Nhớ tác giả "Nhà văn già và em mọi nhỏ"

Thứ bảy, 14/11/2020 21:00

Nhà văn Nguyễn Thành Nhân và tác giả bài viết tại Đà Nẵng.

Nhà văn- dịch giả Nguyễn Thành Nhân, một tên tuổi quen thuộc trong giới văn học TPHCM vừa qua đời vào ngày 7-11-2020, trong sự ngỡ ngàng và thương tiếc của người thân, bạn bè, văn hữu và bạn đọc cả nước. Nguyễn Thành Nhân sinh 1964 tại Sài Gòn. Vào tháng 3- 1984, anh thực hiện nghĩa vụ quốc tế tại Campuchia. Năm 1987, anh xuất ngũ về đi học Luật và tốt nghiệp năm 1994. Từ năm 2005, anh chính thức bắt đầu tập trung vào sáng tác và dịch thuật. Đến nay, anh đã ra mắt hơn 30 đầu sách dịch thuật rất có giá trị của các tác gia nổi tiếng trên thế giới. Tuy nhiên, tâm sự với bạn bè văn nghệ, Nhân vẫn thường tỏ ra tâm đắc về những tác phẩm do anh sáng tác đã ấn hành những năm qua như: Mùa xa nhà, Nhà văn già và em mọi nhỏ, Vũ điệu buồn của chữ…

Mùa xa nhà (Nxb Trẻ, 2004 in lần đầu và tái bản lần thứ 5) là cuốn tiểu thuyết đầu tay của Nguyễn Thành Nhân, kể lại giai đoạn làm lính tình nguyện của nhân vật tên Huy, một chàng trai thành phố đi nghĩa vụ quân sự, có mặt và sống chiến đấu ở một đơn vị hỏa lực bộ binh trong nhưng năm giữa thập niên 80 thế kỷ XX ở vùng Tây Bắc Campuchia. Cuốn tiểu thuyết mang dấu ấn tự truyện này được in năm 2004. Tuy nhiên, theo nhà văn Nguyễn Đông Thức, Nguyễn Thành Nhân đã âm thầm viết Mùa xa nhà trong 2 năm, hoàn thành năm 1999, và nhân cuộc thi Văn học tuổi 20 lúc ấy vừa phát động, Nhân đã gửi tham dự. Mùa xa nhà được cả hai ban sơ khảo và chung khảo đánh giá rất cao, hoàn toàn có thể được giải cao nếu tác giả chịu chỉnh sửa đôi chút cho… bớt căng, nhưng lúc đó Nhân vẫn cương quyết giữ nguyên bản thảo. Cần nhắc lại, cuộc thi Văn học tuổi 20 diễn ra hồi đó, với sự “phát hiện” ra Nguyễn Ngọc Tư đoạt giải Nhất với tập truyện ngắn Ngọn đèn không tắt. Và cũng theo nhà văn Nguyễn Đông Thức, nếu trong cuộc thi năm ấy, Nguyễn Thành Nhân “chịu chỉnh sửa đôi chút cho… bớt căng” thì có lẽ, Mùa xa nhà không có số phận “ẩn mình” dù giới viết lách từng đánh giá “đây là một Nỗi buồn chiến tranh khác”.

Nhà thơ Lê Minh Quốc nói: “khi trở lại chiến trường K, chúng tôi có gặp nhiều trí thức Campuchia cảm tình với quân tình nguyện Việt Nam, họ cho biết rất ấn tượng với Mùa xa nhà của Nhân hơn các tác giả văn học khác cùng thế hệ chúng tôi, trong đó, có phần bởi tác phẩm này được Nhân tự dịch sang tiếng Anh. Có thể ghi nhận, đây là một trong số ít ỏi tác phẩm viết về cuộc chiến Tây Nam được người nước ngoài biết đến...”.

Vũ điệu buồn của chữ (Nxb Tổng hợp TP HCM, 2016) bao gồm một số bài viết đã đăng báo hoặc trên các blogs, website của nhà văn Nguyễn Thành Nhân. Tác giả thổ lộ: “Muốn viết, mê viết mà viết ngày càng không ra chữ. Muốn làm thơ ngây thơ, hồn hậu như hồi mới lớn, mới biết yêu, cứ nghĩ thế nào thì tuôn ra thế ấy cũng không thể nào được nữa. Thơ chẳng còn bao dung dễ dãi với tôi. Làm thơ không tiến bộ nổi, tôi chuyển sang... viết văn xuôi. Nhưng những gì tôi viết ra chẳng mấy khi làm tôi hài lòng” (Vũ điệu buồn của chữ). Ngoài ra, tập sách này có một số bài viết khác như: Nghĩ về nhà thơ Quang Dũng; Đọc Tây tiến viễn chinh; Đọc Như mơ thấy bướm của Ngô Khắc Tài; Đêm mưa đọc Sài Gòn giữa cơn mưa; Mạc Can, người nói tiếng bồ câu; Đọc lại Dưới ánh sao thu của Knut Hamsun…

Nhà văn già và em mọi nhỏ (Nxb Tổng hợp TPHCM, 2018) là tập truyện mới nhất mà tôi được Nguyễn Thành Nhân tặng tận tay trong chuyến anh ghé thăm Đà Nẵng cách đây 2 năm. Trong tập truyện này, bạn đọc sẽ bắt gặp ở đây những câu chuyện, những nỗi niềm đến từ biến động lịch sử của công cuộc thống nhất đất nước. Đó là những câu chuyện bi tráng, có khi làm ly tán những gia đình, phân ranh giữa thành thị và nông thôn, tách lìa các thế hệ... được nhà văn xâu chuỗi lại, bằng cái nhìn đầy cảm xúc. Đặc biệt, với tập sách này, hình ảnh người lính hậu chiến vẫn còn lẩn khuất trong các trang viết của Nguyễn Thành Nhân. Để vơi đi những ký ức khốc liệt thời trai trẻ, nhân vật trong truyện ngắn mang tên Nhà văn già và em mọi nhỏ của Nhân mơ ước: “Nhà văn già đi ra đảo tìm cảm hứng để viết sau một thời gian dài im lìm gác bút, đó là duyên cớ công khai. Nhưng còn một duyên cớ thầm kín khác. Nhà văn già vừa rất tình cờ trúng được năm tấm vé số, lô khuyến khích…. Và nhà văn già ra đảo”, rồi sau đó: “Trước mắt ông, một con nhỏ đen thủi đen thui như người dân tộc, trạc mười lăm, mười sáu tuổi đang tiếp tục ngâm nga những câu “Vè con cá”. Đoạn kết câu chuyện: “Ông chạy qua chạy lại khu vực hàng dương hai lần, rồi sực nhớ con bé đã bảo sẽ lùa bò đi kiếm cỏ ở một chỗ khác. Ông dừng xe, đưa mắt nhìn ra biển. Sóng cồn cào đập mạnh vào bãi cát, báo hiệu một ngày biển động nhẹ. Ông đưa tay lên, vẫy chào biển xanh, vẫy chào hàng dương, thì thầm trong tiếng gió vi vu và tiếng sóng: Em Mọi nhỏ của tôi. Mong sao cháu sẽ nên người. Và tôi sẽ viết cho cháu, cho tôi. Tôi hứa”.

Trong cuộc gặp gỡ giữa tôi với Nguyễn Thành Nhân lần đó, cũng là một trong những lần hiếm hoi anh về thăm Đà Nẵng, tôi chợt nhớ Nhân thường kể về một ước mơ giống như anh đã viết trong Nhà văn già và em mọi nhỏ là: sẽ dành dụm được chừng một hai trăm triệu đồng, để ra một đảo nhỏ nào đó, thuê căn phòng nhỏ, hoàn thành một tiểu thuyết mà anh đang ấp ủ nhiều năm qua. Tiếc thay ước mơ ấy chỉ còn lại trong trang sách! Tôi cũng vô cùng ấn tượng khi nghe anh say sưa nói chuyện về hai tác giả xứ Quảng mà anh yêu quý, đó là: nhà thơ Nguyễn Trung Bình (1968 -2009) tác giả tập thơ Người trẻ dáng nâu (NXB Lao Động, 2011) và liệt sĩ Trần Duy Chiến (1957-1980), tác giả nhật ký "Tây Tiến Viễn Chinh" (Nxb Hội Nhà văn- 2006). Sau này đọc kỹ sách của Nhân, tôi biết ra, anh từng có bài viết về tác phẩm Trần Duy Chiến: “Cũng là những tâm tình, suy nghiệm về cuộc sống trong bối cảnh chiến tranh, nhưng không như nhật ký của các liệt sĩ thời chống Mỹ (Đặng Thùy Trâm, Nguyễn Văn Thạc...), “Tây tiến viễn chinh” nằm trong một góc độ thời gian, không gian và cả nhận thức có phần khác biệt. Đọc “Tây tiến viễn chinh”, lòng tôi dạt dào niềm mến thương đồng cảm với Trần Duy Chiến, chàng học sinh vừa mới rời ghế nhà trường. Những dòng nhật ký ấy gợi tôi nhớ lại những ngày chập chững bước vào quân ngũ của mình và bạn bè cùng trang lứa, lần đầu nếm trải những gian lao vất vả và tình đồng đội thân thương”. Và tôi còn biết thêm, Nhân vẫn thường xuyên liên lạc, thăm hỏi gia đình Trần Duy Chiến thông qua người em ruột là Trần Duy Dũng. Do đó, sự ra đi đột ngột của Nhân đã làm cho Dũng hết sức bàng hoàng, đau xót, tiếc thương!

TRẦN TRUNG SÁNG