Nhớ mãi công ơn thầy cô!

Thứ bảy, 21/11/2015 06:49

(Cadn.com.vn) - Có không ít người thắc mắc hỏi tôi, sao lại có quá nhiều kỷ niệm về thầy cô đến vậy? Tôi không biết giải thích như thế nào cho phải. Chỉ biết, hình như tôi may mắn được học những người thầy, người cô không chỉ sâu về chuyên môn mà còn thương học trò hết mực. Hay tại bởi thời tôi đi học, tình thầy trò rất đậm? Cũng chẳng biết nữa! Chỉ biết, giờ đây, dù đã hai thứ tóc, nhưng mỗi lần đến ngày 20-11, trong tôi luôn nôn nao nỗi nhớ thầy cô qua các thời kỳ. Những người thầy, người cô đã gieo vào tâm hồn tôi nhiều điều hay, lẽ phải. Nó xuất phát từ những việc làm hết sức bình dị mà nhân văn sâu sắc! Như chuyện tôi sắp kể dưới đây…

1. Đúng vào ngày 20-11 cách đây 23 năm, tôi đã lỡ tay làm hỏng chiếc áo dài bằng lụa tơ tằm của cô giáo. Đấy là năm đầu tiên tôi bước chân vào giảng đường Khoa Ngữ Văn Trường ĐH Tổng hợp Huế (nay là ĐH Khoa học Huế). 20-11 năm ấy, Khoa Ngữ Văn tổ chức đêm văn nghệ chào mừng. Trước đó, các khóa từ Văn K13 đến Văn K16 tự dàn dựng tiết mục dự thi để khoa tổng duyệt, chọn công diễn đêm 20-11. Lớp tôi có 2 tiết mục được chọn gồm tiết mục đơn ca của tôi (dân ca Nam bộ) và tiết mục tốp ca. Khoa yêu cầu tôi mặc áo dài, nhưng tôi lại không có. Mọi người không biết tìm đâu ra áo dài cho tôi, bởi tôi bé như… hạt tiêu. Sau cùng, các chị khóa trên gợi ý tôi đến nhà cô Nguyễn Thị Mỹ Lộc (giảng viên dạy Văn học Pháp) để mượn áo dài. "Liều mình như chẳng có", tôi cùng một bạn tìm đến nhà cô mượn áo dài. Cô ra mở cửa và ngạc nhiên khi thấy chúng tôi. Tôi rụt rè nói rõ lý do. Dù là Bí thư lớp, nhưng vì không có gì xuất sắc nên tôi không để lại ấn tượng đặc biệt với cô khi ấy. Tôi còn nhớ ánh mắt ngạc nhiên xen lẫn thích thú của cô khi biết mục đích tìm gặp cô của tôi. Vui vẻ mời chúng tôi vào nhà uống nước, cô vào phòng trong lấy chiếc áo dài mới nhất, đẹp nhất đưa cho tôi mượn. Đó là chiếc áo dài bằng lụa tơ tằm màu trắng ngà...

Ở KTX thời ấy, bàn ủi nếu có là bàn ủi bằng than mượn mấy chị lớp trên. Do mãi "tám" với các chị trong phòng về tâm trạng hồi hộp trước giờ lên biểu diễn, nên tôi vô tình làm cháy phần cổ chiếc áo dài. Lúc đó, tôi thật sự hoảng hốt. Rất may, phần biểu diễn của tôi được đánh giá tốt. Biểu diễn xong, tôi lo ngay ngáy không biết phải ăn nói làm sao với cô về việc làm hỏng chiếc áo dài. Cuối cùng, tôi lại "liều mình như chẳng có" mang áo dài bị cháy đến nhà gặp cô. Nhìn gương mặt, thái độ thiếu tự nhiên của tôi, cô phần nào hiểu chuyện. Để tôi không áy náy về điều này, cô trấn an, khen phần biểu diễn của tôi: "Không sao đâu em! Em hò hay ghê, cô rất ngạc nhiên!". Tôi thở phào nhẹ nhõm. Đến giờ, tôi vẫn còn áy náy về điều này.

Học trò cũ Khoa Ngữ văn khóa 16 cùng cô Nguyễn Thị Mỹ Lộc, thầy Phan Đăng, thầy Hồ Thế Hà trong ngày hội Khoa năm 2012. Ảnh: P.T

2. Năm thứ 3, tôi làm khóa luận do cô hướng dẫn. Khi tôi đến nhà trình diện, tôi thấy cô ngạc nhiên. Cô cho biết, cô nghĩ sẽ là một SV khác, không phải là tôi. Trong suy nghĩ của cô, tôi chọn Văn học Việt Nam. Thấy cô thẳng thắn,  thoải mái, tôi cũng thú thật, khi đọc tên đề tài, tôi tưởng đó là Văn học Nga (tôi rất thích Văn học Nga) nên đăng ký. Cả hai cô trò cùng cười. Vậy mà thành duyên phận gắn bó. Kết thúc khóa luận, tôi được cô cho điểm 9 và tôi tiếp tục nhờ cô hướng dẫn Luận văn tốt nghiệp. Càng tiếp xúc cô, tôi càng trân quý cô nhiều hơn bởi tính nghiêm túc trong nghiên cứu khoa học và tình yêu học trò hết mực chân thành. Chính những điều này buộc tôi phải dày công hơn trong quá trình nghiên cứu làm khóa luận, luận văn…

3. Sau này, thỉnh thoảng cô vào Đà Nẵng dạy ĐH từ xa, tôi tìm đến và chở cô đi chơi trên chiếc xe đạp cà tàng. Cô thương đứt ruột, lại dè dặt đề nghị "cho cô góp ít tiền" để tôi mua xe máy đi làm. Cô bảo, đi xe đạp làm sao đi lấy tin nhanh được. Rồi cô móc ví đưa cho tôi tiền. Tôi từ chối mà mắt cay xè! Không chỉ có cô, một lần vào dạy ĐH từ xa, thầy Chủ nhiệm khoa thời tôi đi học là thầy Phan Đăng cũng có nhã ý biếu tôi ít tiền để "em thêm vô mà mua xe máy đi làm, đạp xe đạp thì làm răng lấy tin nhanh được…". Từ chối tấm lòng thầy cô mà tự thấy mình thật kém cỏi. Bởi vào thời đó, tôi đi làm được hơn 3 năm (1999) mà vẫn chưa thể mua được xe máy.

4. Dông dài chuyện xưa bởi bây giờ cứ đến ngày 20-11, tôi nghe không ít phụ huynh than thở "tốn kém" vì lo… cho thầy cô nhiều quá! Không hiểu sao, những lúc như vậy, tôi lại nhớ về thời đã qua. Nhớ đến những bữa cơm mà thầy cô thết đãi học trò khi chúng rồng rắn kéo nhau đến nhà chúc mừng 20-11. Chỉ 1 nhánh hoa hồng và tờ lịch (loại 1 tờ), vậy mà cả lớp được các thầy cô đón tiếp như "thượng khách". Sau này, tôi nghe các em khóa sau kể, có năm Huế lụt lớn, sợ học trò không có cái ăn, các thầy cô trong Khoa Ngữ Văn chèo thuyền mang mỳ tôm vào KTX tiếp viện…

Thế đó! Với tôi, 20-11 luôn là một ngày có ý nghĩa trọng đại. Dù rằng, nhiều người ví, như người lái đò đưa khách sang sông, mấy ai trở lại bến đò xưa để thăm người lái đò giờ đã già nua! Nhưng tôi tin, cũng như tôi, trong tâm khảm của rất nhiều thế hệ học trò đã qua sông, luôn luôn, mãi khắc ghi công ơn cô thầy!

P.Thủy