Những chiêu trò lừa đảo… “mạng”

Thứ ba, 04/01/2022 08:00

Trong khoảng thời gian một năm trở lại đây, trên các trang mạng tìm kiếm đã xuất hiện một số trang web giả mạo website của VNPT, đặc biệt là VNPT Đà Nẵng với mục đích trục lợi bất chính. Điều này không chỉ gây ảnh hưởng đến thương hiệu VNPT mà có dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng, đáng lên án và xử nghiêm theo pháp luật.

Trang web chính thức của VNPT Đà Nẵng với các đầu số báo hỏng, bán hàng: 18001166 cùng đường dây nóng: 0236. 3777777.

Người tiêu dùng lên tiếng

Anh Hoàng, một khách hàng của nhà mạng VNPT có địa chỉ tại đường Trần Đại Nghĩa, sau khi tìm kiếm trang VNPT để phản ánh về tình trạng mạng của mình thì tìm được một trang web có để logo VNPT cùng một số thông tin liên quan vào ngày 10-12-2021. Anh đã liên lạc với số điện thoại để trên trang web: 0911006xxx. Sau đó một số điện thoại khác đã gọi đến cho anh Hoàng: 0905961xxx thông báo là dây mạng bị hỏng và anh phải chờ 15 ngày hoặc thay đường dây của mạng khác để thông suốt việc kết nối internet (?!) Tối cùng ngày, anh Hoàng tiếp tục nhận nhiều cuộc điện thoại từ đầu số 0941118xxx để xin địa chỉ xử lý. Sau đó, 2 người một người mặc áo của nhà mạng khác (nhà mạng chúng tôi không tiện nêu tên) vào nhà anh Hoàng xem cục phát sóng wifi. Khi xem xét xong, các nhân viên “kỹ thuật” này báo là cục wifi nhà anh đã bị hỏng, quá tải và nếu muốn được sửa chữa thì phải chờ đến 15 ngày, còn để giải quyết nhanh nhất là chuyển qua đường dây nhà mạng mới. Thấy có gì đó không đúng với quy trình làm việc thông thường nên anh Hoàng đã từ chối và tìm kiếm đúng số điện thoại hỗ trợ của nhà mạng VNPT 18001166, anh đã được nhân viên thông báo đường dây đã hỏng và chuyển cho bộ phận kỹ thuật xử lý.

Không chỉ riêng anh Hoàng mà có rất nhiều khách hàng của nhà mạng VNPT đang vấp phải tình trạng tương tự khi sử dụng công cụ tìm kiếm trên mạng để gọi tư vấn sửa chữa đường dây internet. Chúng tôi đã thử dùng trang web: google.com để tìm kiếm thì đã xuất hiện rất nhiều trang website giả mạo VNPT. Đơn cử như trang web: vnptdanang24h.online - Số Hotline giả mạo: 0961 580 510; www.lapmangvnpttelecom - Số Hotline giả mạo: 0902 337196 ; banhangvnpt.com/lap-mang-wifi-vnpt-da-nang - Số Hotline giả mạo: 0838 006633 ; vienthongvnpt.online - Số Hotline giả mạo: 0901 956 069….Các website trên đã sử dụng nhận diện thương hiệu, Logo, giá cước công bố… của VNPT để quảng cáo bán hàng trái phép. Khi khách hàng gọi điện đến các hotline (giả mạo) này thì được những kẻ lừa đảo trả lời theo kịch bản rất tinh vi: Thông báo VNPT Đà Nẵng không có hạ tầng, không có kỹ thuật đến sửa chữa, lặp đặt; sau đó hướng dẫn sử dụng mạng của doanh nghiệp viễn thông khác. Hoặc một cách trả lời khác là: Giả danh nhân viên hỗ trợ khách hàng của VNPT, trả lời khách hàng với thái độ xấc xược, thiếu văn minh hoặc gây phiền nhiễu tạo ra hình ảnh "VNPT trì trệ" trong lòng khách hàng và cố tình gây cho khách hàng bức xúc, cắt hủy mạng VNPT…. Sau những chiêu trò đó, những đối tượng này sẽ cử kỹ thuật đến chèo kéo khách hàng chuyển từ VNPT sang nhà mạng khác.

VNPT tạo dựng văn hóa lấy khách hàng là trung tâm.

Trước thực tế đó, Lãnh đạo VNPT Đà Nẵng cho biết: Thay vì đeo đuổi cách giành giật khách hàng một cách hỗn loạn, chụp giật, VNPT xây dựng thương hiệu lấy chữ tín làm đầu, sẵn sàng cạnh tranh các nhà mạng khác bằng chất lượng dịch vụ và thái độ phục vụ cung cấp cho khách hàng. VNPT Đà Nẵng đang nổ lực từng ngày để khách hàng tin tưởng, yên tâm với chất lượng, giá cả và cung cách phục vụ của VNPT. Bên cạnh đó, VNPT đã triển khai các công nghệ mới để hiện thực hóa chủ trương đột phá về hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin và quyết liệt chỉ đạo từng bước đẩy mạnh chuyển đổi số trong bán hàng và chăm sóc khách hàng. Mục tiêu chính của VNPT là hướng đến sự hài lòng khách hàng, tăng cường tương tác và nâng cao trải nghiệm khách hàng đối với dịch vụ điện thoại di động Vinaphone, Internet băng rộng FiberVNN và truyền hình MyTV... Riêng đối với các trường hợp giả mạo trên, để bảo vệ quyền lợi của khách hàng và thương hiệu của VNPT, đơn vị đã báo cáo cơ quan nhà nước thẩm quyền có biện pháp ngăn chặn và xử lý nghiêm các đối tượng giả mạo với chiêu trò cạnh tranh bẩn trên đây để lừa đảo khách hàng. Một số đối tượng, vụ việc đã được báo cáo về Công an thành phố Đà Nẵng, Sở Thông tin và Truyền thông TP Đà Nẵng đang xác minh điều tra để có biện pháp xử lý thích đáng.

Tìm hiểu về quy định của pháp luật đối với các loại hình này, nhóm P.V đã được đơn vị Luật Minh Khuê cho biết: Lừa dối khách hàng là hành vi gian dối của người bán hàng trong việc mua bán gây thiệt hại cho khách hàng. Trong luật hình sự Việt Nam, hành vi lừa dối khách hàng được quy định là tội danh độc lập kể từ khi Pháp lệnh trừng trị các tội xâm phạm tài sản riêng của công dân năm 1970 có hiệu lực. Khi đó, tội này có tên là tội gian lận để chiếm đoạt tài sản riêng của khách hàng. Trong Bộ luật hình sự năm 1985 và Bộ luật hình sự năm 1999, tội lừa dối khách hàng đều được quy định là tội phạm thuộc Chương “Các tội xâm phạm trật tự quản lí kinh tể”. Theo Bộ luật hình sự, tội lừa dối khách hàng đòi hỏi các dấu hiệu sau: 1) Chủ thể có hành vi lừa dối trong việc mua bán gây thiệt hại cho khách hàng. Hành vi lừa dối này có thể được thực hiện qua các thủ đoạn như cân, đong, đo, đếm, tính gian hoặc đánh tráo loại hàng...; 2) Hành vi lừa dối đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho khách hàng hoặc chủ thể là người đã bị xử phạt hành chính hoặc đã bị kết án về hành vi này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm. Hình phạt được quy định cho tội này có mức cao nhất là 7 năm tù.

Để đảm bảo tốt nhất cho khách hàng, VNPT Đà Nẵng đã thực hiện đăng ký Tín nhiệm mạng với Trung tâm Giám sát An toàn Không gian mạng quốc gia (NCSC) và đã được NCSC cấp nhãn Tín nhiệm mạng để gắn nhãn lên website, khẳng định định tính chính danh web site của VNPT Đà Nẵng (https://danang.vnpt.vn; https://vnptdanang.vn) với đầu số dịch vụ báo hỏng là: 18001166 và đường dây nóng là 0236.3777777. Mọi website lợi dụng thương hiệu VNPT Đà Nẵng mà không có nhãn Tín nhiệm mạng của NCSC sẽ bị xem như là mạo danh.

P.V