Nhọc nhằn mưu sinh ở làng đá chẻ Hòa Sơn
(Cadn.com.vn) - Hình thành từ hơn chục năm qua, làng đá chẻ Hòa Sơn đã đem lại việc làm tương đối ổn định cho nhiều người bản xứ. Công việc nặng nhọc, không có sự “vị tha” kể cả với phụ nữ, lại đang đối mặt với sự thay đổi cơ chế thị trường khi mà tình hình mua bán đang ngày càng trở nên ế ẩm...
Công việc cắt đá nặng nhọc và nguy hiểm hơn thường dành cho những người đàn ông |
Đến thôn Phú Thượng (Hòa Sơn, Hòa Vang, Đà Nẵng), con đường nhỏ dẫn đến thôn bị bao phủ bởi lớp bụi mờ mịt, trắng xóa từ các xưởng đá hai bên đường. Tiếng máy cưa đá rít lên liên hồi, đinh tai nhức óc. Vậy mà ngày qua ngày, hàng trăm người lao động nơi đây vẫn miệt mài đập đá, cưa đá và chẻ đá. Nói những công nhân ở đây phải mưu sinh bằng mồ hôi và máu là không ngoa, bởi nghề làm đá chẻ rất nặng nhọc, nguy hiểm, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Che mặt sơ sài bằng tấm khẩu trang mỏng, đôi găng tay vải cũ sờn, với các dụng cụ đơn giản là một cái búa và một thanh kim loại dẹt cứng, những người phụ nữ nơi đây chẻ đá nhanh thoăn thoắt, chuẩn xác và mỏng đến từng millimet mà vẫn không làm cho đá bị vỡ vụn. Chị Hồng Thơm (42 tuổi, thôn Phú Thượng) cho hay: “Làm hoài rồi quen. Mấy lần đầu bị đập vô tay nhiều lắm, chảy máu là chuyện thường. Nhưng giờ quen rồi, thấy công việc cũng đơn giản. Ngay cả con tui mới 9 tuổi cũng có thể chẻ đá được mà”. Nói vậy, nhưng chị Thơm vẫn không giấu được vẻ lam lũ của một người phụ nữ trung niên đang làm công việc khá nặng nhọc vốn dành cho đàn ông. Nhìn những giọt mồ hôi và bàn tay chai sần rướm máu mới thấy, phải thật khéo léo và kiên nhẫn, chịu khó thì mới mong bám trụ mưu sinh với nghề này.
Trong khi ấy, phần việc của cánh mày râu lại càng gian nan hơn gấp bội khi phải phơi mình ngoài nắng và tiếp xúc gần nhất với khói bụi, tiếng ồn phát ra từ máy cưa đá. Với mỗi khối đá nặng chừng 1,2 tấn, các anh phải dùng sức để đục đẽo ra thành từng khối nhỏ, sau đó đưa vào máy cưa để cắt thành từng thanh nhỏ hơn rồi mới đưa cho chị em chẻ. “Làm nghề này cần có sức, còn lại thì cẩn thận một chút là xong hết. Nghề nào chẳng khó, nhưng làm đá vẫn ổn định hơn so với làm nông, làm ruộng nhiều” – một công nhân cắt đá tâm sự. Cũng theo lời kể của nhiều người nơi đây, việc xảy ra tai nạn lao động trong khi làm việc khó mà tránh khỏi. Anh Hồ Thái (41 tuổi, thôn Phú Thượng) cho biết: “Tui từng bị đá bắn vào cổ tay khi cắt đá, trúng mạch máu chính, phải khâu tới 12 mũi. Anh bạn tui thì bị đá lớn cắt vào chân khi đập khối đá lớn, phải nghỉ ở nhà tới 1 – 2 tháng mới đi làm lại được”.
Khi được hỏi: “Khó vậy sao không làm nghề khác đỡ nguy hiểm hơn?”, chị Kim Tiền (44 tuổi, thôn Phú Thượng) thật thà: “Bây giờ tuổi cao, xin vô các công ty làm cũng khó. Hơn nữa làm ở đây, vài ba ngày tui được trả lương một lần nên có đồng ra đồng vô, chứ làm ở công ty cuối tháng mới nhận lương, nhà cần tiền thì không đợi được”. Đó cũng là suy nghĩ chung của nhiều người dân nơi đây khi chọn nghề chẻ đá. Như chị Tiền, nhà có 4 đứa con đang ăn học, cả 2 vợ chồng chị đều quần quật suốt ngày trong xưởng đá, trong khi đó thu nhập chỉ khoảng 50.000– 70.000đ/ngày, có hôm khá hơn thì được 100.000đ. Công việc mỗi ngày bắt đầu từ 7 giờ sáng cho đến 4 giờ chiều, buổi trưa chỉ nghỉ tạm trong những mái nhà lụp xụp ngoài xưởng đá. Có những khi đá về nhiều, anh chị phải ở lại làm đến tận 7 – 8 giờ tối là chuyện bình thường.
Dáng vẻ lam lũ thường thấy ở những người phụ nữ làm nghề chẻ đá ở Hòa Sơn. |
Làng chẻ đá Hòa Sơn hiện có khoảng gần 100 cơ sở sản xuất gia công, chủ yếu là các hộ cá nhân nhỏ lẻ, tập trung về thôn Phú Thượng. Đá chẻ nhiều chủng loại, dùng trang trí nội thất, ốp tường, lát đường đi, làm cầu thang, làm hòn non bộ... Trước nay, thị trường tiêu thụ khá chuộng loại đá này, song do cơ chế thay đổi, nhiều người chuyển sang sử dụng nhiều loại nguyên liệu khác sáng đẹp hơn để phục vụ nhu cầu trang trí. Anh Huỳnh Văn Luyện (46 tuổi, thôn Phú Thượng), chủ một cơ sở sản xuất nằm trên đường tránh hầm Hải Vân đã hơn 10 năm nay cho biết, trước đây, mỗi mét vuông đá giá từ 75.000 – 80.000 đồng, nay đã rớt xuống chỉ còn 30.000 đồng. “Ngày trước người ta mua đá nhiều lắm, tui phải thuê tới mười mấy công nhân về làm, đầu tư 3 cái máy cắt. Nhưng bây giờ ế quá nên công nhân nghỉ, chỉ còn 2 vợ chồng làm thôi, máy cắt cũng còn 1 cái” – anh Luyện tâm sự. Nếu như trước đây, hầu hết bà con nơi này đều tập trung đi làm nghề chẻ đá thì bây giờ, 5 người chỉ còn được 2 người là ở lại với nghề, còn lại thì chuyển về làm nông, trồng trọt, chăn nuôi, phụ hồ...
Cùng chung trăn trở với anh Luyện, chị Thanh Hoa (47 tuổi, thôn Phú Thượng) cũng cho hay, dạo này thị trường đá chẻ ế ẩm hơn rất nhiều. “So với những năm trước, năm nay làm cực hơn mà lại bán ế hơn, người ta không còn chuộng đá chẻ nhiều nữa”. Thế nhưng khi được hỏi về việc nếu làng nghề chẻ đá mất đi, công việc sẽ thế nào, chị Hoa chỉ cười: “Thị trường thay đổi thì mình phải thích ứng theo thôi, trời sinh voi sinh cỏ mà. Bây giờ nó còn thì cứ làm, chứ không bám trụ nơi đây thì cũng chẳng biết làm nghề gì khác nữa”.
Thực tế, nghề đá chẻ Hòa Sơn vẫn còn nhiều thô sơ và mang tính thủ công. Công cụ làm đá đơn giản, chưa có sự đầu tư máy móc, trang thiết bị hiện đại, các sản phẩm đá chẻ làm ra cũng chưa đạt đến độ tinh xảo, tính nghệ thuật chưa cao, đá để tồn kho lâu sẽ xảy ra tình trạng bạc màu, không bán được. Không những vậy, thực trạng ô nhiễm môi trường, ô nhiễm tiếng ồn mà làng đá Hòa Sơn gây ra khiến không ít người khốn khổ. Trước thực trạng này, ông Phạm Đình Phi – Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Sơn cho biết, sắp tới sẽ quy hoạch lại làng đá chẻ Hòa Sơn về một địa điểm mới, hình thành mô hình hợp tác xã, giải quyết triệt để các vấn đề về ô nhiễm môi trường. “Trước nay các hộ kinh doanh đá chẻ theo kiểu cầm chừng, giá cả không thống nhất nên xảy ra tình trạng cạnh tranh, phá giá khiến đá chẻ mất giá, ế ẩm, công nhân bỏ việc. Việc quy hoạch lại làng đá chẻ sẽ giải quyết được tình trạng này” – ông Phi cho hay.
Mặc dù làng đá chẻ Hòa Sơn đang “nuôi sống” khá nhiều người, song những gì thu lại dường như vẫn chưa đủ so với công sức mà những người lao động nơi đây đang bỏ ra, trong khi họ còn phải đối mặt với các vấn đề về sức khỏe, an toàn toàn lao động. Tuy vậy, nỗi lo vẫn còn bỏ ngỏ, thoáng qua, những con người nơi đây lại tiếp tục lao vào lớp bụi trắng xóa, lẫn trong tiếng đục đẽo, cắt đá, cặm cụi mưu sinh, mặc kệ những rủi ro, nguy hiểm mà bản thân phải đối mặt hằng ngày...
Thảo Vy