Những ca khúc sống mãi cùng tên tuổi Điện Biên

Thứ năm, 07/05/2020 22:00

Nếu như chiến thắng Điện Biên Phủ cách đây 66 năm  “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, thì những ca khúc ra đời trong chiến dịch để cổ vũ tinh thần cho quân và dân ta làm nên chiến thắng ấy, cũng vang động vượt thời gian. Ca khúc về Điện Biên Phủ rất phong phú, cũng như được nhiều nhạc sĩ sáng tác, đến nay vẫn thường được công chúng yêu âm nhạc ưa chuộng, trong đó phải kể đến 5 ca khúc dưới đây.

Tượng đài Điện Biên phủ.

Ca khúc Qua miền Tây Bắc được nhạc sĩ Nguyễn Thành viết trước khi có chiến dịch Điện Biên Phủ, đầy chất thơ và hiện thực, thể hiện lòng yêu nước nồng nàn của chiến sĩ  Điện Biên khi ấy. Nhạc phẩm ra đời ở đỉnh đèo Khâu Vác cao hơn 2.000 mét, cửa ngõ vào Điện Biên Phủ. Để có một tác phẩm với ca từ đầy hào hùng, khí thế của đoàn quân ra trận “Qua miền Tây Bắc núi vút ngàn trùng xa/Suối sâu đèo cao bao khó khăn vượt qua/Bộ đội ta vâng lệnh Cha già/về đây giải phòng quê nhà…”,  tác giả kể rằng ông đã phải mất 3 lần tự mình đi qua miền Tây Bắc. Tác giả từ đó càng cảm nhận tình cảm vô vàn của bộ đội ta với Bác, với quê hương, với chiến thắng, với mục tiêu cuối cùng: “Tay nắm tay vui mừng/Không phân miền xuôi ngược/ cùng dựng xây tươi đẹp nước non này”.

Cũng như Nguyễn Thành, nhạc sĩ Hoàng Vân đã hòa vào đoàn quân ra trận, chứng kiến cảnh “kéo pháo vào, kéo pháo ra”. Ông kể lại: Đêm đêm theo tiếng hò “dô ta nào, hai ba nào, tiếng mõ tre cốc cốc” làm hiệu lệnh dưới ánh trăng, hàng trăm chiến sĩ mặc áo trấn thủ, đội mũ nan cúi rạp người, choãi chân, những bắp tay rắn chắc bám vào dây trão, dây mây, dây song để kéo pháo… Âm thanh ấy, hình ảnh ấy, khí thế ấy tạo nên một bức tranh hùng vĩ, một không khí náo nhiệt hừng hực khí thế quyết tâm làm vang động cả núi rừng Điện Biên và nó đã tự thân cho Hoàng Vân một giai điệu đẹp: “Hò dô ta nào! Kéo pháo ta vượt qua đèo/Hò dô ta nào! Kéo pháo ta vượt qua núi/Dốc núi cao cao nhưng lòng quyết tâm còn cao hơn núi/Vực sâu thăm thẳm vực nào sâu bằng chí căm thù”... Hoàng Vân hoàn thành ca khúc Hò kéo pháo ngay tại mặt trận như thế.

Trong các nhạc sĩ có ca khúc về Điện Biên, có lẽ Đỗ Nhuận là người để lại nhiều nhạc phẩm thành công hơn cả. Đỗ Nhuận với những nhạc phẩm tiêu biểu Hành quân xa, Trên đồi Him Lam”, Giải phóng Điện Biên… đã phản ánh chân thực cuộc chiến tranh chính nghĩa, hào hùng của quân và dân ta. Nếu Hành quân xa là những lời động viên nhẹ nhàng, ngắn gọn, dễ hiểu, chân tình đối với cán bộ, chiến sĩ, giúp họ vượt qua những cuộc hành quân khó khăn, gian khổ, thì Trên đồi Him Lam là những dự cảm về một thắng lợi của bộ đội ta đang đến gần. Và cuối cùng. Giải phóng Điện Biên là sự vỡ òa trong niềm vui toàn thắng.

Ở “Hành quân xa” là những lời động viên, an ủi bằng ca từ thật giản dị: “Hành quân xa dẫu có nhiều gian khổ. Vai vác nặng ta đã đổ mồ hôi… Chí căm thù bởi bọn thực dân nó áp bức. Đời chúng ta đâu có giặc là ta cứ đi…”.

Trong chiến dịch Điện Biên, trận Him Lam là trận thắng đầu tiên. Lúc ấy, Đỗ Nhuận cùng với Trần Ngọc Xương, Nguyễn Văn Tiến ở trong tổ sáng tác có mặt tại đó. Đứng trên bờ chiến hào, các nhạc sĩ vừa đàn vừa hát cổ vũ cho các chiến sĩ đang hành quân ở dưới. Trong đoàn quân có một chiến sĩ nói với các nhạc sĩ: “Cố gắng sáng tác nhiều nhé, khi về bọn mình sẽ có quà cho văn công”. Người chiến sĩ nói câu ấy không bao giờ trở về nữa vì anh chính là liệt sĩ Phan Đình Giót đã lấy thân mình lấp lỗ châu mai. Sau này Đỗ Nhuận mới biết rõ. Và bài hát Trên đồi Him Lam đã được ông sáng tác ngay tại trận địa, giữa bộn bề ngổn ngang xác xe pháo trong mùi khói khét lẹt của đạn bom và xác giặc: “Hôm qua đánh trận Điện Biên chiến hào xuất kích đồi Him Lam ta tiến quân vào, đột phá tiêm đao tiến đánh vào…” và “Tin về thắng trận Bác Hồ mừng vui/Đồng lúa thắm tươi lại càng vui/Ngày nay chiến thắng vinh quang/Đêm dâng Tổ quốc thân yêu đang đợi chờ...”.

Ca khúc thứ 3 Giải phóng Điện Biên có lẽ vượt trội nhất trong số các tác phẩm mà Đỗ Nhuận viết về Điện Biên, cũng dễ hiểu bởi nó được sinh sôi trong niềm vui thắng trận. Xuất xứ ra đời của Giải phóng Điện Biên được Đỗ Nhuận ghi chép trong hồi ký “Âm thanh cuộc đời” như sau: “Ngày 7-5-1954, chúng tôi đang cuốc, rải đá, thì vào buổi chiều, một đồng chí liên lạc từ mặt trận đạp xe qua, reo to: “Mường Thanh địch hàng rồi! Giải phóng Điện Biên rồi!”. Tất cả đoàn văn công ngừng tay cuốc, ôm nhau nhảy không cần nhạc đệm… Tôi lại đàn, lại hát. Đêm hôm đó, tôi ngồi viết bên bếp nhà sàn đỏ lửa, thâu đêm, suốt sáng. Tay búng chiếc violin, mồm cứ y ỷ, sợ làm ồn anh em mất ngủ. Có mấy củ sắn lùi trong bếp than để bồi dưỡng đêm, tôi vừa viết, vừa bóc sắn ăn”.

Ca khúc Giải phóng Điện Biên đã ra đời từ đó. “Giải phóng Điện Biên bộ đội ta tiến quân trở về/Giữa mùa này hoa nở miền Tây Bắc tưng bừng vui/ Bản Mường xưa nương lúa mới trồng/Kìa đàn em bé giữa đồng nắm tay xòe hoa”. Kết thúc bài hát, ca từ chợt vút lên thật hào hùng: “Núi sông bừng lên/Đất nước ta sáng ngời/Cánh đồng Điện Biên, cờ chiến thắng tưng bừng trên trời”.

Cùng với các nhạc sĩ- chiến sĩ cùng thời đại, Nguyễn Thành, Hoàng Vân, Đỗ Nhuận đã góp phần tái hiện chiến thắng Điện Biên, và những ca khúc ra đời những năm 1954 vẫn luôn sống mãi trong lòng mỗi người dân Việt thành những áng ca bất hủ của nền âm nhạc cách mạng Việt Nam.

T.S