Nhớ V-League!

Thứ ba, 07/04/2020 14:28

Nếu đặt lên bàn cân đong đếm, sân chơi bóng đá cao nhất Việt Nam không chắc thu hút được nhiều hơn con mắt của chính người hâm mộ Việt Nam như Ngoại hạng Anh hay Cúp C1 châu Âu. Nhưng, phải thú nhận rằng, V-League dường như là thứ "gia vị" vừa đủ cho nhu cầu giải trí của những người yêu mến trái bóng tròn. Những ngày cả nước xáo trộn vì dịch bệnh, tự dưng lại nhớ V-League lạ lùng!

V-League 2020 vẫn chưa hẹn ngày trở lại.

Đồ rằng, không chỉ mình tôi, mà nhiều người hâm mộ cũng có chung cảm giác ấy. Mỗi chiều cuối tuần bây giờ cứ nhợt nhạt trôi qua khi sân bóng đóng kín cổng, truyền hình không tường thuật những bước chạy trên mặt sân cỏ.

Giữa "bão" dịch bệnh, sức khỏe và tính mạnh là trên hết. Điều đó là đương nhiên. Chính những người làm bóng đá cũng đã xác định rõ vấn đề nên V-League mới dừng lại sau 2 vòng đấu được tổ chức trên những sân "kín cổng cao tường". Câu hỏi đặt ra, chừng nào V-League trở lại thật khó trả lời. Chính Công ty Cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) cũng không biết được điều đó. Vấn đề bây giờ chỉ là tìm phương án tối ưu để khi dịch bệnh được kiểm soát có thể "kích hoạt" bộ máy bóng đá vận hành trở lại.

Một trong những phương án đầu tiên được VPF đưa ra là đá trên sân không có khán giả và chỉ tập trung ở miền Bắc. Phương án này được hầu hết đại diện các đội bóng ngồi lại biểu quyết nhưng kết quả cuối cùng bị "phá sản". Nhiều đội bóng không đồng ý bởi nó ảnh hưởng lớn đến tài chính cũng như mục tiêu và nhiều vấn đề phát sinh khác của đội bóng. Đá sân trung lập đồng nghĩa không tính sân nhà, sân khách. Tiền bán vé không thu là điều tất nhiên vì không có khán giả, nhiều đội bóng còn phải chi tiền ăn ở, nghỉ ngơi khi rời "đại bản doanh" của mình. Chưa kể đến, đá bóng mà không có khán giả tự dưng chẳng có động lực nào, kiểu đá mà chẳng ham... Thế nên, cứ đợi hết dịch rồi tính!

Đợi hết dịch, đương nhiên kế hoạch của cả mùa giải sẽ thay đổi. Viễn cảnh V-League phải nghỉ thi đấu dài lâu là điều tồi tệ cho những đội bóng không có nguồn lực tài chính mạnh. Doanh thu không có khi mà bán vé không, quảng cáo không, tài trợ không..., nhưng họ phải "gánh" tiền lương cho các cầu thủ, HLV và cả cán bộ nhân viên đội bóng. Còn nữa, không thi đấu, phong độ các cầu thủ sẽ xuống dốc và ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng đội hình ở đội tuyển quốc gia Việt Nam. Khi mà trước mắt chúng ta vẫn còn những mục tiêu lớn như vươn tầm thế giới thì điều đó quả đáng lo ngại. Đúng là bóng đá thời Covid-19 cũng thật rối rắm.

Trong những ý kiến của các câu lạc bộ ở cuộc họp trực tuyến mới đây, có ý kiến đề xuất về việc V-League bị ảnh hưởng nên mùa giải năm nay không nên có đội lên, xuống hạng. Nhưng, có những thực tế rằng là, không xuống hạng thì chẳng khác gì "đá cho vui". Nên bởi thế, những ý kiến ấy cũng chỉ trôi qua mà chưa nhận được nhiều sự thống nhất.

Nếu phải đến tháng 6, tháng 7 V-League mới khởi tranh trở lại khi dịch bệnh đi qua, thì lúc này có thể sân chơi bóng đá cao nhất Việt Nam sẽ phải thi đấu một lượt (11 vòng đấu, không tính đi về). Vì lúc này quỹ thời gian còn lại cho mùa giải chỉ còn 3 tháng. Điều này cũng hợp lý khi hai vòng đầu tiên các đội bóng cũng chỉ thi đấu trên sân không khán giả.

Nhưng, đó cũng chỉ là điều nếu như chưa xấu nhất. Bởi, cũng còn đó nếu như xấu nhất là sân chơi V-League mùa giải năm nay không thể diễn ra nữa, thì điều còn lại là nỗi nhớ!

T.D