Những cơn sốt đất đi qua (Bài cuối: Cuộc "đại phẫu" muộn màng?)
Việc phát triển ồ ạt đô thị theo cơn sốt đất khiến hầu hết các dự án đều dang dở, phải gia hạn tiến độ, còn người dân bản địa thì khổ sở với các dự án nham nhở này. Bà Thân Thị Miền, người dân bị ảnh hưởng bởi dự án khu đô thị Thiên Ân (nằm ở hai phường Điện Nam Trung và Điện Nam Đông) bức xúc: "Dân chúng tôi ở đây bị ảnh hưởng bởi liên tục các dự án. Khu đô thị cũng muốn lấy đất, dự án mở rộng đường DT607A cũng đã lấy đất, rồi dự án ĐH9 nối dài cũng ảnh hưởng. Chúng tôi đa phần làm nông nghiệp mà đất đai cứ thu hồi hết thế này thì ở cũng chật chội chứ chưa nói còn có miếng đất mà sản xuất kiếm ít đồng sống qua ngày".
Đất đai mất dần, người lớn tuổi không còn nghề nghiệp, dự án xí phần làm ngập lụt, làng quê náo loạn vì sốt đất… cứ thế làm khổ cả một vùng đất từ năm này đến năm khác.
Sau nhiều lần thanh tra, kiểm tra, mới đây Điện Bàn đã rà soát, phân loại để đưa ra hướng giải quyết dứt điểm cho các dự án đô thị này. Theo đó, đại đô thị Điện Nam-Điện Ngọc hiện có 81 dự án, trong đó 30 dự án đang triển khai thực hiện, 28 dự án đang hoàn thiện pháp lý để thi công, 11 dự án đã và chuẩn bị bàn giao, 12 dự án đã thu hồi. Ngoài ra, từ khu vực ranh giới khu đô thị mới Điện Nam-Điện Ngọc đến bờ Đông sông Cổ Cò có 8 dự án đang triển khai thi công. Qua rà soát, thị xã Điện Bàn đã phân thành 3 nhóm để đề xuất xử lý. Trong đó, nhóm 1 gồm 5 dự án đang triển khai nhưng còn vướng một ít mặt bằng không có khả năng giải phóng được thì sẽ loại phần vướng ra khỏi quy hoạch để đóng dự án.
Các dự án này gồm khu đô thị An Cư 1 (Cty Bách Đạt An, hơn 5,3 ha), khu đô thị Ngọc Dương Riverside (Cty Đất Quảng, rộng gần 20ha, đang xin điều chỉnh tiến độ lần 3), khu dân cư Thống Nhất giai đoạn 1 và 2 (Cty VN Đà Thành, tổng diện tích hơn 19 ha), khu phố chợ Điện Nam Trung (Cty Nguyên Thịnh Phát, rộng hơn 11 ha, triển khai đã lâu, điều chỉnh qui hoạch nhiều lần, người dân không chịu phối hợp giải phóng mặt bằng, không đồng ý phương án hỗ trợ, đền bù). Nhóm 2 gồm 57 dự án đang triển khai đạt được sự đồng thuận của người dân thì cho gia hạn lần cuối và yêu cầu sớm hoàn thiện thi công. Nhóm 3 là các dự án không khả thi sẽ thu hồi luôn.
Ông Nguyễn Xuân Hà nói, đây là cuộc "đại phẫu" đô thị mới Điện Nam-Điện Ngọc, anh nào mà ung nhọt cắt bỏ hết. Đây cũng là lần cuối gia hạn tiến độ với các dự án nhóm 2 (57 dự án), nếu không hoàn thành tiến độ, Quảng Nam sẽ xem xét thu hồi. "Lần này anh nào làm tiếp tục cam kết 1 lần nữa thì làm"-ông Hà nói. Tuy vậy, ông Hà cũng chia sẻ, tiến độ còn phụ thuộc vào khâu giải phóng mặt bằng, đây là trách nhiệm của địa phương. Hiện khâu giải phóng mặt bằng ngày càng khó, chưa kể cơ chế chính sách thay đổi thường xuyên, đòi hỏi của người dân cao hơn qui định, cũng phải mất thời gian tuyên truyền, vận động, biện pháp cuối cùng mới cưỡng chế.
Trong cuộc "đại phẫu" này, hệ lụy lớn nhất phải khắc phục vẫn là khớp nối hạ tầng qui hoạch. Ông Hà nói, từ khi đô thị mới bàn giao về Điện Bàn thì đã cho rà soát, yêu cầu các dự án phải bám theo qui hoạch hạ tầng khung. Hiện tất cả các dự án đã bám theo qui hoạch hạ tầng khung. Tuy vậy, việc khớp nối chưa hoàn thiện vì nhiều dự án còn đang triển khai dang dở, có dự án vướng mặt bằng không thể triển khai tiếp, do đó phải rà soát, phân loại tìm giải pháp gỡ vướng. Đơn cử như nhóm 1, vướng mặt bằng nhưng diện tích nhỏ, kéo dài, phải điều chỉnh qui hoạch cho loại phần vướng để kết thúc dự án. Phần diện tích loại ra, trách nhiệm địa phương sẽ quản lý, tiếp tục thực hiện các dự án đầu tư công. Có thể không đầu tư theo qui hoạch cũ thì ít nhất đầu tư hạ tầng giao thông theo qui hoạch khung.
Cũng theo ông Hà, các dự án chậm tiến độ, dang dở (vì mất 2 năm điều chỉnh qui hoạch chi tiết, 2 năm dịch Covid-19) nhưng chủ đầu tư đảm bảo năng lực, người dân ủng hộ giải tỏa thì sẽ gia hạn tiến độ lần cuối. Ngược lại các dự án mới triển khai hạ tầng diện tích ít, vướng mặt bằng giải phóng lớn, khả năng không thực hiện được thì đề xuất kiểm tra, thu hồi. Với việc phân loại từng nhóm, đưa ra giải pháp cụ thể, khi triển khai hoàn thiện các dự án như vậy sẽ khớp nối được hạ tầng.
Mặt khác, với các dự án đô thị đã thu hồi giao về cho Điện Bàn, ông Hà cũng cho biết hướng xử lý để có thể khớp nối đồng bộ hạ tầng với các dự án khác. Cụ thể với các dự án khu đô thị Bách Đạt 3 và 5 đã thu hồi sẽ triển khai làm công viên cây xanh phục vụ các khu ở lân cận. Với Bách Đạt 4 và 6 sẽ xây dựng công trình hạ tầng xã hội như trường học, bệnh viện, trung tâm thể dục thể thao. Khu đô thị Vạn Phúc City sẽ làm quĩ đất dự phòng để mở rộng nghĩa địa. Riêng đối với các dự án Khu dân cư thu nhập thấp 2,3,4,5 sau khi thu hồi sẽ dành 1 khu làm công viên, còn 3 khu sẽ tiếp tục kêu gọi đầu tư dự án nhà ở thu nhập thấp vì ở đây có nhiều công nhân.
Với việc rà soát, phân loại đưa ra giải pháp cụ thể với từng nhóm dự án, chính quyền Điện Bàn kỳ vọng đây là cuộc "đại phẫu" đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc để sớm chấm dứt tình trạng hàng loạt dự án dang dở kéo dài tạo bức tranh đại đô thị "da beo", thiếu khớp nối hạ tầng, ảnh hưởng đến đời sống người dân bản địa.
HẢI QUỲNH