Nhìn từ vụ nữ nhân viên ngân hàng chiếm đoạt hơn 50 tỷ đồng (Kỳ cuối: Cái kết đắng)
Sau thời gian nghị án kéo dài, ngày 16-7, TAND tỉnh Nghệ An đã tuyên án đối với Nguyễn Thị Lam, Đặng Đình Hồng và 13 bị cáo khác. Đằng sau bản án ấy là nhiều số phận, nhiều cuộc đời, nhiều gia đình... phải gánh chịu hậu quả.
Đại điện Eximbank cho biết không chối bỏ trách nhiệm của mình với khách hàng. |
Làm rõ đường đi của số tiền chiếm đoạt
Xuyên suốt phiên tòa, HĐXX tập trung làm rõ đường đi của số tiền Lam chiếm đoạt từ các sổ tiết kiệm của các khách VIP. Bị cáo Nguyễn Thị Lam thừa nhận có quan hệ tình cảm cá nhân với Nguyễn Trung Hiếu (trú TP Vinh). Lam có chuyển qua tài khoản Hiếu và người thân của anh Hiếu 26,8 tỷ đồng và Lam đã lấy số tiền này. Sau đó, Lam cho anh Hiếu vay 12 tỷ đồng từ số tiền này mà không cần giấy biên nhận.
Trước đó, trong quá trình điều tra, Nguyễn Trung Hiếu thừa nhận có việc vay mượn này, tuy nhiên, tại phiên tòa, Hiếu phủ nhận toàn bộ lời khai trước đó và cho biết mình không mượn tiền của Lam. Theo Hiếu, hai người quen nhau từ năm 2015 và có mối quan hệ bạn bè thân thiết. Vì thấy thương bạn nên quyết định bán tài sản bố mẹ cho để lấy tiền giúp Lam trả 12 tỷ đồng này. Tuy nhiên, trong buổi xét xử ngày 28-6, Hiếu từ chối tất cả các câu hỏi của các luật sư liên quan đến vấn đề mối quan hệ cá nhân giữa mình và bị cáo Lam, từ chối các câu hỏi liên quan đến khoản tiền 12 tỷ đồng mà Lam khai cho người đàn ông này mượn.
Ngoài việc trả một số khoản cho các khách hàng VIP nói trên, Nguyễn Thị Lam khai nhận đã chuyển cho ông David Rodwell gần 7 tỷ đồng để thực hiện dự án khai thác dầu mỏ tại Malaysia. Các giao dịch, trao đổi giữa Lam và người đàn ông ngoại quốc này phần lớn thực hiện qua email. Hiện Lam không biết người đàn ông này đang ở đâu. Cơ quan chức năng cũng đã xác minh về người đàn ông có tên David Rodwell nhưng không có kết quả.
Trước đó, Nguyễn Thị Lam cũng khai cho Nguyễn Thị Mai (trú TP Vinh) vay gần 6,2 tỷ đồng. Tuy nhiên, người này đang bị lực lượng chức năng truy nã vì liên quan một vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Ngoài ra, Lam khai cho nhiều cá nhân khác vay, trả nợ cho chồng và xây nhà cho bố mẹ chồng.
Đại diện Ngân hàng Eximbank và luật sư bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của ngân hàng này khẳng định, phía ngân hàng không chối bỏ trách nhiệm của mình đối với khách hàng. Tuy nhiên, cần phải xem xét, đánh giá trách nhiệm của các khách hàng trong vụ việc. Các khách hàng buông lỏng quản lý tài khoản của mình, ký khống các ủy nhiệm chi, lệnh chi mà không đọc kỹ là yếu tố để bị cáo Lam thực hiện hành vi phạm tội.
Luật sư của Eximbank cũng cho rằng, CQĐT và VKSND tỉnh Nghệ An chưa xác định chính xác số tiền Lam chiếm đoạt. Theo cáo trạng, tổng số tiền mà bị cáo Lam chiếm đoạt của 6 khách hàng là hơn 50 tỷ đồng, bị cáo đã khắc phục được hơn 5 tỷ đồng nên phải chịu trách nhiệm hình sự cho số tiền hơn 45 tỷ đồng đã chiếm đoạt. Luật sư cũng đưa ra các bằng chứng thể hiện một số khoản tiền đã được các khách hàng nhận từ Lam như tiền khuyến mãi, tiền lãi, khoản vay ngắn hạn… với tổng cộng 6,7 tỷ đồng. Do vậy, số tiền mà bị cáo Lam chiếm đoạt là 38,7 tỷ đồng chứ không phải là 45 tỷ đồng như cáo trạng nêu.
Nguyễn Thị Lam khóc trước tòa. |
Đằng sau bản án
Như đã nói, ngày 16-7, TAND tỉnh Nghệ An tuyên án. HĐXX nhận định, hành vi phạm tội của bị cáo Nguyễn Thị Lam là nguy hiểm cho xã hội, lợi dụng lòng tin của khách hàng và đồng nghiệp để rút tiền, làm mất niềm tin khách hàng, chỉ vì muốn làm giàu phi pháp đã thực hiện hành vi phạm tội trong thời gian dài. Bị cáo có các tình tiết xem xét giảm nhẹ như thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, phạm tội lần đầu, đã khắc phục một phần hậu quả, được bị hại đề nghị giảm nhẹ hình phạt... Tuy nhiên, bị cáo chiếm đoạt số tài sản lớn, phạm tội nhiều lần kéo dài thời gian, nên cần xử phạt nghiêm minh.
Đối với các bị cáo nguyên nhân viên Eximbank đã làm trái quy chế, trái quy trình nghiệp vụ có sai phạm, VKSND truy tố là có căn cứ. Hành vi của các bị cáo cũng đã xâm phạm trật tự quản lý kinh tế của nhà nước nói chung và ngân hàng nói riêng, ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu của Eximbank. Các bị cáo quá tin tưởng vào Lam đã dẫn đến phạm tội.
HĐXX tuyên án Nguyễn Thị Lam tù chung thân về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, Đặng Đình Hồng 5 năm tù về hành vi “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. 13 bị cáo khác nguyên là nhân viên của phòng giao dịch Eximbank Đô Lương và phòng tín dụng Eximbank chi nhánh Vinh bị tuyên án từ 6 tháng cải tạo không giam giữ đến 3 năm tù, thử thách 5 năm được hưởng án tù treo về hành vi “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Riêng bị cáo Bùi Văn Trường (1974) được miễn hình phạt. HĐXX cũng tuyên kê biên mảnh đất của Nguyễn Thị Lam mua ở TP Vinh bằng số tiền đã chiếm đoạt (trị giá hơn 2 tỷ đồng), tiếp tục duy trì lệnh kê biên mảnh đất và căn nhà 3 tầng ở TP Vinh của Nguyễn Trung Hiếu - người được Nguyễn Thị Lam khai cho vay 12 tỷ đồng từ số tiền chiếm đoạt để khắc phục hậu quả do nữ bị cáo này gây ra cho phía Eximbank.
Về dân sự, buộc bị cáo Lam bồi thường cho Eximbank tổng cộng 17,5 tỷ đồng và chịu mức án phí dân sự sơ thẩm 125,59 triệu đồng. Buộc Eximbank phải chịu trách nhiệm tất toán toàn bộ tiền gốc, tiền lãi cho 6 khách hàng trong vụ án (đến nay Eximbank đã tạm ứng 32,2 tỷ đồng cho 2 khách hàng); buộc các khách hàng phải hoàn trả toàn bộ số tiền mà Nguyễn Thị Lam đã khắc phục trước đó cho phía ngân hàng.
Nhận bản án, Nguyễn Thị Lam khóc nức nở, khuỵu xuống, buộc các cán bộ dẫn giải phải hỗ trợ lên xe đặc chủng. Lam đau xót cũng phải thôi vì đằng sau tội lỗi của cô còn là số phận của người mẹ già, đứa con nhỏ, đồng nghiệp và gia đình.
Dương Hóa