Những bí ẩn đằng sau "người đàn ông quyền lực" Mohammed bin Salman (Kỳ 1: Người ghi chép thầm lặng)

Thứ sáu, 16/10/2020 15:00

Ông MBS, nổi tiếng với kế hoạch "thay áo" và hiện đại hóa quốc gia bảo thủ sâu sắc Saudi Arabia. Tuy nhiên, cùng lúc đó, ông cũng gây tranh cãi khi kéo Saudi Arabia vào một cuộc chiến ở Yemen; giam giữ những người biểu tình đòi quyền lợi cho phụ nữ, giáo sĩ Hồi giáo và các blogger chống đối. Ông cũng bị nghi ngờ đứng sau, ra lệnh sát hại nhà báo nổi tiếng Jamal Khashoggi ở Lãnh sứ quán Saudi Arabia tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) vào ngày 2-10-2018, vụ việc gây chấn động thế giới. Người đàn ông được gọi là MBS này là ai? Ông ấy là nhân vật quyền lực tầm cỡ như thế nào ở quốc gia dầu mỏ giàu có này?

Jeddah, vào tháng 9-2013, dưới ánh mặt trời đỏ rực ở vùng Biển Đỏ, những người bảo vệ cung điện dạt sang một bên khi xe của đoàn nhà báo BBC qua cánh cổng được gia cố và bảo vệ kín mít. Theo các nguồn tin, phải mất nhiều ngày đoàn mới có thể được sắp xếp gặp Hoàng tử Saudi Arabia và là Bộ trưởng Quốc phòng lúc bấy giờ Salman bin Abdulaziz.

Thái tử quyền lực Mohammed bin Salman của Saudi Arabia (trái) trong cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20. Ảnh: AFP

Nhân vật bí ẩn

Nhiều năm trước, vào năm 2004, Hoàng tử Salman là thống đốc của Riyadh khi các tay súng phục kích tấn công các phóng viên BBC khiến nhà quay phim người Ireland, Simon Cumbers thiệt mạng và nhiều người bị thương.

Lúc đó, Hoàng tử Salman đã đến thăm những người bị thương trong bệnh viện, nhưng tất cả hầu như không có nhiều ký ức vì bị hôn mê. Giờ đây, Hoàng tử Salman đã trở thành vua của Saudi Arabia và sức khỏe đang yếu dần. Năm 2013, nhiều người thấy ông phải dùng gậy đi bộ khi tiếp khách trên những chiếc ghế mạ vàng trang trí công phu trong phòng tiếp tân của cung điện. Ông thường xuyên nở nụ cười khi nói chuyện chậm rãi bằng tiếng Anh, với giọng nói trầm, sâu sắc, và cho thấy ông thích London đến mức nào. Ông cũng đã cho thấy những thay đổi phi thường của Riyadh dưới thời nắm quyền của ông. Là thống đốc của thủ đô Riyadh trong 5 thập kỷ, ông đã chứng kiến nó biến hình từ một thị trấn sa mạc bụi bặm với 200.000 dân thành đô thị đông đúc với hơn 5  triệu người.

Trong suốt cuộc họp hoàng gia này, các phóng viên chỉ biết mơ hồ có ai đó ngồi ở phía sau phòng, lặng lẽ ghi chép. Các phóng viên đoán rằng, người này là chánh văn phòng hoặc thư ký riêng của ông Salman. Người này cao lớn, râu tóc được cắt tỉa gọn gàng. Ông ấy mặc áo choàng truyền thống được viền bằng vàng thêu biểu thị cấp bậc. Lúc đó, các phóng viên đã đến và bắt tay "người ghi chú thầm lặng" này và hỏi ông ấy là ai. "Tôi là Hoàng tử Mohammed bin Salman", ông trả lời khiêm tốn và nói thêm: "Tôi là một luật sư. Các bạn đang nói chuyện với cha tôi". Mọi người cười và không nói gì nữa.

Gây tranh cãi

Và rồi, tất cả đều không thể nghĩ được rằng, "người ghi chú thầm lặng" 28 tuổi này sẽ trở thành một trong những nhà lãnh đạo quyền lực nhất và gây tranh cãi nhất thế giới Arab hiện nay - Thái tử Mohammed bin Salman hay còn gọi là  MBS. Sau khi trở thành Thái tử, Mohammed bin Salman công bố kế hoạch "Tầm nhìn Saudi 2030" nhằm đa dạng hóa nền kinh tế Saudi Arabia và nhận được sự ủng hộ lớn từ trong nước. Tuy nhiên, cái tên MBS cùng gây nhiều tranh cãi.

Vào lúc 13 giờ 14 ngày 2-10-2018, nhà báo người Mỹ gốc Saudi Arabia Jamal Khashoggi bước vào một tòa nhà không có gì đặc biệt ở khu vực Levent của Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Là một nhà văn nổi tiếng và là cây bút chỉ trích thẳng thắn Thái tử MBS, nên ông Khashoggi chỉ đến lãnh sự quán Saudi Arabia xác nhận một số giấy tờ ly hôn để có thể kết hôn với người vợ Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng sau khi vào bên trong, ông đã không bao giờ trở ra. Ông bị một đội đặc nhiệm an ninh và tình báo đến từ Riyadh áp đảo, sát hại trong khi cho đến nay thi thể vẫn chưa tìm thấy. Trong khi đó, hàng ngàn người đã chết trong cuộc chiến tranh tàn phá Yemen, qua các cuộc không kích do Saudi Arabia dẫn đầu.

Thái tử MBS bị cáo buộc ra lệnh tấn công bừa bãi vào các mục tiêu dân sự, phong tỏa viện trợ nhân đạo khiến ít nhất 10.000 người thiệt mạng trong cuộc chiến Yemen, cùng hàng triệu người phải di tản. Tiếp đó, Thái tử MBS được cho là "đạo diễn" của cuộc khủng hoảng Vùng Vịnh, khiến nhiều quốc gia cắt đứt quan hệ với Qatar và áp đặt một cuộc phong tỏa ngoại giao và thương mại. Chính Thái tử đã khởi xướng yêu cầu Saudi Arabia đóng cửa biên giới đất liền với Qatar và biến Qatar thành một hòn đảo chỉ có thể đến được bằng đường hàng không và đường biển. Ông cũng tạo nên một cuộc xung đột ngoại giao âm ỉ hơn một năm qua với Đức, dẫn đến việc Saudi Arabia rút đại sứ từ Berlin và từ chối công nhận đại sứ của Đức tại Riyadh.

Trong chính sách đối ngoại, Thái tử Saudi Arabia tỏ ra rất lạnh lùng. Sau khi Canada kêu gọi phóng thích các nhà hoạt động và cải thiện nhân quyền ở Saudi Arabia, chính quyền của ông đã lập tức trục xuất Đại sứ Canada ở Riyadh. Căng thẳng leo thang khi Saudi Arabia đóng băng thương mại với Canada và yêu cầu tất cả sinh viên Saudi Arabia ở Canada trở về nhà. Phản ứng này được giải thích bằng tuyên bố đầy ngạo mạn của vị Thái tử, rằng "Chúng tôi không muốn đá bóng chính trị với Canada".  Và đặc biệt, vụ sát hại kinh hoàng này gây chấn động toàn cầu, hủy hoại hình ảnh của Thái tử quyền lực MBS và những kế hoạch cải cách đầy tham vọng của ông nhằm đa dạng hóa nền kinh tế mà mở cửa xã hội Saudi Arabia.

Giới chức Riyadh ban đầu khẳng định không liên quan đến cái chết của nhà báo Khashoggi, nhưng cuối cùng phải thừa nhận khi các bằng chứng được công bố. Thái tử MBS đã không đến Mỹ hay Châu Âu kể từ đó. Trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình, Thái tử Mohammed bin Salman nói rằng, ông chịu trách nhiệm hoàn toàn về cái chết của nhà báo Khashoggi, nhưng bác bỏ những cáo buộc cho rằng, ông đã ra lệnh làm điều đó.

Cho đến nay, vẫn chưa có bằng chứng rõ ràng nào ràng buộc chặt chẽ Thái tử MBS với vụ giết người này. Nhưng một đánh giá CIA được phân loại thu được từ tờ WSJ cho thấy, ít nhất 11 tin nhắn văn bản được MBS gửi cho nhân vật thân cận Qahtani trước, trong và sau khi ông Khashoggi bị sát hại. Vào tháng 8-2018, trước khi xảy ra vụ án chấn động này, Qahtani đã viết một dòng gây chú ý trên Twitter. "Bạn có nghĩ rằng tôi đưa ra quyết định mà không có hướng dẫn? Tôi là một nhân viên và là người thực hiện mệnh lệnh của Nhà vua và Thái tử". 

Bất chấp những bác bỏ này, các cơ quan tình báo phương Tây tin rằng, vị thái tử quyền lực này đã biết trước âm mưu sát hại trên. Trong khi đó, Cục tình báo Trung ương Mỹ (CIA) vẫn tin rằng, ông MBS thực sự đã ra lệnh thực hiện vụ việc này.

KHẢ ANH (Theo Reuters)