Nhờ “cò” chạy việc, tiền mất tật mang!

Thứ ba, 21/12/2021 06:51

Với mong muốn cho con em vào làm việc trong các cơ quan, đơn vị Nhà nước, nhiều người tìm đến các đối tượng “cò chạy việc” với mục đích “đi đường luồng” để nhanh được việc. Lợi dụng điều này, nhiều đối tượng lừa đảo đã tung chiêu hứa hẹn xin việc giúp với khoản tiền lo lót hàng trăm triệu đồng, nhưng rồi “tiền mất, tật mang”. Do đó, người dân cần tỉnh táo, đừng vì nóng vội xin việc mà sẵn sàng đưa tiền hối lộ, trở thành nạn nhân cho các đối tượng lợi dụng để rồi mất tiền vô ích.

Nhiều gia đình lâm vào cảnh “tiền mất tật mang” vì tin các đối tượng lừa đảo “chạy việc”.

Cuối tháng 11-2021, TAND H. Đắk Mil (Đắk Nông) đã xét xử sơ thẩm đối với bị cáo N.T.N (trú H. Đắk Mil) về tội: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Theo hồ sơ vụ án, năm 2017, bà Đ.T.H (trú xã Đắk Sắk, H. Đắk Mil) có nhu cầu xin việc cho con vào làm viên chức sự nghiệp giáo dục tại huyện Đắk Song. Khi đó, bà H. có nghe phong thanh về việc N.T.N, quen biết với nguyên lãnh đạo của huyện này và có thể giúp xin việc nên tìm gặp nhờ giúp đỡ. N. đồng ý và yêu cầu bà H. đưa tiền cho mình làm chi phí xin việc.

Trong 2 năm 2017 và 2018, bà H. đã 3 lần đưa tiền cho N. để nhờ lo xin việc giúp với tổng số tiền 170 triệu đồng. Đến năm 2020, UBND huyện Đắk Song tổ chức thi tuyển viên chức sự nghiệp giáo dục, N.T.N nói con gái bà H. đăng ký dự thi. Tuy nhiên, con gái bà H. lại không trúng tuyển nên cuối năm đó, N. viết giấy cam kết sẽ trả lại 170 triệu đồng cho bà H. Cam kết là vậy nhưng N. luôn khất lần không chịu trả nên bà H. làm đơn tố giác đến cơ quan chức năng để trình báo sự việc.

Quá trình làm việc, đại diện Phòng Nội vụ huyện Đắk Song cung cấp, tất cả thí sinh trúng tuyển kỳ tuyển dụng viên chức sự nghiệp giáo dục huyện Đắk Song năm 2020 đều tham gia quá trình thi dự tuyển, không có trường hợp nào được đặc cách, miễn thi hay tuyển thẳng. Phòng Nội vụ huyện đã tổ chức kỳ tuyển dụng theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm việc tuyển dụng là khách quan, phản ánh kết quả thi tuyển của các thí sinh, không có việc tác động, can thiệp để cho thí sinh trúng tuyển.

Tại cơ quan điều tra, N.T.N đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình. Với những chứng cứ có được, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt N.T.N 3 năm 6 tháng tù vì tội: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Tương tự, mới đây TAND H. Đắk Rlấp (Đắk Nông) cũng đã xét xử sơ thẩm, tuyên phạt bị cáo Phạm Minh T. (trú tại Hà Nội) mức án 7 năm 6 tháng tù về tội: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Theo cáo trạng, do có công việc riêng, T. đến địa bàn huyện Đắk Rlấp và tình cờ quen biết bà Ng. Qua nói chuyện, bà Ng. tâm sự có con gái đã tốt nghiệp đại học ngành tài chính ngân hàng nhưng mãi vẫn chưa xin được việc làm. Nghe vậy, T. liền nói có thể xin giúp cho con bà Ng. vào làm kế toán tại một đơn vị Nhà nước trên địa bàn tỉnh với chi phí xin việc là 400 triệu đồng.

Tin tưởng, bà Ng. đã đưa 300 triệu đồng, cùng hồ sơ xin việc với bằng cấp, thông tin cá nhân của con gái mình và nhờ T. xin việc giúp. 100 triệu đồng còn thiếu, T. nói sẽ ứng tiền của mình giúp bà Ng., khi nào có quyết định tuyển dụng thì bà Ng. phải đưa đủ số tiền còn lại. Hai bên thỏa thuận lập giấy vay tiền thể hiện nội dung T. vay của bà Ng. số tiền 300 triệu đồng, thời hạn vay 3 tháng. Nhận tiền, T. tiêu xài cá nhân hết, không hề sử dụng để xin việc như đã thỏa thuận.

Sau thời gian dài chờ đợi, bà Ng. vẫn không thấy con gái được nhận vào làm như cam kết nên nghi ngờ T. không có khả năng xin việc như đã hứa và yêu cầu phải trả lại tiền cho mình. Tuy nhiên, T. chỉ trả lại 50 triệu đồng cho bà Ng. và vẫn hứa hẹn sẽ xin được việc cho con gái bà Ng. Bị bà Ng. truy hỏi nhiều lần, T. đành thừa nhận không có khả năng xin việc, viết bản cam kết thể hiện nội dung nhận 300 triệu đồng để xin việc cho con gái bà Ng., đến nay không xin được việc nên sẽ trả lại tiền và lãi theo lãi suất ngân hàng. Không thấy T. trả tiền như đã hứa, bà Ng. đã làm đơn tố cáo lên cơ quan chức năng và hành vi lừa đảo của T. đã bại lộ.

Đ.N