KỶ NIỆM 110 NĂM NGÀY SINH CHỦ TỊCH HĐNN VÕ CHÍ CÔNG (7-8-1912-7-8-2022):

Những bức điện trong mùa Xuân 1975 lịch sử

Thứ bảy, 06/08/2022 18:11
Đồng chí Võ Chí Công (tên khai sinh Võ Toàn), sinh ngày 7-8-1912 tại xã Tam Xuân, H. Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam- Đà Nẵng (nay là tỉnh Quảng Nam), mất ngày 8-9-2011. 100 năm tuổi đời, 76 năm tuổi Đảng, đồng chí Võ Chí Công đã phấn đấu trọn đời mình và có những cống hiến hết sức to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta. Đồng chí đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng: Huân Chương Sao vàng, Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng và nhiều phần thưởng cao quý khác. Dưới đây là những câu chuyện về người lãnh đạo cao nhất Quân khu 5, trong những năm tháng chống Mỹ cứu nước qua lời kể của ông Phan Đấu - Trợ lý, Thư ký đồng chí Võ Chí Công (1962-1975).
Bìa sách và ảnh ông Phan Đấu in trong hồi ký "Dặm đường xa".
Tổng Bí thư Lê Duẩn thăm và làm việc với Thường vụ Khu ủy 5.

Bức điện thứ nhất

Là Thư ký kiêm Trợ lý đồng chí Võ Chí Công, nên ông Phan Đấu luôn được cận kề người chỉ huy cao nhất Quân khu, đặc biệt ông còn được đồng chí Võ Chí Công tin tưởng giao và xử lý nhiều công việc quan trọng, trong những thời điểm cũng đặc biệt quan trọng gắn với những sự kiện lịch sử trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Ông Đấu kể, sau giải phóng Buôn Mê Thuột (10-3-1975) trong lúc quân ta đang đánh địch ở Phước An, thì Bộ Chính trị điện cho đồng chí Võ Chí Công lên Buôn Mê Thuột gặp Đại tướng Văn Tiến Dũng- Bộ tổng Tư lệnh tiền phương- mật danh A75 bàn kế hoạch tiếp tục triển khai phát triển chiến dịch.

Được điện của T.Ư, theo ý định của đồng chí Võ Chí Công, ông Phan Đấu điện cho anh Nguyễn Văn Cao- Phó Văn phòng Khu ủy 5, Đại diện Thường vụ Khu ủy 5 (anh Bùi San) bên cạnh Đảng ủy và Bộ Tư lệnh chiến dịch Tây Nguyên để chỉ đạo các tỉnh Tây Nguyên. "Anh Cao đến ngay Văn phòng Tỉnh ủy Kon Tum đón anh Võ Chí Công vào Buôn Mê Thuột". Chiều 16-3-1975, đồng chí Võ Chí Công đến cơ quan Tỉnh ủy Kon Tum được tin địch rút chạy khỏi thị xã, đồng chí chỉ thị anh Phan Thụ (tức Quyết) Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum, phải vào nắm tình hình thị xã, điều ngay đơn vị 733 (đơn vị sản xuất của quân khu ở Kon Tum vào thị xã). Hôm sau ông Phan Đấu tiếp tục tháp tùng đồng chí Võ Chí Công vào thị xã cùng một tiểu đội bảo vệ. Hai phần ba dân chúng đã bị địch buộc kéo đi để lại những ngôi nhà trống vắng, các trại lính tanh bành. Chiều đó đồng chí Võ Chí Công quyết định đi ngay đến thị xã Pleiku, rồi từ đó vào cơ quan tiền phương Bộ tổng Tư lệnh ở Buôn Mê Thuột. Nhưng cầu Dakbla bị địch ném bom bị hỏng nên đoàn phải quay lại đường Trường Sơn 559 để vào. Đêm 18-3-1975, qua theo dõi tình hình chiến sự từ chiếc đài bán dẫn mang theo, ông Phan Đấu báo cáo với đồng chí Võ Chí Công, tình hình về chiến trường Trị Thiên- Huế, nhiều gia đình đã sơ tán vào Đà Nẵng. Qua khỏi ngầm Pô Cô trên đường Trường Sơn đồng chí Võ Chí Công bảo anh em cho anh dừng xe thảo luận rồi đề nghị ông Đấu thảo ngay bức điện gửi Bộ Chính trị, nội dung điện:

"Có hiện tượng địch rút Huế, lượng tổng dự bị cũng rút, đề nghị Bộ Chính trị điều quân tấn công Đà Nẵng, còn chúng tôi sẽ làm theo điện vừa báo cáo các anh". Ký tên- Năm Công
Ông Phan Đấu cùng bộ phận cơ yếu chuyển bức điện khẩn ra Hà Nội. Lúc này là 1 giờ sáng ngày 18-3-1975. Đến hai giờ sáng 19-3-1975, ăng-ten máy từ Trung ương bắt liên lạc… đoàn lại tiếp tục lên đường.

Bìa sách và ảnh ông Phan Đấu in trong hồi ký "Dặm đường xa".

Bức điện thứ hai

4 giờ sáng, đến trạm nghỉ, đồng chí Võ Chí Công bảo, bây giờ chúng ta không đi vào Buôn Mê Thuột mà theo đường 19 kéo dài xuống thị xã Pleiku. Lúc này trên đường 19 đã được Sư đoàn 968 giải phóng, nhân dân nổi dậy, cờ mặt trận treo khắp nơi. Trước tình hình chuyển biến mau lẹ, khi vào thị xã Pleiku đồng chí Võ Chí Công quyết định điện tiếp cho Bộ Chính trị, các anh Bùi San, Chu Huy Mân và Thường vụ khu ủy:

"Địch chạy khỏi Kon Tum, ta diệt được một ít làm chủ thị xã, tình hình ổn định- Tôi vừa vào thị xã, quần chúng phấn khởi. Tình hình này, địch rất dao động, suy sụp nhanh. Chúng ta sung sức, quần chúng nổi dậy sôi nổi, khí thế cách mạng cao. Các anh cho một sư đoàn phát triển vào phía trong, còn 2 sư đoàn xuống phía đồng bằng Khu 5 (một sư đoàn xuống hướng Nam đường 19 trở vào Bắc Khánh Hòa, một sư đoàn xuống Bắc Bình Định. Chúng tôi sẽ chuyển sư đoàn 2, sư đoàn 3 vào hướng từ Quảng Ngãi vào Bắc Bình Định thực hiện sớm phương án giải phóng từ Đà Nẵng đến đường 21 như đã định".

Bức điện thứ ba

Khi vào đến thị xã Pleiku, đồng chí Võ Chí Công, nảy ra ý kiến mới, điện cho anh Văn Tiến Dũng, xin không vào Buôn Mê Thuột nữa, mà quay về cơ quan Khu ủy 5 lo giải phóng đồng bằng. Anh trao đổi với anh em, "ta lần quần nông thôn sẽ mất thời cơ. Ta tiến công vào thành phố, thị xã sẽ được cả nông thôn". Đây là tư tưởng mới trái với quan điểm trước đó, lấy nông thôn bao vây thành thị, sau này hệ thống thành phương châm "Lách nông thôn tiến vào thành thị, lấy được thành thị được cả nông thôn".

Ngày 20-3-1975, đồng chí Võ Chí Công bảo ông Phan Đấu soạn bức điện gửi anh Chu Huy Mân, thường vụ Khu ủy đồng thời điện Bộ Chính trị và anh Văn Tiến Dũng:
"Địch sẽ rút khỏi đồng bằng Khu 5 và Trị Thiên, ta phải huy động toàn bộ tiến công địch ngay, hướng tiến công chủ yếu là thành phố, trọng điểm là Đà Nẵng và Quy Nhơn. Ở Đà Nẵng ta dùng pháo đánh địch, lấy lực lượng Quảng Đà và Sư 711 (sau này là 304) triển khai bao vây tấn công. Đề nghị Quân ủy điều ngay cho một sư đoàn nữa tiếp cho Đà Nẵng. Ở Quy Nhơn sư 3 tiến công từ đường 19 xuống, lực lượng tỉnh tập trung bao vây Quy Nhơn, còn nông thôn thì phát động nhân dân nổi dậy, xã, huyện tự giải phóng cho địa phương mình. Sư 2 tiến công giải phóng Tam Kỳ và phát triển ra phía bắc trên đường quốc lộ. Lữ 52 và trung đoàn địa phương Quảng Ngãi tiến công thị xã Quảng Ngãi. Ở Phú Yên lực lượng tỉnh bao vây tiến công thị xã Tuy Hòa. Tôi đang trên đường từ Pleiku về Khu" - Ký tên- Năm Công.

Đây là bức điện một lần nữa đồng chí Võ Chí Công đề xuất Bộ Chính trị đánh Đà Nẵng. Ngày 22-3-1975, đồng chí Võ Chí Công cấp tốc họp Thường vụ Khu ủy quyết định về kế hoạch Tổng tấn công và nổi dậy ở các tỉnh ven biển. Tiếp sau là họp với Tỉnh ủy Quảng Đà gồm anh Trần Thận (Bí thư) Phan Hoan (Chỉ huy trưởng) Trần Văn Tân phụ trách đấu tranh chính trị tại cơ quan khu ủy về phối hợp lực lượng giải phóng Đà Nẵng.

Ông Phan Đấu cũng nhắc lại chi tiết, khi đồng chí Võ Chí Công lên Tây Nguyên thấy địch bỏ chạy, tình thế mới xuất hiện, anh điện Bộ Chính trị cho đánh Đà Nẵng. Đồng chí Lê Duẩn thay mặt Bộ Chính trị trả lời "Nếu thấy làm được thì giải phóng Đà Nẵng đi". Đây là sự đồng ý của cấp trên nhưng không phải mệnh lệnh. Sau giải phóng Tam Kỳ, Quảng Ngãi, Huế, tình hình rất khẩn trương, tối 25-3-1975, đồng chí Võ Chí Công và Chu Huy Mân quyết định tấn công giải phóng Đà Nẵng với lực lượng của Khu và tỉnh. Đây là quyết định đúng đắn, kịp thời của những người chỉ đạo, chỉ huy của Khu ủy và Quân khu 5 trong tháng 3-1975 lịch sử. Bởi trước đó, theo phương hướng chiến lược năm 1975 của hội nghị Bộ Chính trị tháng 1-1975, sau giải phóng Buôn Mê Thuột đại quân sẽ theo đường 559, đường khu 6 vào tấn công Sài Gòn, còn Đà Nẵng là một căn cứ liên hợp quân sự mạnh của địch sẽ giải quyết sau.

Kế hoạch tấn công Đà Nẵng của Khu ủy, Quân khu là dùng lược lượng tại chỗ của khu và của tỉnh. Trưa 27-3-1975, đồng chí Võ Chí Công từ cơ quan khu ủy ở Phước Trà xuống đặc khu ủy Quảng Đà. Chiều 27-3-1975 đồng chí Võ Chí Công đã đến căn cứ Hòn Tàu, cơ quan đặc khu ủy Quảng Đà họp, kiểm tra lại kế hoạch chuẩn bị, phương án tấn công, tiếp quản thành phố. Trong lúc Khu ủy và Quân khu đang triển khai kế hoạch giải phóng Đà Nẵng với lực lượng tại chỗ, thì cũng trong ngày 27-3-1975, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định thành lập mặt trận Quảng Đà, chỉ định anh Lê Trọng Tấn- Phó Tổng tham mưu trưởng làm tư lệnh, anh Chu Huy Mân làm chính ủy. Nhưng tình hình chiến trường phát triển quá nhanh, Bộ Tư lệnh chưa kịp gặp nhau, chỉ trao đổi qua điện đài. Đêm 29-3-1975 đồng chí Võ Chí Công điện cho Bộ Chính trị "Đà Nẵng giải phóng rồi, tôi và anh Hồ Nghinh đã vào Đà Nẵng".

Sau này Bộ Chính trị làm việc với Khu ủy, Tổng bí thư Lê Duẩn đánh giá cuộc tiến công và nổi dậy giải phóng Đà Nẵng đã tiến hành sớm hơn, ngoài kế hoạch, có ý nghĩa quyết định sự sụp đổ toàn bộ quân nguy ở miền Nam. Ngày 31-3-1975, được điện của Bộ Chính trị, đồng chí Võ Chí Công lên đường Trường Sơn (559) gặp đồng chí Lê Đức Thọ tại làng Rô, trên đường vào chiến trường miền Nam để báo cáo tình hình và kinh nghiệm tiến công, nổi dậy ở Đà Nẵng và trao đổi kế hoạch giải phóng Sài Gòn.

(còn nữa) Võ Văn Trường