Nhìn lại thế giới năm 2022

Thứ tư, 18/01/2023 13:30
Thế giới năm 2022 chứng kiến những thay đổi nhanh chóng và bất ngờ, tác động tới mọi mặt đời sống con người, từ xung đột, bất ổn kinh tế, đến thiên tai, dịch bệnh...

Xung đột Nga - Ukraine

Ngày 24-2, Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Xung đột trở thành tâm điểm chú ý toàn cầu. Chiến sự Ukraine đã khiến căng thẳng giữa Nga và phương Tây leo thang ở mức chưa từng thấy. Mỹ và các đồng minh NATO áp dụng loạt biện pháp trừng phạt Nga, tăng cường hỗ trợ quân sự cho Ukraine, tìm các biện pháp nhằm cô lập Nga và giảm nguồn thu từ dầu mỏ của nước này. Đáp lại, Nga tăng cường quan hệ với các nước ở châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ, đồng thời tuyên bố sẽ không ngừng chiến dịch quân sự tại Ukraine cho đến khi đạt được mục tiêu. Sau hơn 10 tháng giao tranh, chiến sự đến nay chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Cựu Thủ tướng Shinzo Abe bị ám sát

Cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe bị ám sát trong lúc đang phát biểu vận động tranh cử cho Đảng LDP tại thành phố Nara ngày 8-7. Vụ ám sát gây sốc cho cả nước Nhật và thế giới, bởi Nhật Bản là quốc gia hiếm khi xảy ra các vụ bạo lực súng đạn. Nghi phạm Tetsuya Yamagami, 41 tuổi, tuyên bố ám sát ông Abe vì cho rằng ông liên quan tới tổ chức tôn giáo mà mẹ y tham gia và bị họ làm cho khánh kiệt.

Nắng nóng kỷ lục trên toàn thế giới

Thế giới đã trải qua một mùa hè năm 2022 chìm trong “hỏa ngục”. Tại Châu Âu, các đợt nắng nóng trong mùa hè vừa qua đã khiến khoảng 20.000 người thiệt mạng. Tại thủ đô Paris (Pháp) và London (Anh), nhiệt độ được ghi nhận trên ngưỡng 40 độ C. Nhiều khu vực ở Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha nhiệt độ vượt mức 44 độ C. Bên kia Đại Tây Dương, nhiệt độ cao nhất được ghi nhận là 46 độ C tại Texas và Oklahoma (Mỹ). Tại châu Á, nhiều thành phố của Trung Quốc ban bố cảnh báo đỏ cao nhất, khi nền nhiệt nhiều khu vực đã vọt lên trên 44 độ C. Nắng nóng cũng gây ra hàng trăm vụ cháy rừng trên khắp thế giới. Các chuyên gia nhận định, nhiệt độ nền tăng cao bất thường là hệ quả của thực trạng biến đổi khí hậu đang diễn ra trên toàn cầu.

Nữ hoàng Elizabeth II qua đời

Nữ hoàng Elizabeth II, vị quân vương tại vị lâu nhất của Vương quốc Anh, qua đời ngày 8-9 ở tuổi 96 sau hơn 70 năm trị vì. Dù không nắm thực quyền trong chế độ quân chủ lập hiến, nhưng trong suốt hơn 70 năm trị vì, Nữ hoàng Elizabeth II đã trở thành một biểu tượng quốc gia, đã giúp hiện đại hóa chế độ quân chủ qua nhiều thập kỷ thay đổi xã hội to lớn. Ngay sau khi Nữ hoàng Elizabeth II băng hà, Thái tử Charles trở thành vua của Vương quốc Anh.

Sóng gió chính trường Anh

Ngày 7-7, Thủ tướng Anh Boris Johnson tuyên bố từ chức lãnh đạo đảng Bảo thủ cầm quyền, cũng có nghĩa là ông sẽ mất chức thủ tướng Anh. Động thái này diễn ra khi có tới hơn 50 bộ trưởng, quốc vụ khanh và các quan chức cấp cao trong chính phủ của ông Johnson đệ đơn từ chức. Đảng Bảo thủ sau đó bắt đầu quy trình bầu người kế nhiệm. Ngoại trưởng Liz Truss đã vượt qua cựu Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak trong vòng bỏ phiếu cuối cùng để trở thành thủ lĩnh mới của đảng cầm quyền, qua đó trở thành tân Thủ tướng. Tuy nhiên, chỉ sau 44 ngày, bà Truss tuyên bố từ chức sau khi không thể thực hiện các lời hứa lúc tranh cử, trở thành thủ tướng có nhiệm kỳ ngắn nhất trong lịch sử nước Anh. Ngày 25-10, cựu Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak (42 tuổi) chính thức thay thế bà Truss, trở thành thủ tướng trẻ nhất của Anh trong hơn 200 năm.

Bầu cử giữa kỳ Mỹ

Bầu cử giữa nhiệm kỳ được cho là thời điểm để đảng đối lập tỏa sáng. Tuy nhiên, trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vừa qua, đảng Cộng hòa đã giành lại được Hạ viện trong khi đảng Dân chủ tiếp tục kiểm soát Thượng viện. Việc có thể giữ lại quyền kiểm soát Thượng viện là một “điểm cộng” rất lớn đối với Tổng thống Joe Biden trong hai năm còn lại của nhiệm kỳ. Chiến thắng này giúp đảng Dân chủ ở Thượng viện có thể bác bỏ các dự luật đã được Hạ viện thông qua và có thể xây dựng chương trình nghị sự của riêng mình.

Dịch chồng dịch

ịch chồng dịch Đầu tháng 12, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh sau gần 3 năm bùng phát, đại dịch COVID-19 vẫn gây ra tình trạng khẩn cấp toàn cầu. Nói cách khác, WHO chưa thể tuyên bố chấm dứt đại dịch COVID-19. Với đại dịch COVID-19, có thể nói 2022 là năm của “cơn sóng thần” Omicron và các biến thể phụ, khi hiện nay có hơn 500 dòng phụ của biến thể Omicron đang lưu hành. Cùng với COVID-19, thế giới cũng phải đối phó với sự lan rộng của bệnh đậu mùa khỉ. Ngày 23-7, WHO đã ban bố “tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu” đối với bệnh đậu mùa khỉ. Kể từ khi bùng phát vào tháng 5 và nhanh chóng lây lan trên thế giới, đến nay đã ghi nhận hơn 81.000 ca mắc tại hơn 110 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có hơn 200 ca tử vong. Hiện số ca mắc bệnh đậu mùa khỉ đang có chiều hướng giảm, nhưng vẫn ở mức trên 100 ca/ngày.

Dân số thế giới cán mốc 8 tỷ người

Ngày 15-11-2022 trở thành cột mốc mới trong hành trình phát triển của xã hội loài người khi dân số thế giới chính thức đạt 8 tỷ người. Dấu mốc 8 tỷ người đạt được 12 năm sau khi dân số toàn cầu chạm ngưỡng 7 tỷ, đã tạo thêm động lực mạnh mẽ cho sự phát triển, đồng thời cũng mang tới không ít thách thức trên hành trình hướng tới một tương lai bền vững cho tất cả mọi người.

Trung Quốc nới lỏng các biện pháp chống COVID-19

Sau gần 3 năm kiên trì với “zero COVID”, đầu tháng 12 vừa qua, Trung Quốc đã điều chỉnh chính sách phòng chống dịch COVID-19 theo hướng nới lỏng hơn các biện pháp kiểm soát. Đây là nỗ lực rất lớn của Bắc Kinh nhằm tối ưu hóa các biện pháp ứng phó với dịch để dần khôi phục các hoạt động kinh tế và xã hội. Theo các chuyên gia, việc thay đổi chính sách này là một bước tiến lớn, và hy vọng Trung Quốc sẽ tái mở cửa hoàn toàn biên giới trước giữa năm 2023.

COP27: Lập Quỹ “Tổn thất và thiệt hại”

Hội nghị lần thứ 27 Các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP27) tại thành phố Sharm El-Sheikh (Ai Cập) đã nhất trí thiết lập một quỹ đền bù cho những nước nghèo và đang phát triển chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu. Chủ tịch COP27 Sameh Shoukry đánh giá việc thành lập Quỹ là “một thành tựu lịch sử” sau 27 năm đàm phán. Từ kết quả của COP27, các bên kỳ vọng sẽ tiếp tục đạt được thêm tiến triển về hành động khí hậu tại Hội nghị COP28, dự kiến diễn ra tại Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) vào năm tới.

GIA NGHI