Nhịp sống kinh tế số bên sông Hàn

Thứ sáu, 11/02/2022 22:04

Hơn 92% người dân Đà Nẵng sử dụng điện thoại thông minh kết nối Internet. Trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, hoạt động kinh doanh gần như phải hòa vào nhịp sống số mới không bị bỏ lại phía sau.

Ngoài tại chuỗi cửa hàng thì khoảng 800 sản phẩm tại Davina farm đều được đẩy lên web, fanpage và các sàn thương mại điện tử như Sendo, Shopee, Tiki, Lazada.

Buộc phải… lên mạng

Chị Ngọc Hà thuê mặt bằng trên đường Tố Hữu, Q. Hải Châu với giá 8 triệu đồng/tháng để đầu tư mở cửa hàng ăn uống. Hoạt động chưa được bao lâu thì đại dịch đến, quán buộc phải đóng cửa, khi mở lại thì thưa vắng khách. Trong điều kiện dịch bệnh, khách ngại tới quán, nếu cứ ngồi chờ, sẽ ế ẩm và thua lỗ, đóng cửa. Trước áp lực nhiều mặt buộc chị Hà phải chủ động tìm khách thông qua các nền tảng mạng xã hội. Chị Hà lập 1 trang fanpage thường xuyên đăng hình các món ăn và chịu khó chia sẻ trên nhiều hội nhóm facebook, zalo có đông thành viên. Chị cũng bỏ thêm hơn 1 triệu đồng để chạy quảng cáo trên facebook. Với cách làm giản đơn như vậy, quán chị Hà đã bán được nhiều hàng hơn, duy trì doanh thu ổn định. “Dịch bệnh nên khách ngại ra quán, ngại tiếp xúc, hình thành thói quen đặt hàng qua mạng giao tới tận nhà, đòi hỏi cửa hàng của mình phải chuyển đổi để đáp ứng thị hiếu này”, chị Hà chia sẻ. 

Ông Trần Quang Minh - Tổng giám đốc CTCP nông nghiệp CNC Davina, có siêu thị Davina farm tại 70 Phan Đăng Lưu, Q. Hải Châu cho biết, đơn vị đã triệt để ứng dụng công nghệ số để quảng bá sản phẩm và bán hàng. Ngoài 1 trang website, 1 trang fanpage luôn cập nhật quảng bá khoảng 800 sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao, công ty còn đưa hàng lên 4 sàn thương mại điện tử lớn là Sendo, Shopee, Tiki, Lazada. “Chúng tôi sử dụng phần mềm quản trị, ngồi một chỗ có thể biết được mỗi ngày tại chuỗi cửa hàng bán trực tiếp bao nhiêu sản phẩm, doanh thu bao nhiêu; rồi trên các sàn thương mại bán bao nhiêu, trên web và fanpage bán bao nhiêu, hàng nào bán chạy, hàng nào khách phản hồi nhiều… Mục tiêu của chúng tôi là, khách ngồi tại nhà, sản phẩm đến tận cửa”, ông Minh nói.

Sản xuất bên trong nhà máy Trungnam EMS tại Danang IT Park.

Với việc ứng dụng công nghệ, từng sản phẩm của công ty đều được đưa lên không gian mạng với hình ảnh, giá cả, tiêu chuẩn rõ ràng. Khách có nhu cầu chỉ cần bấm trên điện thoại thông minh đặt hàng, chuyển khoản, trong thời gian nhanh nhất sẽ được giao hàng tận nhà, đúng chất lượng. “Trong thời điểm đại dịch phức tạp, khách hàng ngại mua sắm trực tiếp, điều này đòi hỏi các đơn vị kinh doanh phải chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ mới bắt kịp thị hiếu, nhịp sống của xã hội. Nếu cứ giữ mô hình kinh doanh cũ sẽ thất bại” - ông Minh chia sẻ.

Có thể thấy, chính đại dịch đã thôi thúc kinh tế số phát triển nhanh hơn, nhiều sản phẩm, dịch vụ chuyển đổi số được ra đời và áp dụng, làm thay đổi các mô hình hoạt động truyền thống. Ông Nguyễn Tuấn Phương - Chủ tịch FPT software Đà Nẵng cho biết, chính những khó khăn từ dịch bệnh buộc phải áp dụng các mô hình làm việc, học tập, kinh doanh trên môi trường online, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số nhanh hơn, tạo ra nhiều cơ hội hơn cho doanh nghiệp phần mềm. Còn ông Hà Đức Hùng, Giám đốc công ty cơ khí Hà Giang-Phước Tường chia sẻ, hiện tất cả các tài liệu, hồ sơ, vật tư của doanh nghiệp đều được số hóa theo tiêu chuẩn quốc tế. Trước muốn tìm thông tin gì phải đi lục dữ liệu, tập hợp, làm báo cáo có khi mất cả tuần, khiến việc ra quyết định chậm, mất cơ hội. Giờ đây, vào hệ thống, tất cả dữ liệu được số hóa, ai cũng có thể xem, trích xuất, sử dụng thời gian xử lý công việc nhanh hơn, nhân sự cần ít hơn. Nhờ chuyển đổi số đã giúp doanh nghiệp hoạt động hiệu quả rõ rệt.

Xu hướng mua sắm trực tuyến ở Đà Nẵng đã phát triển mạnh sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát.

Những dự án đột phá

Để kinh tế số chiếm 20% GRDP Đà Nẵng trong 4 năm tới cần phải có lực lượng đông đảo doanh nghiệp số so với con số 7.000 hiện nay. Muốn vậy, TP cần tạo nền tảng hạ tầng CNTT hiện đại, thu hút thêm các dự án công nghệ lớn, có tính lan tỏa. Ngoài 2 khu CNTT tập trung đang hoạt động với hơn 132 ha, Đà Nẵng đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng Công viên phần mềm số 2 tổng vốn gần 1 ngàn tỷ đồng để thu hút các dự án công nghệ. Ông Nguyễn Anh Huy - Giám đốc CTCP Khu CNTT tập trung Đà Nẵng (Danang IT Park) thuộc TrungNam Group cho biết, hiện 5 nhà máy quy mô từ 4.000 - 6.000m2 /sàn, tổng vốn 1,5 ngàn tỷ đồng tại Hòa Liên đang dần hình thành và sẽ đi vào hoạt động đầu năm 2022. Riêng nhà máy Trungnam EMS đã hoạt động gần 1 năm, vừa ký đơn hàng trị giá 200 tỷ đồng với đối tác Mỹ để sản xuất trong thời gian tới. Năm 2022, Trungnam EMS dự kiến đưa vào 2 hành máy trong phân khu A2 với 20 dây chuyền sản xuất, tạo việc làm cho từ 1.000 -2.000 lao động. Ngoài ra, Danang IT Park vừa ký kết hợp tác với đối tác Singapore đầu tư trung tâm dữ liệu tổng giá trị 100 triệu USD tại đây, hợp tác sản xuất 100 ngàn máy tính bảng hỗ trợ học sinh học trực tuyến. 

Ngoài Danang IT Park, tập đoàn FPT đang đầu tư khu đô thị công nghệ trên diện tích 181 ha tại Ngũ Hành Sơn với tổng vốn 1 tỷ USD, hiện đã hoàn thiện đi vào hoạt động khu FPT Complex rộng 5,9 ha, mục tiêu thu hút 10 ngàn kỹ sư phần mềm (hiện đã có 3,4 ngàn kỹ sư làm việc). Thời gian tới, Đà Nẵng sẽ có thêm nhiều dự án công nghệ mới có tính lan tỏa. Nổi bật như tập đoàn công nghệ CMC xây dựng dự án Tổ hợp không gian sáng tạo tổng vốn 12.000 tỷ đồng trên diện tích 17,2 ha tại Hòa Xuân. Tập đoàn Viettel đầu tư cao ốc 30 tầng để sản xuất phần mềm và công nghệ cao trên khu đất 8.000m2 , tại Đảo Xanh, đầu cầu Trần Thị Lý. 

Có thể thấy, nhịp sống kinh tế số đang chuyển động mạnh mẽ bên thành phố sông Hàn. Với việc đầu tư bài bản, đúng hướng hiện nay, tương lai không xa đây sẽ là ngành kinh tế chủ lực của Đà Nẵng. 

HẢI QUỲNH