Nhớ Phan Hành Sơn!
(Cadn.com.vn) - Cuối năm 1979, trong một lần nói chuyện về thơ tình với nhóm sinh viên khoa Ngữ Văn Đại học Sư phạm Quy Nhơn ở Gò Bồi, Tuy Phước, Bình Định, biết tôi là người xứ Quảng, nhà thơ Xuân Diệu-ông Chúa thơ tình Việt Nam-hỏi: "Em có biết anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Phan Hành Sơn hay không?". Tôi thưa: "Dạ có nghe tên, nghe tiếng những trận đánh "nở hoa trong lòng địch", nhưng chưa gặp người". Xuân Diệu lắc mái tóc phiêu bồng, nói: "Em ở đất Quảng Nam- Đà Nẵng "trung dũng kiên cường đi đầu diệt Mỹ" mà không biết kỹ về người anh hùng được vinh dự lấy tên vùng núi Ngũ Hành thành tên mình như Phan Hành Sơn thì kể như chưa biết, chưa hiểu gì xứ Quảng cả". Ông cao hứng đọc ngay: "Phan Hành Sơn! Miền Nam là gió trở/Đất chôn thù hoa nở Phan Hành Sơn!" và nói: "Đây là một anh hùng của vùng đất Ngũ Hành Sơn anh hùng, xứ Quảng anh hùng. Chiến công diệt Mỹ của Phan Hành Sơn là tấm gương soi cho chúng tôi học tập trong những năm tháng cả nước đánh giặc ngoại xâm."
Tôi vẫn nhớ buổi gặp gỡ ngắn ngủi ấy, nhưng thú thật không để tâm tìm hiểu vì nỗi ám ảnh của thời sinh viên là thơ tình của ông tuyệt diệu như: "Nhanh với chứ vội vàng lên với chứ/ Em em ơi tình non sắp già rồi". Hay "Hỡi xuân hồng ta muốn cắn vào ngươi", "Em ngồi ríu rít ở sau xe/Em nói lòng anh mãi lắng nghe/Thỉnh thoảng tiếng cười em lại điểm/Đời vui khi có được em kề". Tốt nghiệp ra trường vào thời điểm đất nước còn nặng nề cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, tôi đi dạy học mà trong bụng lúc nào cũng lưng lửng đói. Sau đó tôi xung phong nhập ngũ, rồi về làm Báo Quân khu 5, rồi sang Mặt trận 579 làm phóng viên chiến trường Campuchia, tôi cũng chưa có duyên gặp anh hùng Phan Hành Sơn, mặc dù anh Sơn đang làm nhiệm vụ quốc tế giúp bạn chiến đấu chống bè lũ diệt chủng Pôn Pốt-Yêng Xary. Năm 1989, khi quân tình nguyện Việt Nam (được Vua xứ Campuchia đánh giá là "đội quân nhà Phật Việt Nam" sang cứu khổ, cứu nạn nhân dân Campuchia) rút về nước, tôi mới có dịp gặp Anh hùng Lực lượng vũ trang Phan Hành Sơn tại nhà riêng.
Chủ tịch QH Nguyễn Văn An thăm gia đình anh hùng Phan Hành Sơn.
Ông như một lão nông tri điền suốt ngày ở ngoài vườn rau, ao hồ, hết bằm rau muống, xắt chuối cho vịt, cho heo ăn, lại thả các loại cá giống. Bộ quân phục cũ kỹ sờn vai, sờn gấu, bước chân thấp chân cao, lăn lộn trên ao, trong vườn. Nhìn ông, lòng tôi dâng lên một niềm quý mến, thương cảm. Tôi gợi chuyện chiến đấu một thời, anh hùng Phan Hành Sơn bộc bạch: "Hòa bình rồi, tạm gác chuyện đánh đấm lại ông ơi, lo làm ăn cái đã. Muốn chống được giặc xâm lược, phải chống được giặc đói. Ăn no mới đánh thắng chứ!".
Nhìn cơ ngơi vườn tược của ông, tôi thấy có lý. Nói là làm, ông lấy lưới ra kéo lên được mấy con cá tràu để anh em nhậu lai rai. Tôi thấy ông không uống rượu, chỉ nhấm nháp chút bia để mời khách. Ông cười khà khà: "Anh nhà báo ơi, bữa ni tui tu rượu rồi, chứ ngày xưa phải làm dăm ba xị đế để đưa cay". "Nghe nói anh uống rượu như nước lã mà nay tu rượu thiệt à, có mà tu hú"-tôi cà khịa đưa chuyện. Ông cởi lòng: "Ngày trước mình không uống rượu được, khi vết thương cũ hồi chiến trường tái phát, trong đó cái chân bị thương do chất độc nhiễm trùng nặng nó hành hạ, không có loại thuốc đặc hiệu giảm đau, mình chán nản nên làm bạn với rượu. Uống để quên đau nhức. Uống để quên cuộc đời. Nhiều khi đau đớn quá muốn quậy phá bất cứ ai, kể cả địa phương nữa. Nói thiệt với nhà báo, khi cơn đau quằn quại, không đủ tiền mua thuốc, tôi không làm chủ được mình, đành leo tường vào bệnh xá quân y... trộm ít thuốc... đặc hiệu để chữa bệnh cho mình. Bây giờ tôi cũng tu..., mà tu hú thiệt đó chứ, chiều lại mình hú cho đàn gà đi ăn ngoài vườn về lên chuồng, tránh chồn bắt".
![]() |
Anh hùng Phan Hành Sơn trong một chuyến thăm Cuba. |
Bẵng một thời gian, sau khi lên làm phóng viên thường trú Báo Quân đội nhân dân ở Tây Nguyên, đóng ở Đắc Lắc về gặp lại, được biết ông làm tổ trưởng dân phố, tổ trưởng an ninh khu vực. Lãnh đạo P. An Hải Bắc đánh giá ông về hưu rồi nhưng làm việc rất hăng hái và có hiệu suất cao. Khu vực an ninh do ông đảm nhiệm bảo đảm ăn ngon ngủ yên, vì bọn du thủ, du thực, trộm cắp, xì ke, ma túy nghe tiếng tăm "sẵn sàng chơi tới bến" của anh hùng Phan Hành Sơn, không dám bén mảng. Gặp ông tại CAP trong hội nghị điển hình về bảo vệ an ninh Tổ quốc, tôi hỏi: "Bữa nay, anh Sơn có biệt hiệu "sẵn sàng chơi tới bến" rồi à?", ông cười khà khà: "Ấy là bọn quậy phá "phong" cho tôi, bà con nghe thấy hay hay cũng gọi như rứa thành quen. Chả là, bọn nó tụ tập thách nhau uống rượu, thấy tôi thách uống luôn. Đã bỏ rồi, nhưng máu trong người nóng lên, tôi tu liền một hơi hai xị, cởi áo cho thấy những vết đạn, bọn nó tá hỏa thua cuộc. Rồi bọn bụi đời dùng mã tấu đánh nhau, tôi vác dao lở xắt chuối heo chạy tới quát. Tôi chả võ nghệ gì, nhưng không thiếu máu liều, hơn nữa bọn nó nghe cái tên Phan Hành Sơn từng không sợ ai, nên rút lui. Còn bọn xì ke ma túy léng phéng tụ tập, tôi đẩy đuổi đi hết. Cũng là cái tiếng tôi từng đột nhập " ăn cắp" thuốc "nghiện" một thời nay là người đi truy quét, nên bọn chúng kiềng mặt chăng?".
Tính khí của ông thẳng băng, nhiều khi nóng nảy, nhưng tôi, người tiếp xúc ông nhiều lần thấy khâm phục ý chí và nghị lực vượt qua thương tật để làm nhiều việc có ích cho đời của ông. Người anh hùng mang tên ngọn núi Ngũ Hành luôn sống có nghĩa có tình với đồng đội, bạn bè, với quê hương làng xóm.
Lê Anh Dũng