Những chuyện dở khóc dở cười của giáo viên chủ nhiệm

Thứ tư, 02/01/2019 10:36

Lớp tôi có em A. mạo chữ ký phụ huynh, viết đơn xin nghỉ học vì ốm. Qua nắm thông tin từ các học sinh trong lớp, trường, giáo viên chủ nhiệm (GVCN) tìm đến quán game để "kéo" học sinh về lớp học. Thấy thầy đến, em A. và nhiều học sinh khác nữa bỏ chạy tán loạn, tỏa ra nhiều hướng khác nhau. Do chưa thu được tiền, chủ quán game (cũng là một phụ huynh) tức giận tìm đến trường, đứng ngoài sân… chửi đổng!

Đã có trường hợp phụ huynh cả tin con, vội trách thầy… mờ ám! Chẳng hạn, em N. nằm trong danh sách học sinh chậm tiến, thường trốn tiết chơi bời lêu lổng, lợi dụng việc nộp tiền trường để xin thêm bố mẹ. Ra chợ, nghe vài phụ huynh kể các khoản đóng góp đầu năm, lại trúng phụ huynh cùng lớp. Bức xúc vì con mình "bị" nộp tiền nhiều hơn con họ, phụ huynh em N. tức tốc gọi điện GVCN làm một tăng cho hả dạ: "Thầy thu tiền chi lạ rứa? răng mà thu mỗi đứa một phách, tại răng thằng cu tui thầy thu tiền nhiều hơn con bé mụ Tuyết?". Sau khi GVCN giải thích tường tận, đọc cụ thể số tiền cần đóng, phụ huynh mới tá hỏa vì con mình thiếu trung thực, xin thêm 200 ngàn để bỏ cho ấm túi.

Mới đây, gặp GVCN ngoài đường, phụ huynh em H. niềm nở chào thầy, nói: "Lễ vừa rồi cháu có ghé thăm thầy không?". Chị ấy còn bộc bạch thêm: Tui có cho nó 50.000 đồng, nó bảo mấy bạn trong lớp góp tiền để mua quà thăm thầy chủ nhiệm. GVCN mỉm cười: "Nhà trường nghiêm cấm học sinh đến nhà thầy cô trong ngày 20 để tránh tình trạng tai nạn giao thông". Thế là đã rõ, học sinh bây giờ…

Tuần trước, qua kiểm tra đột xuất, GVCN phát hiện có 9 em đi dép không có quai hậu, vi phạm Nội quy nhà trường, gọi lên hỏi thì các em viện lí do này nọ, kiếm cớ đủ điều, em thì nói đau chân, em thì bảo đi vội nên quên, trò thì nói giầy rách bố mẹ chưa mua kịp…để mang dép không có quai sau cho thoải mái. Nhằm lập lại kỷ cương, nề nếp, qua trao đổi với Ban đại diện phụ huynh lớp, GVCN quyết định "tạm giữ" 9 đôi dép không đúng chuẩn ấy một ngày, mục đích để các em ghi nhớ, từng bước chấp hành tốt hơn Nội quy học đường. Thế nhưng, chỉ tầm 10 phút sau giờ tan học, một phụ huynh nam xuất hiện trước lớp, áp sát vào GVCN, giận dữ quát tháo: "Răng rứa thầy, tại răng thầy thu dép con tui để hắn đi chân về. Đưa dép đây cho tui, nếu không tui kiện thầy đó"! GVCN bình tĩnh mời vị phụ huynh đó xuống phòng Hội đồng làm việc, rồi phân trần: Trước hết tôi thành thật xin lỗi anh vì giữ lại dép của con anh, nhưng để răn đe cho lần sau các em không còn tái phạm, ăn mặc không còn nhếch nhác nữa, mong anh chia sẻ và cảm thông cho chủ nhiệm lớp". Thật may, vị phụ huynh nghe cũng hơi lọt lỗ tai nên mới chịu buông tha cho GVCN. Lại thêm một phen kinh hoàng, và một bài học kinh nghiệm về công tác chủ nhiệm đã được rút ra.

Cũng trong số 9 em vi phạm vì mang dép không có quai hậu, có một phụ huynh điện, bảo: "Tui mua giày chưa kịp, đề nghị thầy cho thằng Q. mang dép lê hết tuần ni đã!". Ui chao! Mua dép có đến khó vậy không? Thế đó, học sinh vi phạm Nội quy, phụ huynh không hợp tác, còn gọi điện "chỉ đạo" GVCN, xin gia hạn thêm thời gian vi phạm, vô tình, chính phụ huynh đã tiếp tay cho con mình xem nhẹ kỷ cương, nề nếp của trường, lớp. Trong lúc, chính phụ huynh cũng thừa hiểu, kỷ cương chưa nghiêm thì nói gì đến chuyện học.

Nhịp sống tất bật, hối hả của xã hội hiện đại đã làm chi phối, xao nhãng một phần quản lý việc học của con em của các bậc phụ huynh, một thực trạng đang dần trở nên khá phổ biến hiện nay, là không ít phụ huynh do mải làm kinh tế, ít có thời gian theo dõi, đôn đốc việc học hành của con cái, thậm chí một số vị phụ huynh còn khoán trắng cho nhà trường, giáo viên chủ nhiệm. Đã thế, khi con em vi phạm Nội quy nhà trường, những bậc làm cha, mẹ chưa tìm hiểu cặn kẽ sự việc, chưa biết thực hư thế nào đã vội quy kết trách nhiệm, cho rằng GVCN lơ là.

Nhiều thầy, cô giáo có kinh nghiệm trong công tác chủ nhiệm lớp, đồng quan điểm với chúng tôi, thời buổi bây giờ học sinh đã khác, do đó cách thức, biện pháp quản lý học sinh không còn khuôn mẫu, cứng nhắc như trước, mà phải "dĩ bất biến, ứng vạn biến"; đòi hỏi GVCN phải kiên trì, có phương pháp sư phạm đúng đắn, khôn khéo, có nghệ thuật thuyết phục, khả năng xử lí các tình huống phức tạp nảy sinh từ thực tiễn cuộc sống học đường, và phải luôn khắc ghi lời dạy của cổ nhân: "Mềm thì nắn, rắn thì buông"! Nhưng chúng tôi cũng băn khoăn vô cùng: Liệu phương pháp này có ổn, hay chỉ là sự thỏa hiệp bất đắc dĩ của nhà trường nói chung, GVCN nói riêng với thực trạng đáng lo ngại này?

VÕ VĂN DẦN