
Có nằm mơ cũng không ai nghĩ các cầu thủ Tây Ban Nha lại sút hỏng liên tiếp 3 quả penalty trong loạt “đấu súng” với Marocco; cũng không ai nghĩ đến Bồ Đào Nha bị Hàn Quốc hạ 2-1 lại “làm gỏi” Thụy Sỹ đến 6-1. Nhưng đó là thực tế diễn ra ở 2 trận đấu cuối cùng của vòng 1/8. Nhưng rất có thể đó là điều được tính toán từ trước...
Thủ môn Bounou (Morocco) cũng lập hat-trick cứu thua trong loạt sút luân lưu với Tây Ban Nha.
Goncalo Ramos (Bồ Đào Nha) lập hat-trick đầu tiên tại World Cup. 2022.

Brazil của HLV Tite bị chỉ trích thậm tệ khi để thua Cameroon 0-1 ở lượt cuối vòng bảng. Tương tự là Bồ Đào Nha của HLV Santos, sau trận thua bạc nhược 1-2 trước đại diện châu Á Hàn Quốc. Nhưng, có lẽ những phát ngôn “độc địa” kia phải rút lại khi chứng kiến màn trình diễn không thể tuyệt vời hơn của họ ở vòng knock-out.

Bóng đá đơn thuần cũng là một trò chơi, không trách người trong cuộc phải so đo, tính toán. Kết quả, người có mặt ở cuối chặng đường mới là người cao tay nhất. Còn quá sớm để khẳng định tính toán của Tite và Santos là tuyệt đối hoàn hảo, nhưng ít nhất lúc này họ là người vẫn còn có mặt ở Tứ kết, cười mỉm nhìn những ai trước đó đã xem thường họ.

Những trò “nghi binh” không hiếm trong bóng đá, nhưng cái cách mà Brazil và Bồ Đào Nha làm đã khiến người ta tin là họ “yếu” thật. Thắng chật vật Serbia (2-0), Thụy Sỹ (1-0) rồi để thua Cameroon (0-1), Selecao Nam Mỹ đã khiến ít nhất một đối thủ (Hàn Quốc) lầm tưởng. Tương tự, toát mồ hôi với trận thắng sát nút 3- 2 trước Ghana, 2-0 trước Uruguay, thua “tủi nhục” 1-2 trước Hàn Quốc, Bồ Đào Nha cứ để cho người ta hả hê với các câu chuyện lùm xùm quanh Ronaldo với đồng đội, với HLV, với MU… Rồi trong giây phút quyết định, họ tung đòn.

Ai cũng thừa biết HLV Tite và Santos là “cáo già”, nhưng không ngờ rằng các vị ấy lại giấu bài kiên trì đến thế. Thầy nào trò ấy, xộc xệch, chấn thương, vật vờ… cứ như là xác sống. Đến khi những đối thủ nhận ra tất cả chỉ là “trò chơi sắp đặt”, đã trễ hoặc quá trễ để đối phó.

Chiến thắng theo cách nào không quan trọng, quan trọng là làm cách nào để chiến thắng. Quan điểm từng bị chê bai của Mourinho, bây giờ người ta lại đua theo. Phương pháp mà Morocco áp dụng trước Tây Ban Nha chẳng phải đã tận dụng triệt để theo hướng này? Hơn 120 phút đẩy thầy trò HLV Luis Enrique vào thế bế tắc, họ hạ gục đối thủ trên chấm 11m. Tệ hơn, thủ môn Bounou của họ còn khiến Tây Ban Nha nhận lấy kỷ lục buồn khi không cho đối thủ cơ hội nào trong 3 quả sút penalty liên tiếp. Còn thầy trò HLV Enrique, chiến thắng “hủy diệt” 7-0 ở trận ra quân trước Costa Rica có nghĩa lý gì khi phải xách valy về nước trong cơn cuồng nộ của các fan xứ sở bò tót?

Thủ môn Bounou (Morocco) cũng lập hat-trick cứu thua trong loạt sút luân lưu với Tây Ban Nha.

Trở lại với 2 trận đấu đêm ngày 6 rạng sáng 7-12, có một bữa tiệc nóng và một mâm đồ nguội. Nếu như những bàn thắng liên tiếp của Goncalo Ramos (17', 51', 67'), Pepe (33'), Guerreiro (56'), Leao (90'+2) ở phía Bồ Đào Nha và Akanji (58') phía Thụy Sỹ khiến người xem ngộp thở vì hào hứng thì hơn 120 phút cả chính lẫn phụ mà Tây Ban Nha và Morocco thật sự thử thách người xem về lòng kiên trì. Người ta chắc chắn sẽ đặt câu hỏi vì sao HLV Santos không tiếp tục giấu bài khi tung ra “tuyệt chiêu” Goncalo Ramos, cũng như thắc mắc tại sao đội bóng mài mòn sân cỏ của hàng chục kỳ World Cup như Tây Ban Nha lại như chú “cừu non” dù biết trước tân binh Morocco đã giăng sẵn bẫy chờ đón?... Song cũng nên đặt giả thuyết, 2 HLV Tite lẫn Santos vẫn còn giấu bài tủ, vẫn còn lắm “tuyệt chiêu” chưa mang ra, để tiếp tục dành sự ngạc nhiên cho đối thủ lẫn người xem?.

Cũng ở 2 trận cuối vòng 1/8, ngoài tâm điểm là hat-trick ghi bàn của Goncalo Ramos, hat-trick cản phá penalty của Bounou, bùng lên tâm điểm Ronaldo. Thậm chí, phong độ và thái độ của Ronaldo còn tốn kém giấy mực và dung lượng mạng xã hội nhiều hơn với sự kiện mang tính lịch sử: lần đầu tiên CR7 bị đẩy lên ghế dự bị và hat-trick không ghi bàn 3 trận liên tiếp ra sân cho tuyển xứ Bồ. Kéo theo đó là hằng hà sa số dự đoán, so sánh về tương lai của Ronaldo: chiếc băng đội trưởng, bến đỗ mới, đối trọng Messi…

World Cup 2022 hiện vẫn chưa kết. Những giả thuyết sẽ phải chờ thời gian để chứng minh đâu mới là đội bóng, HLV, cầu thủ gặt hái vinh quang cao nhất. Còn đó Pháp, Anh, Argentia, Didier Deschamps, Louis van Gaal, Mbappe, Messi, Neymar chứ không riêng gì Bồ Đào Nha, Santos hay Ronaldo. “Đường dài mới biết ngựa hay”, biết đâu đó, Ronaldo đang phủ lên mình lớp vỏ “vô hại” để chờ giây phút ghi dấu ấn trong kỳ World Cup được dự báo là cuối cùng của sự nghiệp?

Tre già măng mọc, sự sa sút của Ronaldo hay phong độ rực sáng của Goncalo Ramos cũng nằm trong quy luật tất yếu ấy. Song đừng lấy niềm vui của Goncalo Ramos để gán nỗi buồn cho CR7. Có thể thực tế diễn ra ngược lại, nếu đặt quyền lợi của đội tuyển lên cao nhất. Đừng quên, Ronaldo cũng là một “cáo già”, ít nhất từ kỷ lục người ghi bàn nhiều nhất cho tuyển Bồ Đào Nha, cầu thủ đầu tiên 5 lần dự và ghi bàn ở World Cup.

T.S

Lịch thi đấu vòng Tứ kết

* 22 giờ 00, 9-12: Croatia - Brazil (trực tiếp VTV2)

* 02 giờ 00, 10-12: Hà Lan - Argentina (trực tiếp VTV3)

* 22 giờ 00, 10-12: Morocco - Bồ Đào Nha (trực tiếp VTV2)

* 02 giờ 00, 11-12: Anh - Pháp (trực tiếp VTV3)